Việt Nam đã vận hành 730 công trình quan trắc nước dưới đất

Tính đến nay, trên toàn quốc Việt Nam đã có 730 công trình quan trắc nước dưới đất, 7 công trình quan trắc nước mặt được xây dựng và vận hành.
Việt Nam đã vận hành 730 công trình quan trắc nước dưới đất ảnh 1Tài nguyên nước Việt Nam đang bị khai thác quá mức. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Ông Tống Ngọc Thanh, Tổng Giám đốcTrung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, hiện nay trên toàn quốc đã có 730 công trình quan trắc nước dưới đất, 7 công trình quan trắc nước mặt được xây dựng và vận hành.

Việc vận hành mạng lưới quan trắc tài nguyên nước được tiến hành đồng bộ, thường xuyên nhằm thu nhận các thông tin, dữ liệu về nước để phục vụ cho công tác quản lý, điều tra, lập quy hoạch khai thác và sử dụng bền vững nguồn nước cho tương lai.

Thông tin trên vừa được ông Thanh công bố tại hội thảo và triển lãm quốc tế lần thứ 3 với chủ đề “Công nghệ quan trắc và dự báo tài nguyên nước,” do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức sáng nay (17/10), tại Hà Nội.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai nhấn mạnh, tài nguyên nước đang đối mặt với những thách thức lớn, trong đó việc khai thác nước quá mức là một trong những nguyên nhân khiến nguồn tài nguyên chiến lược đứng thứ hai sau tài nguyên con người suy giảm nghiêm trọng. Thậm chí, một số nơi còn bị "tận thu" đến mức cạn kiệt.

Là một quốc gia nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới với đường bờ biển dài và địa hình đồng bằng thấp, từ xa xưa, Việt Nam đã phải chống chọi với rất nhiều thách thức liên quan đến nước như xâm nhập mặn, nguồn nước bị ô nhiễm và khai thác quá mưc...

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai, những thách thức về nước sẽ trở nên nghiêm trọng hơn trong tương lai, khi tốc độ tăng trưởng kinh tế, đô thị hóa, tăng dân số được xếp vào mức nhanh trên thế giới.

Nhận thức được điều này, Chính phủ Việt Nam ngày càng chú ý hơn và xác định nước là tài nguyên chiến lược đảm bảo phát triển bền vững quốc gia. Theo Luật Tài nguyên nước năm 2012, Bộ Tài nguyên và Môi trường được Chính phủ giao trách nhiệm quan trắc, giám sát về số lượng, chất lượng nguồn nước, hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước.

Ở góc độ cơ quan nghiên cứu, ông Tống Ngọc Thanh, Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia cho biết, để quản lý, khai thác sử dụng bền vững lâu dài, công tác quan trắc và dự báo tài nguyên nước giữ một vai trò hết sức quan trọng. Tuy nhiên, cho đến nay, các công nghệ quan trắc ở nước ta vẫn còn những hạn chế nhất định.

Xác định tầm quan trọng của các giải pháp sáng tạo và thúc đẩy hợp tác về nước, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia cùng với một số đối tác trong nước và quốc tế đã đề xuất “Sáng kiến hợp tác về nước VACI,” nhằm tạo dựng một diễn đàn để các đơn vị liên quan gặp gỡ, chia sẻ cơ hội hợp tác về tài nguyên nước cho Việt Nam và khu vực.

Tại hội thảo, đại diện cho các nhà tài trợ quốc tế, giáo sư Nancy Cromar, Phó hiệu trưởng trường đại học Flinders (Australia) cũng đánh giá cao sự hợp tác về nước giữa Việt Nam và các nước trên thế giới. Thông qua đó, bà cũng khẳng định các nhà tài trợ sẽ giúp Việt Nam có được những sáng kiến về khoc học và công nghệ để quản lý nguồn nước tốt hơn./.

Theo số liệu thống kê của Liên Hiệp Quốc, từ năm 1980 đến nay, tổng lượng nước khai thác trên thế giới tăng trên 1% mỗi năm, tạo thêm sức ép ngày càng lớn về nước ở rất nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau. Hiện tại, trên thế giới, khoảng 780 triệu người chưa có điều kiện tiếp cận với nguồn nước sạch an toàn, trong khi đó, nguồn nước, cả nước mặt và nước dưới đất đang ngày càng bị suy thoái và ô nhiễm.

Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, thế giới sẽ cần thêm 30% nước sạch so với nhu cầu hiện tại vào năm 2030 và đến 44% vào năm 2050. Đó là những con số rất đáng báo động.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục