Việt Nam hợp tác với trường Đại học Bách khoa Pháp

Được tuyển vào trường Đại học Bách khoa không chỉ là niềm tự hào của các thề hệ học sinh Việt Nam mà còn là niềm mơ ước và tự hào.
Chúng tôi đến thăm trường Đại học Bách khoa của Pháp, cách thủ đô Paris khoảng 20km, vào những ngày Tết Tân Mão (tức là ngày 28 và 29/1), nơi hiện nay đang có khoảng 30 sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam đang theo học, làm luận án master và tiến sỹ. Tuy những ngày Tết cổ truyền của dân tộc đã đến rất gần nhưng các bạn sinh viên Việt Nam vẫn đang hối hả với các giờ học của mình.

Tiếp chúng tôi là một nhóm các bạn vừa kết thúc giờ trên lớp, trong đó có Nguyên Đức Phương, đang học năm thứ hai. Các bạn đều rất vui và hồ hởi như vừa gặp được các anh chị lớn trong một nhà sau nhiều năm xa Việt Nam. Các bạn sinh viên “mới toanh” vừa mới nhập trường được một thời gian ngắn, như Nguyễn Việt Anh, Đinh Trọng Tuấn và Trần Văn Giai rất vui khi bày tỏ niềm tự hào của mình là sinh viên của trường Bách khoa.

Các bạn đều là học sinh chuyên vật lý của Trường Đại học khoa học tự nhiên Hà Nội, nhưng đều gặp phải khó khăn ban đầu đó là trình độ tiếng Pháp còn “non” để có thể lĩnh hội các kiến thức và hội nhập với các bạn sinh viên Pháp và sinh viên quốc tế. Vậy nên khi mới vào trường các bạn sinh viên quốc tế đều được học bốn tháng tiếng Pháp và được ở cùng với các gia đình đón tiếp người Pháp.

Ecole Polytechnique - còn được gọi là trường X bởi logo của trường là hai nòng pháo bắt chéo nhau như hình chữ X. Học sinh của mỗi khóa học đều gắn với chữ X và năm các bạn nhập trường. Ví dụ như Phương X 09, Phạm Đỗ Trung X 08, hay Trần Duy X 03, Nguyễn Duy Manh X 08… Về nguồn gốc chữ X có bạn còn giải thích cho chúng tôi theo cách hiểu của người Việt Nam, đó là chữ X nằm trong từ “eXcéllent” - nghĩa là “tuyệt vời, hay ưu tú, xuất sắc”!. Có nghĩa là các bạn được tuyển vào học tại trường lớn này của Pháp đều là các bạn đã thi và đoạt các giải trong các kỳ thi Olympic quốc gia và quốc tế ở Việt Nam về khoa học tự nhiên như toán, vật lý, hóa học… hoặc là các bạn là những sinh viên đã hoàn thành 2 hoặc 3 năm học tại các trường đại học trong và ngoài nước Pháp.

Được tuyển vào học tại trường Đại học Bách khoa không chỉ là niềm tự hào của các thề hệ học sinh quốc tế, trong đó có Việt Nam mà còn là niềm mơ ước và tự hào của các thế hệ thanh niên và sinh viên Pháp. Đây là một trường đào tạo đa ngành, có uy tín và danh tiếng nhất của Pháp và thuộc hệ thống 12 trường lớn trong vùng Paris.

Theo ông Xavier Michel, Giám đốc nhà trường, hiện tại trường có khoảng 2.600 sinh viên và nghiêm cứu sinh, với 22 phòng thí nghiệm khoa học. Sinh viên quốc tế được đào tạo tại trường với ba hình thức: kỹ sư hay cử nhân (chiếm 20%), master (50%) và tiến sỹ (30%). Trường còn ký 181 hiệp định liên kết đào tạo với các trường đại học danh tiếng của Pháp và của các nước khác và mời các giáo sư tiến sĩ danh tiếng của một số nước tham gia giảng dạy tại trường (Đây cũng chính là hình thức hợp tác liên kết trong giáo dục đào tạo đã được Việt Nam vận dụng có hiệu quả trong vài năm trở lại đây).

Học sinh Việt Nam là một trong bốn quốc tịch quốc tế học tại trường. Hiện tại có khoảng 40 học sinh và nghiên cứu sinh là người Việt Nam tiến hành nghiên cứu trên 15 đề tài tiến sỹ khác nhau chưa kể mỗi năm có khoảng 5-7 kỹ sư được đào tạo tốt nhiệp. Mặc dù chưa có nghiên cứu nào về việc học sinh Việt Nam ra trường tìm việc làm, song thực tế cho thấy đa số học sinh Việt Nam ra trường đều giữ trọng trách khác nhau trong các doanh nghiệp hoặc trong nghiên cứu khoa học. Ông cho rằng sinh viên Việt Nam với nổ lực rất lớn hoàn toàn có khả năng để thành công trong học tập và nghiên cứu tại trường sau 4-6 tháng học và trau dồi tiếng Pháp.

Số học sinh và nghiên cứu sinh Việt Nam tại trường không ngừng tăng lên: hai sinh viên khóa 1996, 4 trong khóa 97-98, tới 15 trong khóa 2001. Cho đến nay tính trung bình mỗi khóa có 10 sinh viên Việt Nam. Trong hai năm đầu các bạn được đào tạo khoa học đa ngành. Đến năm thứ ba các bạn sẽ được đào tạo chuyên sâu theo 8 ngành học với các môn tự lựa chọn (Sinh học, Hóa học, Kinh tế, Tin học, Toán học, Toán ứng dụng, Cơ khí và Vật lý). Đến năm thứ tư các bạn sẽ phải thực tập chuyên ngành sáu tuần bắt buộc trong các doanh nghiệp có thể ở trong nước Pháp hoặc có thể ở nước ngoài. Đây chính là thời gian để chuẩn bị hướng nghiệp cho các bạn.

Theo bà Elisabeth Créspon, Giám đốc phụ trách đối ngoại, trong phát triển hợp tác quốc tế, nhà trường đã có liên kết đối tác với Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo từ nhiều năm nay. Năm 2007, giám đốc nhà trường đã được mời tham gia chương trình “đào tạo kỹ sư chất lượng cao” của trường Đại học khoa học quốc gia Hà Nội.

Trong chính sách đối ngoại, trường phát triển quan hệ hợp tác với các nước châu Á, nhất là Việt Nam, Trung quốc và Ấn Độ. Trường Bách khoa Pháp còn tiếp các đoàn cán bộ nghiên cứu của Việt Nam sang làm việc và thực tập ngắn ngày, và các nghiên cứu sinh Việt nam sang là luận án master hoặc tiến sỹ và thực tập trong vài tuần, một năm hoặc các thời hạn khác nhau theo yêu cầu đề tài của họ.

Theo bà Elisabeth Créspon, trường ký kết hiệp định hợp tác với Đại học Bách khoa Hà Nội và trường Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh (UNHCM-Ville). Trong khuôn khổ hợp tác Paris Tech - UNHCM-Ville, các giáo viên của trường sẽ sang Việt Nam giảng dạy. Các tiến sỹ của Việt Nam về toán, vật lý… sẽ sang thực tập tại trường. Bà cho biết trong chiến lược phát triển của trường trong tương lai, dự án mở rộng sự hợp tác với trường Đại học khoa học và công nghệ Hà Nội (USTH) và một số trường đại học khác của thành phố Hồ Chí Minh đang được bàn thảo.

Ngoài việc hợp tác đào tạo kỹ sư chất lượng cao của Việt Nam, trường sẽ mở rộng hình thức đào tạo thạc sỹ (Master 2) và tiến sỹ sẽ phối hợp với Việt nam đào tạo theo yêu cầu, ví dụ như đào tạo tiến sỹ trong toán học ứng dụng phân vùng ở thành phố Hồ Chí Minh, xây dựng chương trình đào tạo sau đại học hai năm ở Việt nam hoặc ở Pháp. Tổ chức các chương trình đào tạo đồng bảo trợ (cotutelle) với sự phối hợp đào tạo một thày giáo của trường Polytechnique de France và một giáo viên của Việt Nam và đào tạo giáo viên nghiên cứu sinh (enseignant-chercheur).

Khi đánh giá về khả năng hội nhập của các bạn sinh viên Việt Nam với cộng đồng sinh viên quốc tế, sinh viên Pháp trong quá trình học tập và nghiên cứu, bà Elisabeth Créspon cho biết sinh viên Việt Nam, luôn năng động sáng tạo và luôn đạt kết quả tốt thậm chí còn đi đầu trong nhiều môn học với những yêu cầu chặt chẽ như đối với các sinh viên quốc tế khác. Nhà trường sẽ giúp các bạn sinh viên quốc tế, sinh viên Việt Nam trong việc khắc phục cản trở về tiếng Pháp, giúp các bạn dễ dàng hơn trong cuộc sống, trong học tập và trong nghiên cứu.

Về phần mình, Lưu Duy Hải, giáo viên giảng dạy trường Đại học giao thông Hà Nội, đang làm luận án tiến sỹ về khoa học vật liệu Nano - một ngành khoa học mới được Pháp chú trọng đào tạo, anh là một trong nghiên cứu sinh đầu tiên được đào tạo tại đây trong khuôn khổ dự án hợp tác Pháp Việt thành lập trường Đại học khoa học công nghệ tại đường Láng-Hòa Lạc. Theo dự án này mỗi năm sẽ có khoảng 40 tiến sỹ các ngành được đào tạo làm nòng cốt cho trường trong tương lai./.

Lê Hà-Phương Nam/Paris (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục