Việt Nam là 1 trong 3 thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Nhật

Báo cáo của JETRO cho thấy các chỉ số liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đều có sự cải thiện mạnh mẽ so với thời gian trước.
Việt Nam là 1 trong 3 thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Nhật ảnh 1Chủ tịch Tổ chức xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (JETRO), ông Hiroyuki Ishige. (Ảnh: Cẩm Tuyến/Vietnam+)

Ngày 26/5, Chủ tịch Tổ chức xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (JETRO), ông Hiroyuki Ishige cho biết ngày càng có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn mở rộng hoạt động đầu tư tại Việt Nam.

Báo cáo của JETRO cho thấy các chỉ số liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đều có sự cải thiện mạnh mẽ so với thời gian trước.

Theo Báo cáo điều tra hoạt động của các doanh nghiệp Nhật Bản ở nước ngoài trong tài khóa 2016 (kết thúc ngày 31/3) do Chủ tịch JETRO công bố, Việt Nam cùng với Mỹ và Tây Âu dang nổi lên là ba thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Nhật Bản.

Theo báo cáo này, có 7,6% doanh nghiệp Nhật Bản chọn Việt Nam là điểm đến xuất khẩu quan trọng nhất, xếp thứ ba sau Trung Quốc (19,8%) và Mỹ (15,5%).

Tuy nhiên, điều đáng lưu ý ở đây là số doanh nghiêp Nhật Bản chọn Việt Nam tăng mạnh so với mức 3% doanh nghiệp nước này chọn Việt Nam trong cuộc điều tra được thực hiện trong tài khóa 2012.

JETRO cho biết số lượng doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn mở rộng hoạt động tại Việt Nam đã tăng trong năm thứ hai liên tiếp, từ mức 32,4% lên 34,1%.

Với kết quả này, Việt Nam được xếp trong nhóm ba điểm đến đầu tư có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn mở rộng hoạt động nhất.

Bên cạnh đó, Việt Nam còn là điểm đầu tư mà các doanh nghiệp Nhật Bản có xu hướng tăng cường các chức năng cơ bản phục vụ cho hoạt động bán hàng và sản xuất.

Số doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có dự định mở rộng hoạt động bán hàng đã tăng từ mức 22% của tài khóa trước lên mức 25,1%, đưa Việt Nam từ vị trí thứ 5 lên vị trí thứ 4 sau Trung Quốc, Thái Lan và Mỹ.

Trong danh sách các điểm đầu tư mà doanh nghiệp Nhật Bản muốn đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng giá trị gia tăng cao, vị trí của Việt Nam đã được cải thiện từ thứ 4 lên thứ 3.

Đối với hoạt động nghiên cứu và phát triển, vị trí của Việt Nam tăng từ thứ 6 lên thứ 4 và đối với lĩnh vực kho vận, Việt Nam đã được đứng ở vị trí thứ 3, cải thiện một bậc so với tài khóa trước.

Liên quan đến xu hướng các doanh nghiệp Nhật Bản chuyển hướng đầu tư, trong số 70 trường hợp chuyển hướng đầu tư từ thị trường khác đến ASEAN trong tài khóa 2016, Việt Nam là điểm đến đầu tư có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản chuyển hướng đầu tư đến nhiều nhất với 38 trường hợp, chiếm trên 50%.

Về những ưu điểm của Việt Nam đối với doanh nghiệp Nhật Bản, Chủ tịch JETRO Ishige cho biết các doanh nghiệp Nhật Bản đã nêu ra ba thuận lợi khi đầu tư vào Việt Nam, trong đó thuận lợi đầu tiên là Việt Nam có nền chính trị và xã hội ổn định.

Ưu điểm thứ hai là thị trường quy mô và tiềm năng tăng trưởng và ưu điểm thứ ba là chi phí nhân công rẻ.

Nhận định về lĩnh vực mà các doanh nghiệp Nhật Bản tập trung đầu tư tại Việt Nam, ông Ishige nêu rõ kết quả phân tích xu hướng đầu tư mới trong giai đoạn 2015 – 2016 đã cho thấy có sự tăng trưởng trong hoạt động đầu tư vào lĩnh vực phân phối bán lẻ, khách sạn, nhà hàng và xây dựng.

Điều này chứng tỏ rằng các doanh nghiệp Nhật Bản đang chú trọng đến nhu cầu của người dân Việt Nam.

[Ngân hàng Sumitomo Mitsui muốn mở rộng hoạt động tại Việt Nam]

Liên quan đến nhận định của giới kinh tế về xu hướng các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang tăng cường tiếp cận thị trường Việt Nam, ông Ishige cho biết JETRO đang hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản quan tâm đến việc đầu tư trực tiếp vào Việt Nam thông qua việc tổ chức các buổi hội thảo về môi trường đầu tư, phát các báo cáo điều tra và tổ chức các cuộc tư vấn tại văn phòng của JETRO ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo ông Ishige, JETRO đang tiến hành một dự án, trong đó các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản tùy theo nhu cầu của từng doanh nghiệp như lập kế hoạch mở rộng hoạt động ở nước ngoài, tiến hành nghiên cứu thị trường, tổ chức gặp gỡ doanh nghiệp tại các điểm đến đầu tư, chọn lựa các đối tác địa phương, xây dựng cơ sở tại các điểm đầu tư và giải quyết những vấn đế liên quan đến hệ thống đánh giá tiêu chuẩn.

Trong số 4.533 doanh nghiệp tham gia dự án trên có 399 doanh nghiệp quan tâm đến việc đầu tư vào Việt Nam.

JETRO cho biết thêm tổng cộng có 985 doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm đến hoạt động tại Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục