Việt Nam cam kết thực hiện Công ước Quyền người khuyết tật

Việt Nam cam kết thực hiện Công ước Quyền của người khuyết tật

Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ người khuyết tật cao, do đó bảo vệ và thúc đẩy quyền của người khuyết tật luôn là ưu tiên và được thể hiện rõ trong pháp luật và chính sách của Việt Nam.
Việt Nam cam kết thực hiện Công ước Quyền của người khuyết tật ảnh 1Lớp học dệt tại Trung tâm dạy nghề người khuyết tật tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Ngày 9/6, tại trụ sở chính của Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), Hội nghị lần thứ 8 các bên tham gia Công ước Quyền của người khuyết tật (CRPD) đã diễn ra với chủ đề “Thực hiện quyền của người khuyết tật trong Chương trình Nghị sự Phát triển sau 2015.”

Hội nghị có sự tham dự của trên 600 đại biểu đến từ các quốc gia thành viên của công ước và đông đảo các đại diện cho các tổ chức của người khuyết tật. Việt Nam lần đầu tham dự hội nghị với tư cách thành viên sau khi chính thức phê chuẩn CRPD vào tháng 2/2015.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Jan Eliasson - Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc - nhận định CRPD ra đời đã đánh dấu bước chuyển đổi tư duy quan trọng từ cách tiếp cận đối với vấn đề khuyết tật ở góc độ từ thiện sang cách tiếp cận dựa trên quyền.

Phó Tổng Thư ký hoan nghênh 154 quốc gia đã phê chuẩn và kêu gọi các nước tiếp tục nội luật hóa và thực hiện CRPD, coi đây là cơ sở để triển khai Chương trình Nghị sự Phát triển sau 2015, trong đó có các Mục tiêu Phát triển bền vững, sẽ được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc vào tháng Chín này.

Cũng tại hội nghị, Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, Trưởng đoàn Việt Nam tham dự hội nghị, cho rằng mặc dù vấn đề người khuyết tật đã được quan tâm từ lâu trên thế giới, nhưng đây vẫn là đối tượng gặp nhiều khó khăn, như đói nghèo, bất bình đẳng, phân biệt đối xử, chế độ bảo trợ xã hội kém... Do đó, nhu cầu và quyền lợi của người khuyết tật cần phải là ưu tiên trong Chương trình nghị sự phát triển sau 2015.

Đại sứ Nguyễn Phương Nga cho biết Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ người khuyết tật cao, do đó bảo vệ và thúc đẩy quyền của người khuyết tật luôn là ưu tiên và được thể hiện rõ trong pháp luật và chính sách của Nhà nước Việt Nam.

Đại sứ khẳng định Việt Nam đang tích cực triển khai Đề án Hỗ trợ người khuyết tật giai đoạn 2012-2020 trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, việc làm, tiếp cận dịch vụ công, tư vấn pháp lý, thể thao, văn hóa..., đồng thời tăng cường dữ liệu thống kê về người khuyết tật, quan tâm trợ giúp người khuyết tật trong thiên tai, khủng hoảng.

Đại sứ Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh với triết lý “tàn nhưng không phế,” Việt Nam luôn quan tâm tạo điều kiện để người khuyết tật được đào tạo nghề, có việc làm, tạo thu nhập để tự thoát nghèo, để họ được tham gia đầy đủ và bình đẳng trong quá trình phát triển bền vững.

Nhân dịp này, Đại sứ đã cảm ơn sự hỗ trợ của các tổ chức Liên hợp quốc, các đối tác phát triển, các tổ chức và cá nhân đã và đang hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực bảo vệ và thúc đẩy quyền của người khuyết tật.

Hội nghị CRPD kéo dài đến 11/6 với các phiên thảo luận bàn tròn về các chủ đề xóa đói giảm nghèo và bất bình đẳng; tăng cường dữ liệu thống kê về người khuyết tật; quyền giáo dục của phụ nữ và trẻ em khuyết tật; tác động của thiên tai và khủng hoảng nhân đạo đối với người khuyết tật./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục