[Video] BRT có thực sự thành công ở những nước láng giềng?

Vừa qua, Hà Nội đánh giá việc dành riêng đường cho xe buýt nhanh là chưa hợp lý và cần cho xe buýt thường đi vào, điều này đang khiến nhiều người hoài nghi về tính khả thi của BRT.

TransJakarta là tên gọi hệ thống xe buýt nhanh ở Jakarta, Indonesia. Hệ thống này ra mắt vào tháng 1/2004, là hệ thống BRT đầu tiên ở Đông Nam Á. Đến nay, tuyến xe buýt mở rộng lên đến 210km.

Bên cạnh đó, TransJakarta cũng đã để lộ nhiều bất cập. Theo khảo sát của Trung tâm phát triển Liên hợp quốc, hệ thống BRT tiêu thụ lượng nhiên liệu lớn hơn nhiều so với ước tính ban đầu.

TransJakarta cũng đang mất dần lượng khách so với thời gian đầu, bởi tần suất hoạt động quá tải, thời gian di chuyển không phù hợp.

Một thành phố khác là Bangkok, một trong những thành phố lớn có lượng phương tiện vận chuyển hành khách công cộng đa dạng. Thành phố đã triển khai một tuyến đầu tiên trong hệ thống 5 tuyến BRT.

Sau một thời gian vận hành, dù giá vé đã tăng so với thời gian đầu, hệ thống BRT Bangkok luôn báo lỗ và không đủ trang trải các chi phí cần thiết.

Còn tại Malaysia, từ năm 2015, giới chức Kuala Lumpur đã giới thiệu hệ thống xe buýt nhanh chạy bằng điện BRT Sunway Line, nhằm giải quyết nạn kẹt xe vốn tồn tại trong nhiều năm nay.

Hệ thống BRT có làn đường riêng trên cao, không chạy chung với các phương tiện khác.

Tuy nhiên, để vận hành BRT hiệu quả, các nước cần phải tính toán đến các yếu tố đặc thù của nước mình với mục tiêu là tạo thuận lợi cho người dân, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng hơn qua đó giảm ách tắc giao thông./.

(Vnews)