Việt Nam luôn đánh giá cao dòng vốn từ các nhà đầu tư Mỹ

Chính phủ Việt Nam kiên định phát triển nền kinh tế theo cơ chế thị trường, luôn coi trọng và đánh giá cao dòng vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là dòng vốn từ các nhà đầu tư Mỹ.
Việt Nam luôn đánh giá cao dòng vốn từ các nhà đầu tư Mỹ ảnh 1Hàng trăm doanh nghiệp Mỹ tham dự Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam tại Hoa Kỳ. (Ảnh: SSC)

Đầu tháng Bảy này, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã phối hợp với các đối tác Mỹ tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư với chủ đề “Việt Nam của Tôi - Điểm đến đầu tư của Bạn” nhân dịp 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt-Mỹ và tạo kênh đối thoại thực chất giúp cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư Mỹ hiểu rõ hơn về tình hình, tiềm năng phát triển của thị trường Việt Nam.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã có bài phát biểu đánh giá về tình hình kinh tế Việt Nam, quan hệ kinh tế Việt-Mỹ 20 năm qua đồng thời chia sẻ những cơ hội đầu tư tại Việt Nam với các doanh nghiệp, nhà đầu tư Mỹ.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại New York (Mỹ) ngày 2/7, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nêu rõ sau chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Mỹ năm 2013, lãnh đạo hai bên đã thống nhất nâng cấp quan hệ hai nước lên tầm Quan hệ Đối tác toàn diện. Hội nghị Xúc tiến đầu tư tại Mỹ được tổ chức lần này là một minh chứng cho sự phát triển quan hệ Việt Nam-Mỹ, đồng thời tạo cơ hội cho công động doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ tiếp xúc, hợp tác nhằm thúc đẩy phát triển quan hệ trên nhiều mặt giữa hai nước.

Theo Bộ trưởng, Mỹ là nước có nền kinh tế và thị trường tài chính lớn nhất thế giới, vừa là trung tâm thu hút vốn trên thế giới, vừa là nơi lan tỏa các dòng vốn này.

Việt Nam được nhiều tổ chức tài chính đánh giá là thị trường mới nổi đầy tiềm năng và có khả năng vươn lên trong việc thu hút vốn đầu tư gián tiếp so với các nước trong khu vực. Do vậy, trong đợt xúc tiến đầu tư tại Mỹ, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước muốn các nhà đầu tư Mỹ hiểu rõ những nỗ lực, những thành công trong quá trình đổi mới nền kinh tế của Việt Nam, đặc biệt là chủ trương nhất quán của Chính phủ Việt Nam là kiên định phát triển nền kinh tế theo cơ chế thị trường, cũng như luôn coi trọng và đánh giá cao dòng vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là dòng vốn từ các nhà đầu tư Mỹ.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh Chính phủ và Bộ Tài chính Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện thể chế, cơ chế, khuôn khổ pháp lý để tăng cường thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Bằng chứng rõ nhất là Chính phủ vừa ký Nghị định số 60 trong đó có việc mở cửa và thu hút dòng vốn nước ngoài.

Thông điệp của Việt Nam tại hội nghị này là "xây dựng quan hệ đối tác toàn diện và sâu rộng hơn nữa trong lĩnh vực tài chính, thị trường vốn giữa hai nước Việt Nam và Mỹ vì lợi ích chung của hai bên."

Đánh giá về quan hệ kinh tế Việt-Mỹ trong 20 năm qua, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định quan hệ hợp tác song phương đang có những bước phát triển hết sức thuận lợi, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, đầu tư, tài chính và thương mại.

Trong lĩnh vực đầu tư, Mỹ nằm trong nhóm 10 quốc gia có vốn đầu tư trực tiếp lớn nhất vào Việt Nam. Trong quan hệ thương mại, quy mô xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ đến năm 2014 đã tăng gấp 36 lần so với năm 2000, trở thành quốc gia xuất khẩu lớn nhất của khu vực ASEAN vào thị trường Mỹ.

Đối với lĩnh vực tài chính, nhiều tập đoàn, quỹ đầu tư lớn của Mỹ đã có mặt tại Việt Nam như JPMorgan Chase, CitiGroup, Goldman Sachs, Morgan Stanley... số lượng các nhà đầu tư Mỹ hiện diện ngày càng nhiều tại Việt Nam. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhận định quan hệ kinh tế giữa hai nước trên nền tảng hợp tác toàn diện sẽ tiếp tục có sự bứt phá mạnh mẽ cả về chất và lượng trong thời gian tới.

Đề cập triển vọng thu hút nhiều hơn các dòng vốn lớn từ Mỹ vào đầu tư tại Việt Nam, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nêu rõ hai nước đang có những điều kiện thuận lợi trong lĩnh vực này. Trước tiên, đó là hòa bình và hợp tác phát triển tiếp tục đang là xu thế lớn trên thế giới.

Thứ hai, khu vực kinh tế châu Á-Thái Bình Dương đang tiếp tục trở thành khu vực phát triển năng động nhất thế giới, trong đó sự hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực ngày càng chặt chẽ, đặc biệt sắp tới là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Thứ ba, quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam và Mỹ đã được xác lập, ngày càng được khẳng định và tăng cường. Đây là yếu tố hết sức thuận lợi cho phát triển quan hệ kinh tế cũng như thu hút vốn đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam.

Và cuối cùng, 20 năm qua kể từ ngày bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước, quan hệ hợp tác về kinh tế-đầu tư-tài chính-thương mại giữa Việt Nam và Mỹ đã được xây dựng và không ngừng phát triển và đạt được nhiều kết quả tích cực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục