Việt Nam cần gây dựng niềm tin của công chúng với tiêm chủng

Việt Nam cần gây dựng niềm tin của công chúng đối với tiêm chủng

Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc cho rằng Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới cần gây dựng niềm tin của công chúng đối với tiêm chủng.
Việt Nam cần gây dựng niềm tin của công chúng đối với tiêm chủng ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Dương Ngoc/TTXVN)

Ngày 24/4, tại thành phố Bắc Giang, Bộ Y tế phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang tổ chức lễ míttinh hưởng ứng Tuần lễ tiêm chủng năm 2015.

Tham dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương.

Tuần lễ tiêm chủng năm 2015 do Tổ chức Y tế Thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương phát động từ ngày 24-30/4 với chủ đề “Chung tay cùng tiêm chủng bảo vệ cộng đồng.”

Sự kiện này tại Việt Nam nằm trong chuỗi các hoạt động truyền thông về tiêm chủng nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tiêm chủng vắcxin, duy trì thành quả của tiêm chủng mở rộng; huy động sự tham gia hưởng ứng, đầu tư của chính quyền các cấp, các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước cho hoạt động tiêm chủng vắcxin phòng bệnh đồng thời nêu cao trách nhiệm của người dân trong việc chủ động, tự giác thực hiện tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định trong vòng hai thế kỷ qua, vắcxin đã góp phần rất lớn đẩy lùi nhiều dịch bệnh và giảm tỷ lệ tử vong, bảo vệ sức khỏe con người.

Hiện nay, có hơn 30 bệnh truyền nhiễm có thể dự phòng được bằng vắcxin. Tuy nhiên, trong những năm gần đây dịch bệnh truyền nhiễm có những diễn biến phức tạp. Nếu việc tiêm chủng vắcxin phòng bệnh không được duy trì, trẻ em không được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch thì nguy cơ bùng phát dịch bệnh trở lại là rất lớn.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá cao lợi ích của việc tiêm chủng trong việc phòng bệnh và khẳng định việc phát động Tuần lễ tiêm chủng có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Phó Thủ tướng kêu gọi tất cả người dân nhận thức được tầm quan trọng, tính bắt buộc của việc tiêm chủng cho con, em mình, đồng thời đề nghị các cấp chính quyền, đoàn thể cùng chỉ đạo phối hợp với ngành y tế ở tất cả các khâu để thực hiện tốt chương trình tiêm chủng mở rộng trong toàn quốc, sao cho tất cả mọi người dân đều được tiêm chủng đúng, đủ, an toàn và thuận lợi.

Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc cho rằng Việt Nam cần lồng ghép tiêm chủng với những dịch vụ y tế khác để giảm nguy cơ bị bỏ lỡ, tổ chức nhiều hơn các buổi tiêm chủng và tuyên truyền giáo dục sức khỏe về tầm quan trọng của tiêm chủng cùng những hành vi lành mạnh khác.

Cùng với việc tăng cường hệ thống cung cấp các dịch vụ tiêm chủng, đảm bảo nguồn lực được phân bổ đủ cho công tác tiêm chủng, Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới cần gây dựng niềm tin của công chúng đối với tiêm chủng.

Sau buổi lễ các đại biểu đã tham gia diễu hành cổ động với các thông điệp như “Toàn dân tích cực hưởng ứng Tuần lễ tiêm chủng năm 2015,” “Chung tay cùng tiêm chủng bảo vệ cộng đồng,” “Vì tương lai trẻ thơ hãy đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch” và chứng kiến buổi tiêm chủng tại trạm y tế xã Song Mai, thành phố Bắc Giang.

Qua hơn 30 năm triển khai Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia ở Việt Nam, hàng trăm triệu liều vắcxin đã được tiêm miễn phí cho trẻ em để phòng bệnh, làm hạn chế về cơ bản cơ cấu bệnh tật ở trẻ em. Nhờ có vắcxin, Việt Nam đã thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000, loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005; tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như bạch hầu, ho gà, sởi... giảm hàng trăm lần so với trước.

Việt Nam đang nỗ lực tiến tới mục tiêu loại trừ bệnh sởi bằng việc triển khai Chiến dịch tiêm vắcxin sởi-rubella cho 20 triệu trẻ trong thời gian qua và đưa vắcxin ngừa sởi-rubella vào tiêm chủng thường xuyên, nâng số vắcxin trong Chương trình lên 12 loại.

Vừa qua, Việt Nam được Tổ chức Y tế thế giới công nhận đạt chuẩn quốc tế đối với hệ thống quản lý quốc gia về vắcxin. Đây là sự khẳng định chất lượng vắcxin sản xuất trong nước và góp phần thực hiện mục tiêu thanh toán bệnh bại liệt trên phạm vi toàn cầu vào năm 2018, loại trừ bệnh sởi trên phạm vi toàn cầu vào năm 2020 và giảm tỷ lệ mắc viêm gan B ở trẻ dưới 5 tuổi xuống dưới 1% ở khu vực Tây Thái Bình Dương vào năm 2017./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục