Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nhiễm dịch bệnh MERS-CoV

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng thuộc Bộ Y tế Trần Đắc Phu khẳng định hiện Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nhiễm dịch bệnh MERS-CoV.
Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nhiễm dịch bệnh MERS-CoV ảnh 1Kiểm tra hoạt động phòng chống dịch bệnh MERS-CoV tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

Chiều 8/6, tại buổi họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu khẳng định Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nhiễm MERS-CoV (Hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông do virus Corona).

Tuy nhiên, thời gian tới do dịch đang diễn biến phức tạp tại Hàn Quốc và Trung Quốc nên nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam là rất lớn.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh MERS-CoV đã ghi nhận tại 26 nước với 1.218 ca mắc và 450 ca tử vong. Tại Hàn Quốc đã ghi nhận 87 trường hợp mắc và 6 ca tử vong.

Tại Việt Nam đã ghi nhận 3 trường hợp nghi mắc bệnh nhưng kết quả xét nghiệm đều âm tính với MERS-CoV. Theo báo cáo của Viện Pasteur T hành phố Hồ Chí Minh, có 1 trường hợp nữ 52 tuổi trở về nước từ Dubai (UEA) qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất có các triệu chứng ho, sốt, sổ mũi. Trường hợp này đã vào Bệnh viện nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh ngày 5/6 và được cách ly, điều trị, làm các xét nghiệm cần thiết. Kết quả xét nghiệm của trường hợp này là âm tính với virus MERS-CoV.

Ngày 4/6, tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương có 2 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Trường hợp đầu tiên là 1 hành khách nữ 54 tuổi trở về nước từ Hàn Quốc qua cửa khẩu sân bay Nội Bài ngày 1/6. Đến ngày 4/6 , hành khách này các triệu chứng như sốt, ho khan.

Trường hợp thứ hai là hành khách nam, 30 tuổi trở về nước từ Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái ngày 3/6 và có các triệu chứng sốt, ho, khó thở. Cả 2 trường hợp này đã được nhập viện, cách ly và điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Kết quả xét nghiệm của cả 2 trường hợp đều âm tính với virus MERS-CoV.

Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê cho biết để phòng chống dịch MERS-Cov hiệu quả, Cục đã có kế hoạch thu dung, phân tuyến điều trị nhằm chủ động chuẩn bị và sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh này; đồng thời hạn chế lây nhiễm trong bệnh viện, hạn chế tử vong; duy trì hoạt động của các bệnh viện trong trường hợp dịch lan rộng.

Theo đó, các bệnh viện tuyến cuối gồm Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nhi đồng 1 và 2, Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị những ca xâm nhập đầu tiên, những ca nặng, khó; xây dựng hướng dẫn chuyên môn, phác đồ chẩn đoán, điều trị; phối hợp tập huấn cho các địa phương.

Cục trưởng Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh khu vực cách ly tại các bệnh viện hiện áp dụng tạm thời theo “Hướng dẫn kiểm soát lây nhiễm cúm A tại các cơ sở khám, chữa bệnh.”

Khu cách ly phải có buồng đệm, lưu ý hệ thống thông khí, các điều kiện vệ sinh, chống nhiễm khuẩn và phòng lây nhiễm; đồng thời đảm bảo đủ trang thiết bị (thiết bị chẩn đoán và thiết bị điều trị) và thuốc, các vật tư, hóa chất.

Phát biểu tại buổi họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định qua buổi họp Ban chỉ đạo dịch cho thấy các bộ, ban, ngành luôn trong tư thế sẵn sàng về cả chuyên môn, kỹ thuật, hậu cầu và công tác phối hợp trong phòng chống dịch không để dịch xâm nhập vào Việt Nam; nếu có dịch thì không để có trường hợp tử vong.

Để phòng bệnh hiệu quả thì cách ly là biện pháp số một, sau đó là chống nhiễm khuẩn tại bệnh viện. Bộ Y tế đã tổ chức tập huấn cho các tỉnh, tiếp đó các tỉnh sẽ tập huấn cho các huyện và huyện tập huấn cho tuyến xã.

Hiện nay, phác đồ điều trị không có gì thay đổi nhưng các bệnh viện phải rà soát lại về thuốc men, cơ sở vật chất, máy móc phòng dịch. Bên cạnh đó, công tác truyền thông cũng cần được tăng cường, đặc biệt là truyền thông tại phường...

Cùng ngày, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tập huấn trực tuyến về giám sát, điều trị và phòng chống dịch bệnh gây Hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông do virus Corona tại 63 điểm cầu trong cả nước.

Tại đây, đại biểu đại diện cho các bệnh viện được thông tin về tình hình dịch bệnh và kế hoạch đáp ứng của Việt Nam; kế hoạch tổ chức thu dung, phân tuyến điều trị bệnh nhân. Đồng thời, các đại biểu được hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh nhân, phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm tại cơ sở y tế; công tác giám sát xử lý ổ dịch; hướng dẫn lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển mẫu bệnh phẩm và hoạt động truyền thông phòng chống dịch bệnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục