Việt Nam đóng góp tích cực trong triển khai các mục tiêu bền vững

Phóng viên có cuộc trao đổi với ông Gyan Chandra Acharya, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc về những đóng góp của Việt Nam trong triển khai các mục tiêu phát triển bền vững.
Việt Nam đóng góp tích cực trong triển khai các mục tiêu bền vững ảnh 1Ông Gyan Chandra Acharya, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Đại diện cao cấp Cơ quan Đại diện cao cấp về Nhóm các nước kém phát triển. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)

Ngày 7/3, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp với Cơ quan đại diện cấp cao của Liên hợp quốc về nhóm các nước kém phát triển, các nước đang phát triển không có biển và các nước đảo nhỏ đang phát triển tổ chức Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc khu vực Á-Âu về tăng cường hợp tác thuận lợi hóa trung chuyển, thương mại và thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững.

Nhân dịp này, phóng viên có cuộc trao đổi với ông Gyan Chandra Acharya, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Đại diện cao cấp Cơ quan đại diện cao cấp về Nhóm các nước kém phát triển, các nước đang phát triển không có biển và các nước đảo nhỏ đang phát triển về những đóng góp của Việt Nam trong lĩnh vực này.

- Những nước đang phát triển nằm sâu trong lục địa thường phải đối mặt với nhiều thách thức đòi hỏi nhiều sự hỗ trợ từ các nước quá cảnh hàng hoá và các đối tác khác. Việt Nam là một nước cung cấp dịch vụ quá cảnh hàng hóa và cũng là một nước đang phát triển với khó khăn về nguồn lực. Vậy ông có thể chia sẻ về các giải pháp của Liên hợp quốc thu hút nguồn lực để hỗ trợ các dự án hợp tác giữa các nước quá cảnh hàng hóa và các nước nằm sâu trong lục địa, đặc biệt là các dự án ở tiểu vùng sông Mekong?

Ông Gyan Chandra Acharya: Tôi cho rằng đây là một vấn đề rất quan trọng. Hiện có 32 nước không có biển là nước đang phát triển trên thế giới. Và hiện cũng có 34 nước trung chuyển. Đây là một con số rất lớn nếu đề cập tới những quốc gia đang phát triển không có đường biển. Khi không có biển, thương mại của một nước phải đi qua một nước khác có biển.

Điều đó có nghĩa là nước đó phải có sự phối hợp chặt chẽ với nước quá cảnh. Liên hợp quốc với tư cách là một tổ chức quốc tế đang tham gia giải quyết những thách thức và cơ hội của các nước. Liên hợp quốc đã đưa ra một chương trình hành động dành riêng cho các quốc gia này. Điều này có nghĩa các thành viên quốc tế trong cộng đồng đều đang xem xét những thách thức này và cố gắng giúp đỡ các nước đó giải quyết.

Một trong những thách thức đó là thương mại. Vì vậy làm thế nào để giảm chi phí thương mại bằng cách tăng cường hoạt động tại biên giới của các nước này . Thứ hai là về cơ sở vật chất. Có rất nhiều thứ bạn muốn bán hay nhập khẩu để phát triển kinh tế phải đi qua đường bộ cũng như đường biển. Nhưng vì các nước này không có biển nên phải phụ thuộc vào giao thông đường bộ, đường không và các loại hình giao thông khác. Do đó, cơ sở vật chất là một vấn đề.

Trong đó, những gì Liên hợp quốc đang thực hiện là yêu cầu cộng đồng quốc tế giúp các nước này phát triển cơ sở hạ tầng tốt hơn. Vấn đề thứ ba là liên kết vùng. Liên kết vùng là vô cùng quan trọng đối với các quốc gia này bởi chúng phụ thuộc vào các quốc gia trung chuyển để buôn bán hàng hóa cũng như các hoạt động kinh tế khác.

Vấn đề thứ tư là cộng đồng quốc tế. Chúng ta đang sống trong một thế giới kết nối và toàn cầu hóa. Cộng đồng quốc tế hỗ trợ bằng cách hỗ trợ các nước này về thương mại, cơ sở hạ tầng và trung chuyển và cả về chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Nghĩa là khía cạnh kinh tế dài hạn của các quốc gia này cần được hỗ trợ phát triển. Liên hợp quốc rất muốn giúp đỡ các quốc gia đó giải quyết các vấn đề này.

- Ông có thể chia sẻ quan điểm của mình về những cam kết của Việt Nam trong hợp tác hàng quá cảnh? Ông đánh giá thế nào về việc chuẩn bị và tổ chức hội nghị lần này?

Ông Gyan Chandra Acharya: Đầu tiên tối muốn cảm ơn chính phủ Việt Nam đã hỗ trợ nhất quán các nước đang phát triển không có biển bằng cách tham gia vào các chương trình hành động. Ví dụ như chúng tôi có một hội thảo hết sức quan trọng ở Việt Nam năm 2014. Việt Nam cũng tham gia thảo luận các vấn đề quốc gia. Việt Nam đang tham gia ở mức độ toàn cầu. Tôi cho rằng điều này rất quan trọng bởi chúng ta đều là một phần của cộng đồng toàn cầu.

Việt Nam là một quốc gia trung chuyển của Lào - nước láng giềng của các bạn, một nước không có biển. Qua Việt Nam, Lào có thể vận chuyển nhiều hàng hóa. Dó đó, việc cung cấp trung chuyển hàng hóa cho Lào là một ví dụ điển hình. Một ví dụ khác là Việt Nam đóng vai trò tích cực trong việc phát triển hành lang kinh tế Đông-Tây bao gồm Lào, Myanmar, Việt Nam, Campuchia, Thái Lan.

Tôi cho rằng đây là một ví dụ điển hình trong kết nối khu vực. Việt Nam đã tham gia tích cực vào kế hoạch kết nối ASEAN và các kế hoạch khác như Một biên giới - một trụ cột với Lào. Đó là một vài trong số những ví dụ điển hình về việc Việt Nam đang đóng góp với tư cách quốc gia trung chuyển.

Thực tế là những gì chúng tôi thấy tại diễn đàn ở đây cho thấy cam kết mạnh mẽ, Việt Nam không những hỗ trợ nước khác trong khu vực mà còn mong muốn học hỏi từ các nước khác trên thế giới. Diễn đàn này quy tụ các nước không có biển và cả các nước trung chuyển trong khu vực châu Âu và châu Á. Việt Nam muốn tìm hiểu các nước khác đang giải quyết vấn đề ra sao và chia sẻ mình đang làm gì để hỗ trợ các nước không có biển. Đây là quá trình học hỏi và chia sẻ lẫn nhau nên chúng tôi rất trân trọng sáng kiến này.

Cuối cùng, tôi phải nói rằng Việt Nam là một ví dụ điển hình cho các quốc gia khác. Tất nhiên Việt Nam không phải là một nước không có biển. Đối với Việt Nam mà nói, đây không phải là một vấn đề quan trọng cho các bạn mà cho các nước khác. Nhưng Việt Nam có cơ sở hạ tầng tốt và phát triển thương mại nhanh chóng trong vòng hai thập kỷ nay. Các quốc gia có thể xem một đất nước đã phát triển cơ sở hạ tầng và thương mại như thế nào trong hơn 20 năm trở lại đây. Và đây cũng là một điển hình về phối hợp ở mức độ quốc tế.

- Năm nay đánh dấu 40 năm Việt Nam tham gia với tư cách là một thành viên năng động và tích cực của Liên hợp quốc. Ông đánh giá thế nào về những đóng góp của Việt Nam đối với Liên hợp quốc trong những năm gần đây?

Ông Gyan Chandra Acharya: Việt Nam đang tham gia tích cực vào các hoạt động mà Liên hợp quốc đang thực hiện như hòa bình và an ninh, phát triển, nhân quyền... Một trong những gì quan trọng nhất chúng tôi đang thực hiện là lĩnh vực kinh tế. Chúng tôi nhận thức được vai trò của Việt Nam trong Hội đồng Kinh tế-xã hội, Việt Nam đóng góp tích cực trong việc triển khai các mục tiêu phát triển bền vững, Việt Nam đóng góp vào thỏa thuận về biến đổi khí hậu.

Chúng tôi biết rằng Việt Nam cũng là nước đi đầu trong sáng kiến Một Liên hợp quốc, để thấy rằng toàn bộ hệ thống của Liên hợp quốc làm việc cùng với nhau, cùng với Chính phủ, người dân ở Việt Nam, hiệu quả hơn. Liên hợp quốc đánh giá cao những nỗ lực hợp tác quốc tế của Việt Nam.

Có rất nhiều quốc gia đang muốn học hỏi cả một hệ thống hoạt động thế nào và Việt Nam đang phối hợp với Liên hợp quốc ra sao. Về khía cạnh phát triển, Việt Nam đang tham gia tích cực, là một phần quan trọng trong hệ thống Liên hợp quốc thực hiện Mục tiêu phát triển Liên hợp quốc, Biến đổi khí hậu... Liên hợp quốc cũng đánh giá cao những nỗ lực hợp tác quốc tế Việt Nam đang thực hiện.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục