Viện Grattan: Nhiều 'siêu dự án' giao thông ở Australia bị đội giá

Phân tích của Viện Grattan, Australia, cho thấy khoảng 25% số các siêu dự án giao thông ở nước này có giá quyết toán cao hơn giá dự kiến khi bắt đầu xây dựng.
Viện Grattan: Nhiều 'siêu dự án' giao thông ở Australia bị đội giá ảnh 1Một góc Melbourne, Australia. (Nguồn: abc.net.au)

Báo cáo của Viện nghiên cứu Grattan, Australia, mới đây đưa ra kết luận rằng các chính quyền địa phương ở nước này phải chi trả quá nhiều tiền cho các "siêu dự án" hạ tầng giao thông vì đã không đủ quyết liệt trong quá trình thương thảo hợp đồng với các công ty xây dựng.

Kết quả khảo sát 52 siêu dự án cơ sở hạ tầng giao thông kể từ năm 2006, với mỗi dự án trị giá hơn 1 tỷ AUD, cũng xác định việc các chính quyền chấp nhận thêm các yêu cầu của nhà thầu sau khi các thỏa thuận đã được ký kết dẫn tới tình trạng đội giá.

Phân tích của Viện Grattan cho thấy khoảng 25% các siêu dự án giao thông ở Australia có giá quyết toán cao hơn giá dự kiến khi bắt đầu xây dựng.

[Australia cam kết chi hàng tỷ USD duy trì phục hồi kinh tế]

Báo cáo cũng trích dẫn số liệu quốc tế cho thấy các dự án cơ sở hạ tầng giao thông của Australia trung bình đắt hơn so với các quốc gia tương đương khác. Chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng đường sắt ở nước này cao hơn 26% so với Canada, 29% so với Nhật Bản và cao hơn ba lần so với Tây Ban Nha.

Báo cáo cho biết thêm số lượng các "siêu dự án" giao thông cùng với quy mô giá trị hợp đồng ở Australia đã gia tăng trong thập kỷ qua. Quy mô hợp đồng trung bình cho mỗi siêu dự án trong giai đoạn 2014-2020 cao hơn 38% so với giai đoạn 2006-2013. Các hợp đồng trị giá trên 2 tỷ AUD (1,6 tỷ USD) ngày càng trở nên phổ biến hơn.

Bà Marion Terrill, tác giả chính của báo cáo, nhận xét  các hợp đồng lớn hơn, phức tạp hơn đã làm giảm số lượng các công ty có năng lực cung cấp, làm giảm sự cạnh tranh trong lĩnh vực này. Do đó, việc chia nhỏ các hợp đồng là điều rất quan trọng để tăng sự cạnh tranh và có được giá tốt.

Giáo sư David Hensher, nhà kinh tế học về giao thông của Đại học Sydney, cũng cho rằng số lượng hạn chế các doanh nghiệp có khả năng thực hiện các hợp đồng lớn là nguyên nhân khiến thị trường xây dựng cơ sở hạ tầng của Australia “không có tính cạnh tranh mạnh” và điều này khiến giá tăng một cách giả tạo.

Bộ trưởng Ngân khố bang New South Wales Dominic Perrottet cho biết các chương trình cơ sở hạ tầng cần có sự kết hợp giữa các dự án có quy mô khác nhau để có thể thực hiện nhanh hơn và giúp tạo thêm việc làm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục