Việt Nam kiến nghị sớm có luật pháp quốc tế bảo vệ tự do cá nhân

Đại diện Việt Nam cũng kiến nghị cộng đồng quốc tế cần sớm có khuôn khổ pháp luật quốc tế mới về hành vi lợi dụng ứng dụng kỹ thuật số để phát tán thông tin sai sự thật.
Việt Nam kiến nghị sớm có luật pháp quốc tế bảo vệ tự do cá nhân ảnh 1Ảnh minh hoạ. (Nguồn: AFP)

Không chỉ bày tỏ quan ngại với hành vi lợi dụng ứng dụng kỹ thuật số để phát tán thông tin sai sự thật, xâm phạm lợi ích quốc gia và cá nhân, đại diện Việt Nam cũng kiến nghị cộng đồng quốc tế cần sớm có khuôn khổ pháp luật quốc tế mới về vấn đề này.

Trao đổi với phóng viên VietnamPlus bên lề phiên họp ngày 1/4, tại Hà Nội của Ủy ban thường trực về Dân chủ và Nhân quyền (Đại hội đồng IPU-132), ông Lê Minh Thông, Phó Chủ nghiệm Ủy ban luật pháp của Quốc hội khẳng định, dân chủ trong kỷ nguyên số và những thách thức với quyền tự do, bí mất riêng tư cá nhân đang là vấn đề hết sức quan trọng.

"Vấn đề này đáp ứng được quan ngại của cộng đồng quốc tế và của các dân tộc trong bối cảnh công nghệ số đang ngày càng tác động mạnh mẽ tới mỗi quốc gia và cá nhân," ông Thông nói.

Cho rằng ứng dụng công nghệ số là tất yếu, ông Lê Minh Thông nhận định, Việt Nam luôn tạo mọi điều kiện cho những ứng dụng công nghệ thông tin vào nhiều mặt của đất nước trong đó có phát huy dân chủ, bảo vệ nhân quyền.

Tuy nhiên, đại diện Ủy ban luật pháp của Quốc hội Việt Nam cũng tỏ ra quan ngại với hiện tượng những thế lực lợi dụng kỹ thuật số để truyền bá tư tưởng độc hại trong xã hội. Những nhóm người này thậm chí còn xâm nhận thông tin cá nhân, tấn công mạng, nghe lén điện thoại... làm ảnh hưởng tới lợi ích quốc gia, cộng đồng và cá nhân.

"Tình trạng đặt máy chủ ở nước ngoài tấn công hệ thống mạng một nước khác phát tán các thông tin sai sự thật, có thể phản dân chủ và gây dư luận không tốt cho xã hội," đại diện Việt Nam nhấn mạnh.

Qua đó, ông Thông cho biết, Việt Nam đã đưa ra kiến nghị tăng cường hợp tác giữa các nghị viện thành viên của IPU để hỗ trợ, kịp thời trao đổi thông tin, chủ động đề xuất sáng kiến.

Cụ thể hơn, ông Lê Minh Thông cho rằng, các nước cần sớm hình thành khuôn khổ pháp luật mới mang tầm quốc tế nhằm bảo vệ các giá trị chân chính của dân chủ, bảo vệ quyền bí mật riêng tư và quyền tự do cá nhân.

Khuôn khổ những thỏa thuận luật pháp quốc tế theo ông cần nhấn mạnh, các quốc gia có nghĩa vụ không cho phép các trung tâm kỹ thuật số đặt máy chủ ở nước ngoài tấn công xâm phạm tới chủ quyền, giá trị dân chủ, giá trị dân tộc, văn hóa của các quốc gia khác.

"Vấn đề hiện nay là công nghệ số không chỉ là phương tiện của một quốc gia mà của cộng đồng quốc tế. Ta đang có một không gian thông nhất là không gian ảo. Không gian đó không có biên giới nên hợp tác trong việc trên là hết sức quan trọng," Phó Chủ nghiệm Ủy ban luật pháp của Quốc hội Việt Nam lên tiếng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục