Việt Nam luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho trẻ em khó khăn

Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được nhận trợ cấp hàng tháng, miễn học phí; những trẻ không nơi nương tựa được cấp thẻ bảo hiểm y tế, được dạy nghề, hỗ trợ tiếp cận văn hóa.
Việt Nam luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho trẻ em khó khăn ảnh 1Tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Ngày 22/9, bên lề khóa họp lần thứ 30 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tại Geneva, Thụy Sĩ, Việt Nam cùng Kenya, Bồ Đào Nha và Uruguay đồng tổ chức Tọa đàm quốc tế về "Đầu tư vào trẻ em và gia đình nhằm giảm tình trạng trẻ em bị bỏ rơi hoặc chia tách khỏi gia đình."

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Đại sứ Nguyễn Trung Thành, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Quốc tế và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, đánh giá cao sự quan tâm chia sẻ của các nước, các tổ chức chính trị xã hội đến vấn đề chung tại nhiều nước đó là tình trạng trẻ em bị bỏ rơi hoặc bị tách khỏi bố mẹ một cách không cần thiết do nhiều nguyên nhân kinh tế-xã hội khác nhau.

Đại sứ Nguyễn Trung Thành chia sẻ các nỗ lực của Việt Nam trong bảo trợ và chăm sóc các trẻ em bị bỏ rơi, không nơi nương tựa.

Với truyền thống văn hóa luôn coi trẻ em là hạnh phúc của gia đình và tương lai của đất nước, Luật bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 đã dành riêng Chương IV quy định về các biện pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong đó bao gồm trẻ em mồ côi và bị bỏ rơi, không nơi nương tựa.

Chính phủ Việt Nam cũng đã thông qua các kế hoạch 5 năm về triển khai các dự án chăm sóc trẻ em mồ côi không nơi nương tự, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em tàn tật, bị nhiễm chất độc hoặc trẻ em bị HIV/AIDS tại cộng đồng.

Nhờ có sự chỉ đạo của các cơ quan Chính phủ, sự tham gia của cộng đồng và các tổ chức xã hội trong việc thực hiện Luật bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em 2004 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, đến nay có khoảng 350.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được nhận trợ cấp hàng tháng, miễn học phí và cấp sách giáo khoa và các phương tiện học tập, được dạy nghề và hỗ trợ tiếp cận văn hóa…

Trẻ em mồ côi hoặc bị bỏ rơi cũng được cấp bảo hiểm y tế và được khám chữa bệnh miễn phí tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng có nhiều chính sách, biện pháp thúc đẩy các mô hình bảo vệ và chăm sóc trẻ em tại cộng đồng, thay thế cho hình thức đưa trẻ em mồ côi và bị bỏ rơi vào các trung tâm bảo trợ xã hội như hỗ trợ tài chính cho các gia đình và cá nhân nhận nuôi và chăm sóc các trẻ em mồ côi và trẻ bị bỏ rơi; xây dựng các mô hình "nhà xã hội cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn" ở cấp xã/phường; chuyển đổi phương thức chăm sóc tập trung tại các trung tâm bảo trợ xã hội sang mô hình các "ngôi nhà nhỏ" do ngân sách nhà nước chi trả.

​Việt Nam cũng tổ chức các chiến dịch tuyên truyền nhằm tăng cường nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng, nhà trường, các tổ chức xã hội và mỗi gia đình để trẻ em được bảo vệ, hỗ trợ và chăm sóc ngay tại cộng đồng và trong khuôn khổ gia đình.

Đại sứ Nguyễn Trung Thành khẳng định Việt Nam sẽ nỗ lực hơn nữa nhằm đảm bảo tất cả trẻ em đều được chăm sóc, bảo vệ, giáo dục và sẵn sàng tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các quốc gia, các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục