Việt Nam đối mặt vấn đề chất lượng nhân lực và năng suất thấp

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ rõ các thách thức mà Việt Nam phải đối mặt như chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh thấp.
Việt Nam đối mặt vấn đề chất lượng nhân lực và năng suất thấp ảnh 1Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền đã dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng Lao động-Việc làm ASEM lần 5 diễn ra từ ngày 2-4/12 tại thủ đô Sofia, Bulgaria.

Hội nghị Bộ trưởng Lao động-Việc làm Á-Âu (ASEM) lần thứ 5 với chủ đề "Phát triển xã hội bền vững tại châu Á và châu Âu: cùng hướng tới mục tiêu việc làm bền vững và an sinh xã hội." Đây là diễn đàn về lao động-việc làm cao nhất của các Bộ trưởng châu Á và châu Âu nhằm chia sẻ những kinh nghiệm, sáng kiến, chương trình của các nước tại hai châu lục. Tham dự hội nghị có 41 trong tổng số 51 quốc gia thành viên ASEM.

Với tư cách là nước chủ nhà của Hội nghị lần thứ 4 vào năm 2012, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền đã đồng chủ trì phiên khai mạc của hội nghị với Thủ tướng, Phó Thủ tướng-Bộ trưởng Bộ Lao động và Chính sách Xã hội Bulgaria, đại diện của Ủy ban châu Âu.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Lao động và Chính sách Xã hội Bulgaria, ông Ivailo Kalfin đã đánh giá cao nỗ lực của các thành viên quốc gia trong việc thực hiện Tuyên bố Hà Nội năm 2012 và về những thành tựu mà các quốc gia đã đạt được trong lĩnh vực lao động, việc làm và an sinh xã hội.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nhấn mạnh thành tựu các quốc gia thành viên đạt được ở cấp quốc gia và khu vực trong các lĩnh vực: thúc đẩy việc làm và tạo việc làm bền vững, đặc biệt là cho thanh niên và các nhóm lao động dễ bị tổn thương; thúc đẩy thực thi Sàn an sinh xã hội hiệu quả do các quốc gia xây dựng - các công cụ hữu dụng để đảm bảo thu nhập tối thiểu, giảm nghèo đói, thu hẹp bất bình đẳng và thúc đẩy hòa nhập xã hội - ở cả khu vực kinh tế chính thức và khu vực phi chính thức.

Bộ trưởng nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc các đối tác ASEM cùng chia sẻ kinh nghiệm và việc thông qua thực hiện và đánh giá các chiến lược quốc gia về an toàn-vệ sinh lao động tại các nước ASEM; thúc đẩy thực thi các tiêu chuẩn lao động cơ bản của ILO và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nỗ lực thực hiện pháp luật trong nước nhất quán với các tiêu chuẩn lao động của ILO.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cũng chỉ ra rằng cả hai khu vực và mỗi nước thành viên ASEM vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức, như là các vấn đề về lao động, việc làm và khía cạnh xã hội của chúng; các vấn đề về kinh tế, tài chính cần được quan tâm nhiều hơn nữa nhằm tăng cường sự điều phối và gắn kết giữa các chính sách kinh tế và xã hội, đồng thời phải tăng cường quan tâm và giải quyết các khía cạnh xã hội của toàn cầu hóa... Các thách thức này đang đòi hỏi các nhà lãnh đạo ASEM cần phải có những cam kết mạnh mẽ hơn nữa trong việc chia sẻ kinh nghiệm và các bài học điển hình về xây dựng và thực hiện chính sách pháp luật giữa các thành viên ASEM.

Đồng thời, các nước ASEM cũng cần thúc đẩy và mở rộng hợp tác tại các diễn đàn trong khuôn khổ toàn cầu, khu vực và ASEM nhằm đẩy mạnh đối thoại xã hội; thảo luận sâu hơn về các vấn đề cùng quan tâm liên quan tới các chính sách lao động, việc làm và an sinh xã hội.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền đã nêu bật những thành tựu mà 3 năm qua Việt Nam không ngừng thực hiện nhằm thúc đẩy việc làm bền vững đàm bảo an toàn lao động và an sinh xã hội cho người lao động.

Bộ trưởng cũng chỉ rõ các thách thức mà Việt Nam phải đối mặt giải quyết như chất lượng nguồn nhân lực thấp, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh chưa cao, đặc biệt là trong khu vực nông thôn, khu vực phi kết cấu, trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ; vấn đề quản trị thị trường lao động và quản lý di chuyển lao động trong bối cảnh thị trường khu vực và quốc tế rộng mở.

Cũng tại hội nghị, các nước Á-Âu đã chia sẻ những thành tựu, mô hình thúc đẩy việc làm bền vững, an toàn lao động, an sinh xã hội trên cơ sở tăng cường sự tham gia của các đối tác xã hội trong quá trình cải cách luật pháp, thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong công tác đào tạo nghề, đào tạo việc làm bền vững cho người lao động.

Kết thúc hội nghị, các nước đã thông qua Tuyên bố Sofia với các nội dung chính liên quan tới thúc đẩy kết quả thị trường lao động thanh niên, tăng cường việc làm bền vững và điều kiện làm việc an toàn trong các chuỗi cung ứng toàn cầu và tăng cường các hệ thống an sinh xã hội đầy đủ hướng tới tăng trưởng và việc làm.

Bên cạnh các phiên họp chính thức của hội nghị, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền còn tiếp xúc song phương với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, Thứ trưởng Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc và một số các cuộc tiếp xúc khác.

Trước khi về nước, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền đã đến thăm và gặp gỡ toàn thể cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Bulgaria./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục