Việt Nam “bốc hơi” mất 2,5% GDP mỗi năm vì tai nạn giao thông

Theo lãnh đạo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Việt Nam “bốc hơi” mất 2,5% GDP mỗi năm vì tai nạn giao thông trong khi tăng trưởng của cả nước là khoảng hơn 6% GDP/năm.
Việt Nam “bốc hơi” mất 2,5% GDP mỗi năm vì tai nạn giao thông ảnh 1Hiện trường một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. (Ảnh: TTXVN)

Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, tình hình trật tự an toàn giao thông, tai nạn giao thông ở nước ta hiện nay vẫn còn phức tạp. Bình quân, tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng 24 người/ngày và 60 người bị thương. Đặc biệt, Việt Nam “bốc hơi” mất 2,5% GDP  mỗi năm vì tai nạn giao thông trong khi tăng trưởng của cả nước là khoảng hơn 6% GDP/năm.

Thông tin trên được đưa ra tại Lễ ký kết hợp tác giữa Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) về an toàn giao thông năm 2016 và công bố kết quả nghiên cứu an toàn giao thông năm 2015 vào sáng nay (4/8).

Khẳng định tai nạn giao thông là vấn đề bức xúc mang tính toàn cầu và là thách thức lớn đối với chính phủ các nước trên thế giới trong đó có Việt Nam, ông Hùng đưa ra thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới, tai nạn giao thông làm 1,25 triệu người chết, 50 triệu người thương tật. WHO cũng khuyến cáo, nếu chính phủ các nước không quyết liệt thì đến 2020 số người tử vong vì tai nạn giao thông là 1,9 triệu người và hàng trăm triệu người bị thương.

Thừa nhận, tai nạn giao thông đường bộ có thể giảm ở một số khu vực nhưng vẫn nghiêm trọng, theo ông Hùng, qua thống kê của WHO, tai nạn giao thông trên thế giới qua các năm vẫn không có sự thay đổi, cơ cấu số người bị thương vong liên quan đến xe máy năm 2010 chiếm khoảng 40% nhưng đến 2013 lên tới 49%.

Sau nhiều năm thực hiện quyết liệt của Đảng, sự vào cuộc Chính phủ và các Bộ, ngành và các địa phương, tại Việt Nam, tai nạn giao thông tiếp tục giảm sâu ở cả 3 tiêu chí (số người chết, số người bị thương, số vụ).

Cụ thể, trong giai đoạn 2011-2015, số người chết đã giảm được trên 12.500 người so với giai đoạn 2006-2010. So sánh số liệu năm 2015 với năm 2011 thấy rằng, số vụ tai nạn giao thông giảm 51% số người bị thương giảm gần 60% và số người chết giảm gần 24%.

Qua bảy tháng của năm 2016, cả nước xảy ra 11.852 vụ tai nạn giao thông, làm chết 5.023 người, bị thương 10.286 người. So với cùng kỳ năm ngoái giảm 1.058 vụ (-8,2%), giảm 144 người chết (-2,79%), giảm 1.360 người bị thương (-11,6%).

Nhấn mạnh với sự chung tay vào cuộc của VAMM, ông Hùng cho rằng, nhận thức của người dân tham gia giao thông đặc biệt là chủ phương tiện xe máy đã có ý thức, hành vi văn hóa giao thông ngày càng cao đồng thời đánh giá cao sự cam kết, đồng hành với khẩu hiệu vì môi trường giao thông an toàn.

Tuy nhiên, ông Hùng cũng bày tỏ sự lo lắng khi tình hình trật tự an toàn giao thông ở nước ta hiện nay vẫn còn phức tạp. Bình quân, tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng 24 người/ngày và 60 người bị thương. Đặc biệt, Việt Nam bốc hơi mất 2,5%GDP/năm vì tai nạn giao thông trong khi tăng trưởng của cả nước là khoảng hơn 6%GDP/năm.

Đánh giá cao chương trình phối hợp nghiên cứu khoa học an toàn giao thông, vị Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, VAMM là Hiệp hội duy nhất trong các nhà hiệp hội sản xuất xe máy, ôtô tài trợ cho hoạt động nghiên cứu khoa học góp phần xây dựng chính sách, quy định pháp luật an toàn giao thông tại Việt Nam.

Việt Nam “bốc hơi” mất 2,5% GDP mỗi năm vì tai nạn giao thông ảnh 2Lễ ký kết hợp tác giữa Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam. (Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+)

Cam kết hợp tác lâu dài, ông Yano Takeshi, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam cho biết, VAMM xác định sẽ tiếp tục triển khai những chương trình, hoạt động hữu ích nhằm cải thiện môi trường an toàn giao thông nói chung, giảm thiểu số vụ tai nạn liên quan tới xe máy nói riêng.

VAMM cũng mong muốn hợp tác với các cơ quan Chính phủ trong việc chia sẻ kinh nghiệm, đóng góp ý kiến xây dựng chính sách quy hoạch và phát triển giao thông Việt Nam an toàn trong thời gian tới nhằm đưa ra những giải pháp toàn diện và nhiều lợi ích cho người dân khi tham gia giao thông.

Với những kết quả tích cực đạt được trong năm 2015, VAMM và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tiếp tục ký kết Biên bản thỏa thuận Chương trình phối hợp hưởng ứng năm An toàn giao thông Việt Nam 216 trong đó tiếp tục tài trợ 1 tỷ đồng cho dự án nghiên cứu về tình hình giao thông của học sinh Trung học phổ thông tại Hà Nội và đề xuất giải pháp cải thiện./.

Với thông điệp “Chung tay vì một môi trường giao thông Việt Nam an toàn”, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và VAMM đã xây dựng chương trình hợp tác bền vững về an toàn giao thông nhằm phối hợp thực hiện các hoạt động nghiên cứu, tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân, chia sẻ kinh nghiệm về quản lý và phát triển giao thông đô thị hiện đại…

Trong khuôn khổ chương trình, VAMM cũng đã thành lập Quỹ nghiên cứu an toàn giao thông tại Việt Nam nhằm thực hiện các nghiên cứu, đánh giá và đề xuất quan trọng về quản lý giao thông đô thị và giải quyết vấn đề an toàn giao thông liên quan đến xe máy trên cả nước.

Sau một năm, các thành viên của VAMM đã thực hiện chương trình tuyên truyền giáo dục và đào tạo nâng cao nhận thức an toàn giao thông cho hơn 1,2 triệu học sinh; trao tặng 65.000 mũ bảo hiểm xe máy đạt chuẩn, triển khai 446.431 chương trình hướng dẫn lái xe an toàn tới hàng trăm người dân trên cả nước.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục