[Video] Kỹ năng sống cần thiết khi bị vật sắc nhọn cắt mạch máu

Những sự cố liên quan tới các vật sắc nhọn gây chết người xảy ra ngày càng nhiều, bởi vậy, mỗi người chúng ta cần phải tự trang bị cho mình kỹ năng sống cần thiết để sơ cứu người bị nạn.

Sau khi liên tiếp xảy ra 2 vụ tai nạn do mảnh tôn cứa vào cổ, gây tử vong tại Hà Nội trong tuần qua khiến dư luận hoang mang, chiều 26/9, Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức họp báo truyền thông và hướng dẫn cách sơ cấp cứu cầm máu người bị nạn do mảnh tôn, vật sắc cắt đứt mạch máu để cứu sống các ca tai nạn tại cộng đồng.

Theo Tiến sỹ Dương Đức Hùng - Trưởng đơn vị Phẫu thuật tim mạch​, tốc độ chảy máu của các động mạch rất nhanh, chỉ cần 1-2 phút bệnh nhân có thể bị cạn máu hoặc sốc mất máu gây tử vong.

Nếu đưa bệnh nhân đến bệnh viện, dù nhanh cũng phải mất 10 phút, khi đó mọi sự cấp cứu đều đã muộn.

Vì vậy, những người có mặt tại hiện trường tai nạn cần làm mọi cách để cầm máu cho bệnh nhân.

Người dân có thể dùng bất cứ mảnh vải nào (có thể dùng áo) để áp vào vết thương, buộc chặt phía trên vết thương và quan sát xem máu có chảy hay không.

Nếu máu vẫn chảy có nghĩa là sự sơ cứu không thành công. Chú ý không buộc phía dưới vết thương vì không cầm được máu.

Riêng hai mạch cảnh ở cổ thì việc băng gạc phải rất cẩn thận vì có thể làm bệnh nhân ngạt thở trước khi sốc mất máu.

Khi đó, người dân nên đặt 1 que ở phía đối diện vết thương và băng chặt, điều này có thể tạo khe hở để bệnh nhân không ngạt thở.

Cũng có thể dùng ngay bàn tay của bệnh nhân đặt trên vết thương và băng.

Sau đó cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu lại đúng cách, tiệt trùng hơn, không nên đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế quá xa, gây nguy hiểm tính mạng cho người bệnh.

Có 2 tổn thương gây tử vong rất nhanh là tổn thương mạch máu lớn và ngạt thở.

Khi có trẻ bị ngạt thở, người nhà cũng nên dốc ngược bệnh nhân và đập vào lưng, sau đó đưa đến cơ sở gần nhất./.

(Vnews)