Việt Nam có tốc độ tăng trưởng du lịch nước ngoài xếp thứ 2 khu vực

Việt Nam sẽ có gần 7,5 triệu người đi du lịch nước ngoài vào năm 2021, so với 4,8 triệu người năm 2016. Các quốc gia khu vực châu Á-Thái Bình Dương đạt mức tăng trưởng du lịch hàng năm 6% (2016-2021).
Việt Nam có tốc độ tăng trưởng du lịch nước ngoài xếp thứ 2 khu vực ảnh 1Phố cổ Hội An là di sản được nhiều du khách yêu thích. (Ảnh có tính minh họa: Mai Mai/Vietnam+)

Theo báo cáo về Tương lai du lịch nước ngoài tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương từ năm 2016-2021 của MasterCard, Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm kép về số lượng người đi du lịch nước ngoài ở mức 9,5%, đứng thứ 2 khu vực châu Á-Thái Bình Dương, chỉ sau Myanmar (10,6%).

Dự báo, Việt Nam sẽ có khoảng 7,5 triệu người đi du lịch nước ngoài vào năm 2021, so với 4,8 triệu người trong năm 2016.

Báo cáo cũng cho thấy, số người đi du lịch nước ngoài từ các quốc gia mới nổi của châu Á-Thái Bình Dương (Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Việt Nam, Bangladesh, Myanmar và Sri Lanka) hiện nhiều hơn 1,5 lần so với các quốc gia phát triển trong khu vực. Ngoài ra, con số này cũng sẽ gia tăng hơn gấp hai lần trong vòng 5 năm tới (7,6% so với 3,3%).

Nhìn chung, các quốc gia khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ đạt mức tăng trưởng du lịch hàng năm 6% từ năm 2016-2021.

Đặc biệt, quốc gia có lượng khách đi du lịch nước ngoài lớn nhất vào năm 2021 sẽ là Trung Quốc với 103,4 triệu lượt đi – chiếm 40% trong tổng số các chuyến đi nước ngoài tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cao gần gấp 4 lần hai quốc gia đứng vị trí thứ 2 và thứ 3 là Hàn Quốc (25,6 triệu) và Ấn Độ (21,5 triệu) tương ứng.

Top 10 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á-Thái Bình Dương được dự báo có số lượt chuyến đi du lịch nước ngoài nhiều nhất vào năm 2021:
  

Nghiên cứu của MasterCard cũng cho thấy, du lịch nước ngoài được dự đoán sẽ tăng trưởng nhanh hơn GDP thực tế. So với các quốc gia phát triển (ngoại trừ Nhật Bản), các quốc gia đang phát triển có xu hướng đạt mức tăng trưởng du lịch nước ngoài cao hơn tăng trưởng GDP thực tế. Các quốc gia đang phát triển như Myanmar (10,6% so với 7,7%), Việt Nam (9,5% so với 6,2%), Indonesia (8,6% so với 5,7%), Thái Lan (4,8% so với 3,1%) và Trung Quốc (8,5% so với 6%) đều có mức tăng trưởng du lịch nước ngoài cao hơn tăng trưởng GDP thực tế.

Ông Eric Schneider, Phó Chủ tịch cấp cao, khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Ủy ban cố vấn MasterCard đánh giá rằng: “Tầng lớp trung lưu mới nổi đóng góp quan trọng cho sự tăng trưởng về du lịch nước ngoài tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cùng với sự xuất hiện của thế hệ trẻ châu Á yêu thích du lịch khám phá, những người du lịch lâu năm muốn trải nghiệm mới, song song đó là sự phát triển hạ tầng và công nghệ mới.”

“Khách du lịch khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng du lịch trên toàn cầu trong những năm sắp tới, đem lại những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp hưởng lợi thông qua sự phát triển những sản phẩm và giải pháp nhằm cải thiện trải nghiệm du lịch cho du khách.”

Biểu đồ dự báo top 10 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất về du lịch nước ngoài (tăng trưởng hàng năm kép từ 2016-2021):

Báo cáo về Tương lai du lịch nước ngoài tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương của MasterCard cập nhật dự báo về du lịch nước ngoài trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương từ năm 2016-2021 của những hộ gia đình có những mức thu nhập khác nhau, kết hợp với dự báo tăng trưởng của các hộ gia đình trong 5 năm.

Dữ liệu này được lấy từ những khảo sát các Ưu tiên trong Chi tiêu du lịch của người tiêu dùng do MasterCard thực hiện từ năm 2011-2016. Dữ liệu du lịch nước ngoài từ năm 2013-2015 được lấy từ những ủy ban thống kê quốc gia của từng nước, và dữ liệu cho năm 2015-2016 được tính toán sử dụng những ước tính từ báo cáo Các điểm đến hàng đầu của khu vực châu Á-Thái Bình Dương năm 2016 của MasterCard./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục