Cần mô hình thích hợp

Việt Nam cần mô hình phát triển kinh tế thích hợp

Để phát triển nhanh, bền vững, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần tập trung nghiên cứu một mô hình phát triển kinh tế thích hợp.
Sáng 6/1, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức diễn đàn phát triển bền vững kinh tế nhằm tổng kết tình hình thực hiện phát triển bền vững kinh tế giai đoạn 2005-2010 và định hướng giai đoạn 2011-2015.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Thế Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, với mục tiêu định hướng của Việt Nam là “phát triển nhanh, bền vững,” để đạt được điều này cần có sự tập trung nghiên cứu xác định được một mô hình phát triển kinh tế thích hợp, xây dựng được một hệ thống tài chính bền vững, hỗ trợ hơn nữa cho các khu vực nông thôn, các lĩnh vực nông nghiệp cũng như các doanh nghiệp nhỏ và vừa bởi đây là những lĩnh vực rất tiềm năng.

Thứ trưởng Phương nhận định để phát triển bền vững vấn đề huy động các nguồn lực cho phát triển là rất quan trọng. Không chỉ huy động là các nguồn lực về tài nguyên khoảng sản mà cần quan tâm hơn nữa đến việc huy động nguồn lực con người.

Theo báo cáo đánh giá về tình hình phát triển bền vững kinh tế giai đoạn 2005-2010, Việt Nam đã vượt qua khó khăn thách thức do tác động của khủng hoảng tài chính suy thoái kinh tế thế giới gây ra, duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao so với nhiều nước, và đã thoát khỏi nhóm nước đang phát triển có thu nhập nhập thấp.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm ước đạt 7% so với kế hoạch đề ra là 7,5%-8%. GDP theo giá thực tế tính theo đầu người năm 2010 dự kiến đạt 1.162 USD, vượt mục tiêu đề ra là 1.050-1.100 USD.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa-hiện đại hóa tiếp tục được quan tâm. Cơ cấu kinh tế theo các thành phần kinh tế đã chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng đóng góp vào GDP của khu vực kinh tế nhà nước, trong khi đó, tỷ trọng đóng góp trong GDP của khu vực kinh tế ngoài nhà nước đang có xu hướng tăng lên.

Về mặt xã hội, công tác xóa đói giảm nghèo đã đạt được những thành tựu bước đầu đáng khích lệ. Tính đến cuối năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo dự kiến giảm còn dưới 10%, đạt kế hoạch đề ra. Các cơ chế, chính sách môi trường và điều kiện cho người lao động từng bước phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, nhờ đó đã góp phần giải phóng sức sản xuất, tạo nhiều việc làm cho người lao động. Ước tính trong 5 năm qua đã giải quyết việc làm cho trên 8 triệu lao động, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị giảm còn 4,6%, tỷ lệ lao động khu vực nông, lâm, ngư nghiệp còn 50% kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên, trong giai đoạn 2005-2010, nền kinh tế và đời sống xã hội đã bộc lộ những hạn chế, tồn tại như tăng trưởng chủ yếu theo chiều rộng, thiếu chiều sâu; tính ổn định của kinh tế vĩ mô chưa cao; chuyển dịch cơ cấu kinh hết tiềm năng; năng suất lao động thấp, chất lượng nguồn nhân lực thấp; sản xuất tiêu hao nhiều năng lượng nhất là đối với các loại năng lượng không tái tạo.

Sự tăng trưởng kinh tế của dựa một phần quan trọng vào vốn vay nước ngoài. Mặt khác, những nguồn vốn vay này chủ yếu lại là dài hạn và trung hạn, sẽ do các thế hệ tương lai hoàn trả. Vì vậy trên thực tế, đây là sự vay mượn nguồn lực của các thế hệ tương lai. Số nợ hiện nay của Việt Nam so với các nước chưa thuộc loại cao và chưa tới giới hạn nguy hiểm, song đang tăng lên nhanh chóng và sẽ có nguy cơ đe dọa tính bền vững của sự phát triển trong tương lai.

Để phát triển kinh tế bền vững trong thời gian tới, ông Đỗ Văn Hùng, Phó Giám đốc Viện Chính sách và Phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, muốn phát triển kinh tế bền vững cần định hướng lại các khoản chi tiêu công, phát triển hệ thống tài chính một cách bền vững.

Ông Hùng cho rằng, đây là vấn đề cốt lõi trong phát triển kinh tế bền vững, bở các cuộc khủng hoảng kinh tế diễn ra gần đây đều bắt nguồn từ khủng hoảng tài chính. Để làm được điều này Chính phủ cần tăng cường các biện pháp để kiểm soát các chế định tài chính.

Đến từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn, ông Đặng Kiều Sơn cho rằng, các vấn đề như có sự chênh lệch giữa thu nhập giữa các vùng và chênh lệnh giữa người giầu và người nghèo càng ngày càng cao cũng là những vấn đề cần quan tâm. Tuy nhiên, ông cho rằng, vấn đề cơ bản không thể không nhìn nhận đó là sự chênh lệch về cơ hội phát triển giữa các vùng đặc biệt là giữa thành thị và nông thôn.

Theo đại diện Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, trong giai đoạn vừa qua Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trên các linh vực trong đó có việc hình thành tương đối đồng bộ các khung khổ pháp luật. Tuy nhiên có một vấn đề mà Việt Nam cần quan tâm là thực thi pháp luật một cách hiệu quả hơn nữa.

Bà Vũ Xuân Nguyệt Hồng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế theo hướng sử dụng, tiêu thụ ít năng lượng đòi hỏi phải có năng lực tài chính mạnh để có thể xây dựng hệ thống hạ tầng có liên quan tương ứng và đồng bộ./.

Thúy Hiền (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục