Vị thế của công nghệ điện hạt nhân trong bức tranh toàn cầu

Theo báo cáo của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), điện hạt nhân vẫn tiếp tục có triển vọng phát triển, nâng cao công suất và mở rộng phạm vi ra khắp thế giới.
Vị thế của công nghệ điện hạt nhân trong bức tranh toàn cầu ảnh 1Lò phản ứng hạt nhân số 3 tại nhà máy Takahama, Nhật Bản. (Nguồn: Kyodo/TTXVN)

Sự cố hạt nhân tại Fukushima xảy ra tháng 3/2011, không chỉ làm suy sụp nền công nghiệp điện hạt nhân của Nhật Bản mà còn làm “lung lay” chính sách hạt nhân của một số nước trên thế giới.

Sau sự cố Fukushima một số nước tuyên bố từ bỏ điện hạt nhân như Đức, Bỉ… và ngay Nhật Bản cũng tạm dừng điện hạt nhân.

Cùng với thời gian, sự kiện này “lắng” dần xuống, đến 11/4/2014 Nhật Bản đã “rút” mục tiêu từ bỏ điện hạt nhân, nhiều nước cũng tiếp tục mở rộng tiềm năng hạt nhân và một số nước mới cũng tham gia phát triển nguồn năng lượng sạch này.

Nói về tình hình phát triển điện hạt nhân trên thế giới, ông Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết Nhật Bản quyết định tiếp tục mục tiêu phát triển điện hạt nhân, ngày 22/12/2015, tỉnh Fukui Issei Nishikawa đã đồng ý khởi động lại các tổ máy số 3 và số 4 của Nhà máy điện hạt nhân Takahama thuộc Công ty Điện lực Kansai.

Trước đó, ngày 10/9/2014, Cơ quan an toàn hạt nhân Nhật Bản đã đồng ý cho phép hai lò phản ứng của Nhà máy Sendai thuộc Công ty Điện lực Kyushu ở Tây Nam Nhật Bản tái khởi động sau khi đáp ứng đủ các quy định an toàn hạt nhân mới vô cùng nghiêm ngặt và Nhà máy điện hạt nhân Sendai chính thức hoạt động trở lại vào 28/10/2014.

Tính đến cuối tháng 12/2015, tổng số lò phản ứng trong nhà máy điện hạt nhân tại Nhật Bản là 43 lò, trong đó có 24 lò đang trong quá trình phê duyệt tái khởi động sau sự cố Fukushima.

Theo báo cáo mới nhất của IAEA, cùng với Nhật Bản các quốc gia phát triển điện hạt nhân “kì cựu” ở châu Âu và Bắc Mỹ như: Nga, Pháp, Anh, Hoa Kỳ… vẫn tiếp tục lựa chọn phát triển điện hạt nhân và lan tỏa sang châu Á, châu Phi, châu Úc.

Sự “lan tỏa” phát triển điện hạt nhân không chỉ ở các nước đã và đang phát triển mà cả những nước mới bắt đầu công nghiệp hóa. Một số nước vẫn tiếp tục các dự án đã khởi công hoặc phê duyệt mới dự án xây dựng các tổ máy.

Hiện các lò phản ứng đang trong quá trình xây dựng tại các nước gồm Mỹ với 5 lò, Liên bang Nga 10 lò, Pháp 1 lò, Ấn Độ 6 lò, Nhật 2 lò và Hàn Quốc 5 lò.

Nga dự kiến từ năm 2015-2020 sẽ tăng công suất năng lượng hạt nhân lên đến 30,5 Gwe, trong đó chủ yếu sử dụng các lò phản ứng nước nhẹ, đáng chú ý có một lò phản ứng tái sinh nhanh cỡ lớn gần hoàn thành mở ra chương trình xuất khẩu mạnh loại lò hiện đại này ra thế giới.

Bên cạnh đó, nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên trên thế giới đang gấp rút xây dựng để có thể đưa vào vận hành vào năm 2016.

Còn tại Bắc Âu, các nước Phần Lan và Pháp đều cùng tiếp tục mở rộng hệ thống các nhà máy điện hạt nhân. Vương quốc Anh cũng đang thay thế các tổ máy tiên tiến để đi vào hoạt động năm 2023 và đạt mục tiêu có thêm 16 GWe công suất điện hạt nhân vào năm 2030.

Các nước như Thụy Điển, Hungary, Slovakia và Tây Ban Nha lại tập trung đầu tư nâng cấp và kéo dài tuổi thọ các nhà máy điện hạt nhân và cũng có kế hoạch xây dựng mới các nhà máy điện hạt nhân. Belarus cũng đã bắt đầu xây dựng lò phản ứng đầu tiên và tổ máy thứ hai sẽ tiếp tục được xây dựng.

Tại châu Mỹ, Hoa Kỳ - nước được coi là cường quốc hạt nhân thế giới cũng đang xây mới 5 lò phản ứng; Argentina và Brazil đều có các lò phản ứng hạt nhân thương mại sản xuất điện và các lò phản ứng khác đang được xây dựng.

Quốc gia láng giềng là Chi le cũng đã có lò phản ứng nghiên cứu đang vận hành, có cơ sở hạ tầng phát triển điện hạt nhân và hướng tới xây dựng các lò phản ứng thương mại.

Phát triển điện hạt nhân tại châu Á được dẫn đầu bởi Trung Quốc và Ấn Độ, theo đó, Ấn Độ hướng đến đạt công suất điện hạt nhân 14,5 Gwe lên lưới điện vào năm 2020 và Trung Quốc tham vọng trở thành quốc gia lớn nhất về điện hạt nhân trên thế giới khi đưa vào vận hành 17 lò phản ứng hạt nhân mới trong giai đoạn 2020-2013 và đang xây dựng 30 lò phản ứng với 4 tổ máy AP1000 của Westinghouse đầu tiên trên thế giới và một nhà máy với lò phản ứng nhiệt độ cao làm mát bằng khí, để dự kiến tăng công suất phát điện lên 58 Gwe.

Có thể nói Hàn Quốc cũng là quốc gia mạnh về điện hạt nhân khi đang vận hành 23 lò phản ứng với tổng công suất hơn 20 Gwe, bên cạnh đó đang xây dựng 5 lò phản ứng và 4 lò khác nằm trong kế hoạch xây dựng.

Là nước bắt đầu phát triển điện hạt nhân, Việt Nam vẫn thực hiện theo kế hoạch để đến khoảng năm 2023 sẽ có nhà máy điện hạt nhân đầu tiên.

Trong xu hướng phát triển điện hạt nhân, các nước khu vực Trung Đông tưởng “bàng quan” khi giàu tài nguyên dầu lửa nhưng vẫn lựa chọn phát triển điện hạt nhân.

Điển hình là Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất đang xây dựng 2 lò phản ứng đầu tiên, còn Iran lò phản ứng hạt nhân đầu tiên cũng đang vận hành và một số lò khác đã được lên kế hoạch xây dựng…

Theo báo cáo của IAEA, hiện cả thế giới có 438 lò phản ứng hạt nhân sản xuất điện đang hoạt động với tổng công suất 380.000 Mwe, chiếm khoảng 11% tổng sản lượng điện năng toàn thế giới và 67 lò phản ứng đang được xây dựng.

Điều này cho thấy tầm quan trọng cũng như vị thế mới của ngành công nghệ điện hạt nhân và một bức tranh toàn cảnh mới khi các nhà máy điện hạt nhân đã mọc lên khắp các châu lục./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục