Vì sao thời gian lấy ý kiến Bộ luật Hình sự sửa đổi… ngắn kỷ lục?

Một trong những lý do khiến thời gian lấy ý kiến Bộ Luật hình sự sửa đổi ngắn kỷ lục là do đây là bộ luật rường cột, làm cơ sở cho nhiều luật liên quan và cần phải được ban hành sớm.
Vì sao thời gian lấy ý kiến Bộ luật Hình sự sửa đổi… ngắn kỷ lục? ảnh 1Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Lễ công bố Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi. (Nguồn: baochinhphu.vn)

Chiều 15/7, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Lễ công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi.) Theo đó, trong vòng 2 tháng, các tầng lớp nhân dân trong nước và cả người Việt Nam định cư ở nước ngoài sẽ có cơ hội góp ý đối với dự luật được coi là “rường cột” này.

Đây cũng được coi là khoảng thời gian ngắn kỷ lục trong việc lấy ý kiến về một Bộ luật từ trước tới nay.

Lý giải về vấn đề trên tại cuộc họp báo công tác quý II năm 2015 của Bộ Tư Pháp được tổ chức sáng 16/7 tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ pháp luật hành chính cho hay: Mặc dù thời gian ngắn, nhưng các Bộ, ngành liên quan sẽ đảm bảo việc lấy ý kiến nhân dân được thực hiện nghiêm túc, chính xác và đi vào thực chất.

Cụ thể, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hành chính, Bộ Tư Pháp lý giải: Một trong những lý do khiến cho Bộ luật hình sự sửa đổi có thời gian lấy ý kiến nhân dân chỉ kéo dài 2 tháng là để triển khai thi hành Hiến pháp 2013. Bộ Luật hình sự sửa đổi nằm trong hệ thống những đạo luật rường cột bên cạnh luật dân sự và một số luật liên quan khác.

“Bộ luật hình sự được xác định là rường cột vì sẽ làm cơ sở cho Luật tố tụng hình sự, luật tạm giữ, tạm giam… Do vậy, Bộ Luật này cần sớm được ban hành,” bà Thoa nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, để tránh cho việc lấy ý kiến nhân dân chỉ mang tính hình thức, Bộ Tư Pháp cũng đã áp dụng những kinh nghiệm có được trong việc lấy ý kiến góp ý Hiến Pháp và Bộ Luật dân sự trước đó.

Cụ thể, Bộ Tư Pháp đã xác định rõ các đầu mối để tiến hành việc tập hợp các ý kiến của nhân dân, điển hình như Vụ Pháp Chế ở các Bộ và Sở Tư Pháp địa phương. Đây được coi là những “nút thắt” giúp quá trình thu thập ý kiến được diễn ra nhanh chóng và hiệu quả.

“Về mặt nghiệp vụ, bản thân Bộ Tư Pháp cũng luôn có trang mở để người dân trực tiếp tham gia trao đổi và đóng góp ý kiến,” Vụ trưởng khẳng định.

Trong quá trình thực hiện, Bộ Tư Pháp cũng đã xác định rõ các đối tượng, các hình thức lấy ý kiến khác nhau để đạt hiệu quả cao nhất.

Chánh văn phòng Bộ Tư Pháp Trần Tiến Dũng khẳng định: “Việc lấy ý kiến nhân dân đối với Bộ luật hình sự có ý nghĩa hết sức quan trọng. Trên cơ sở các ý kiến, đóng góp này, chúng tôi sẽ nghiên cứu, củng cố các chủ thuyết được đưa ra. Chúng tôi sẽ triển khai một cách bài bản, đảm bảo thực chất chứ không phải là hình thức.”

Nội dung lấy ý kiến nhân dân về toàn bộ dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), tập trung vào các vấn đề trọng tâm do Chính phủ xác định. Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) được đăng Báo Nhân Dân, Báo Đại biểu Nhân dân, Cổng thông tin điện tử của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tư pháp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục