"Khoán xe công phải tính tới an ninh, an toàn cho lãnh đạo”

“Việc khoán xe công phải tính tới an ninh, an toàn cho lãnh đạo”

Việc khoán kinh phí xe công theo lãnh đạo Bộ Tài chính có thể tính tới bắt buộc với một số địa bàn nhưng chưa thể ồ ạt và phải tính tới an toàn cho lãnh đạo.
“Việc khoán xe công phải tính tới an ninh, an toàn cho lãnh đạo” ảnh 1Tại một số địa bàn, việc lãnh đạo tự túc phương tiện đi lại có thể trở thành bắt buộc. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Việc khoán kinh phí xe công theo lãnh đạo Bộ Tài chính có thể tính tới bắt buộc với một số địa bàn nhưng chưa thể ồ ạt và phải tính tới an toàn cho lãnh đạo.

Trả lời báo chí chiều 27/9, ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho hay, Nghị quyết của Chính phủ có nêu yêu cầu với các bộ, ngành khẩn trương xây dựng phương án và lộ trình thực hiện khoán kinh phí xe ôtô công đối với một số chức danh theo quy định.

Hiện tại Bộ Tài chính đã có quyết định thực hiện việc này từ 1/10. Khẳng định việc khoán kinh phí có thể bắt buộc nhưng cũng chính ông nhấn mạnh, quá trình này phải gắn với hạ tầng.

Theo ông Thắng, một số địa bàn, lĩnh vực có thể khoán bắt buộc như ở khu trung tâm, đô thị, nơi các phương tiện công cộng, cá nhân phát triển tốt.

Với những địa bàn này, lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng, các bộ, ngành, địa phương hoàn toàn có thể tiến hành khoán kinh phí cho các đồng chí lãnh đạo tự túc phương tiện đi, không phải bố trí xe như hiện tại.

“Đồng thời cũng phải đảm bảo an ninh an toàn với chức danh lãnh đạo. Khi khoán cũng chỉ tính khoán với cấp nào đó thôi, có thể chức danh dưới bộ trưởng, hoặc dưới người đứng đầu địa phương, không phải chức danh nào cũng khoán,” ông Thắng nói.

Nhắc lại nội dung nghị quyết của Chính phủ cho phép thực hiện từng bước, Cục trưởng Cục Quản lý công sản cho hay, cơ quan này đang nghiên cứu trình Bộ Tài chính kế hoạch để báo cáo lên Thủ tướng.

“Việc khoán cần xác định địa bàn, lĩnh vực chứ không thể ồ ạt mở ra, có thể ảnh hưởng tới hoạt động cơ quan đơn vị thực hiện,” ông Thắng đánh giá.

Trước đó, theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính, chế độ khoán được tính với xe đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc hàng ngày của chức danh Thứ trưởng Bộ Tài chính và lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ 1,25 (Tổng cục trưởng và tương đương).

Cụ thể, mức khoán được tính bằng đơn giá khoán nhân (x) số km x 2 lượt x số ngày làm việc. Trong số này, đơn giá khoán được xác định theo mức giá các hãng taxi loại 4 chỗ ngồi phổ biến trên thị trường. Ngoài ra, số km khoán là khoảng cách thực tế từ nơi ở đến nơi làm việc; số ngày làm việc của tháng theo quy định của Bộ Luật Lao động (22 ngày).

Số tiền khoán kinh phí sử dụng xe được chi trả cùng với kỳ trả lương cho từng chức danh Thứ trưởng thực hiện khoán. Tương tự, các tổng cục và tương đương thực hiện xác định và chi trả số tiền khoán kinh phí sử dụng xe ô tô cùng với kỳ trả lương cho các chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ 1,25./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục