Vị thế “thiên đường tài chính” của Anh lung lay hậu Brexit

Quan chức Liên minh châu Âu đang lên kế hoạch di dời Cơ quan giám sát ngân hàng châu Âu (EBA) ra khỏi London sau khi đa số các cử tri ủng hộ nước Anh rời EU trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6.
Vị thế “thiên đường tài chính” của Anh lung lay hậu Brexit ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: cbronline.com)

Quan chức Liên minh châu Âu (EU) vừa cho biết khối này đang lên kế hoạch di dời Cơ quan giám sát ngân hàng châu Âu (EBA) ra khỏi London sau khi đa số các cử tri ủng hộ nước Anh rời EU trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6.

Ý định của EU, được công bố chỉ một ngày sau khi Ủy viên châu Âu của Vương quốc Anh là Jonathan Hill tuyên bố từ chức và nhường lại vị trí này cho cựu Thủ tướng Latvia Valdis Dombrovskis, đã làm dấy lên những quan ngại về việc thủ đô của nước Anh có thể bị “tách dần” khỏi quy chế tài chính của châu Âu hay thậm chí là các thị trường vốn của “lục địa Già.”

Chuyên gia Greg Clark đến từ viện nghiên cứu Brookings Institution nhận định một vài doanh nghiệp trước đây đặt trụ sở chính tại London sẽ rút một số hoạt động chính của họ sang những thành phố khác của châu Âu.

Trong khi những người ủng hộ Brexit cho rằng lĩnh vực tài chính của Xứ sở Sương mù sẽ trở nên thịnh vượng hơn khi thoát khỏi “vòng kiềm tỏa” của EU thì những doanh nghiệp lớn, trong đó có ngân hàng JPMorgan, đang lùng sục khắp châu Âu để đi tìm “bến đỗ” mới.

JPMorgan là ngân hàng đầu tiên cho biết về ý định dịch chuyển vài hoạt động ra khỏi đảo quốc, và Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của ngân hàng này Jamie Dimon ước tính sự di dời sẽ khiến nước Anh mất đi khoảng 4.000 việc làm.

Theo hãng xếp hạng tín nhiệm Standard and Poor's, London đang là nơi diễn ra khoảng 20% hoạt động ngân hàng toàn cầu.

Trước khi cuộc trưng cầu dân ý tại nước Anh diễn ra, Chủ tịch EBA Andrea Enria đã cảnh báo rằng các cơ quan của EU sẽ chỉ được đóng tại nước thành viên do đó EBA chắc chắn sẽ phải rời đi sau Brexit.

Phát ngôn viên của EU ngày 26/6 cho hay EU sẽ phải quyết định xem EBA sẽ được chuyển đi đâu và cho đến lúc đó, EBA sẽ tiếp tục hoạt động tại London.

Hiện Paris và Frankfurt đang bước vào cuộc đua nhằm thay thế London trở thành điểm đến mới của EBA. Bên cạnh đó, các thủ đô khác của châu Âu cũng đang tìm cách thu hút những công ty tài chính muốn rời trụ sở ra khỏi nước Anh.

Tại London, cứ ba việc làm được kiến tạo thì có một việc làm trong lĩnh vực tài chính, tương đương khoảng 1,25 triệu đầu việc.

Do đó, việc các doanh nghiệp đồng loạt bày tỏ ý định rời khỏi thủ đô nước Anh sẽ là đe dọa đến vị thế “thiên đường tài chính” của thành phố này.

Tuy nhiên ở một góc nhìn lạc quan hơn, chuyên gia Clark cho rằng tổng số việc làm bị ảnh hưởng tại London sẽ không cao vì doanh nghiệp sẽ lựa chọn tái cơ cấu hơn là rời đi, giúp London, với những lợi thế sẵn có về ngôn ngữ cũng như nền tảng văn hóa phong phú, giữ vững được vị trí “đất lành” cho các thị trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục