Việt Nam làm chủ kỹ thuật NAT xét nghiệm sàng lọc máu

Các trung tâm truyền máu lớn trên toàn quốc đã thực sự làm chủ được xét nghiệm NAT - xét nghiệm hiện đại sàng lọc virus HIV, viêm gan B (HBV), Viêm gan C (HCV) trong đơn vị máu.
Việt Nam làm chủ kỹ thuật NAT xét nghiệm sàng lọc máu ảnh 1Nhân viên y tế sử dụng các thiết bị xét nghiệm máu hiện đại nhất. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hiện nay, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương và các trung tâm truyền máu lớn trên toàn quốc đã thực sự làm chủ được xét nghiệm NAT (Nucleic Acid Test) ​- xét nghiệm hiện đại sàng lọc virus HIV, viêm gan B (HBV), Viêm gan C (HCV) trong đơn vị máu nhằm bảo đảm an toàn truyền máu.

Việc làm chủ được kỹ thuật hiện đại trên là cơ sở vững chắc để hoàn thành lộ trình triển khai xét nghiệm NAT trên toàn quốc.

Thông tin trên được giáo sư Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương công bố tại buổi giới thiệu ứng dụng kỹ thuật xét nghiệm NAT - Kỷ nguyên mới bảo đảm an toàn truyền máu với sự hỗ trợ của Công ty Roche Việt Nam, tổ chức sáng 26/4, tại Hà Nội.

Kỹ thuật NAT hiện là kỹ thuật xét nghiệm sàng lọc máu tiên tiến nhất. Bộ Y tế đã ban hành Thông tư hướng dẫn, cho phép áp dụng kỹ thuật trên tại các trung tâm truyền máu, cơ sở sàng lọc máu của các bệnh viện trên toàn quốc theo lộ trình cụ thể.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, kỹ thuật NAT được thực hiện trên máy xét nghiệm sinh học phân tử hoàn toàn tự động sàng lọc virus HBV, HCV, HIV cho độ chính xác, độ nhạy cao, đem hiệu quả rõ rệt trong việc rút ngắn thời gian cửa sổ phát hiện các virus. Kỹ thuật này góp phần mở ra kỷ nguyên mới bảo đảm an toàn truyền máu, cung cấp nguồn máu an toàn, kịp thời.

Năm 2015, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương là đơn vị đầu tiên trong cả nước chính thức cung cấp tất cả các đơn vị máu, chế phẩm máu đều được sàng lọc bằng xét nghiệm NAT. Sau đó, xét nghiệm trên đã được triển khai ở các trung tâm truyền máu của Bệnh viện Truyền máu-huyết học Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện huyết học-Truyền máu Cần Thơ.

Mục tiêu của ngành y tế đặt ra đến năm 2018, kỹ thuật NAT sẽ được xét nghiệm cho tất cả các đơn vị máu hiến trên toàn quốc, nhằm đảm bảo việc cung ứng nguồn máu an toàn cho toàn dân.

Xét nghiệm NAT có thể phát hiện virus HIV sau 23 ngày, trong khi phương pháp sàng lọc huyết thanh thì phải chờ sau 85 ngày. Với bệnh viêm gan B, Xét nghiệm NAT có thể phát hiện ra bệnh trên chỉ sau 34 ngày, trong khi nếu dùng phương pháp sàng lọc huyết thanh thì mất tới 60 ngày./.

Sử dụng thiết bị xét nghiệm máu hiện đại tại Viện huyết học- truyền máu trung ương
Trên thế giới:

- Năm 1999: kỹ thuật NAT lần đầu được áp dụng trong xét nghiệm sàng lọc HCV

- Năm 2002: FDA Hoa Kỳ công nhận kỹ thuật NAT xét nghiệm HBV, HCV và HIV trong sàng lọc đơn vị máu
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục