Việt Nam nỗ lực giải quyết triệt để "6 nỗi sợ" của khách quốc tế

Để du lịch Việt Nam cất cánh, theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn, cần giải quyết triệt để vấn nạn chặt chém, làm giá, ăn xin, đeo bám khách, vệ sinh môi trường.
Việt Nam nỗ lực giải quyết triệt để "6 nỗi sợ" của khách quốc tế ảnh 1Du khách quốc tế tham quan Hà Nội. (Nguồn: TTXVN)

Năm nay, kỷ niệm 55 năm ngày thành lập (9/7/1960 -9/7/2015), bên cạnh những thành tựu được ghi nhận, ngành du lịch Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách mới.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn khẳng định trong khó khăn thách thức, ngành du lịch luôn nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Chính trong bối cảnh đó, ngành du lịch cần thể hiện rõ bản lĩnh cũng như năng lực ứng phó để vượt qua khó khăn, hướng tới phát triển bền vững.

Ngành du lịch kỳ vọng, đến năm 2020, tầm nhìn 2030, du lịch Việt Nam sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Sự vào cuộc quyết liệt

- Đúng dịp kỷ niệm 55 năm thành lập, ngành du lịch Việt Nam phải ứng phó với nhiều khó khăn, thử thách trên nhiều mặt. Trên cương vị là “tổng tư lệnh” của ngành du lịch, ông nhận định như thế nào về điều này?

Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn: Đúng là ngành du lịch Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam tháng 6/2015 tiếp tục giảm 1,9% so với cùng kỳ tháng 6/2014 và giảm 8,2% so với tháng 5/2015.

Tính đến tháng 6/2015, du lịch Việt Nam đã sụt giảm khách quốc tế liên tiếp trong 13 tháng mặc dù trước đó du lịch nước nhà đã có sự tăng trưởng ấn tượng, trong đó, khách đến qua đường hàng không giảm 8,6%, đường bộ giảm 8,9%...

Từ tháng 5/2014 đến nay, do nhiều yếu tố khách quan, các thị trường khách Trung Quốc và các nước nói tiếng Hoa, vốn chiếm 25% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam, sụt giảm mạnh và phục hồi rất chậm.

Thị trường khách quốc tế vào Việt Nam lớn thứ hai là Nga cũng sụt giảm từ cuối năm 2014 đến nay do Nga đang đối mặt với nhiều khó khăn.

Thời gian gần đây, dịch bệnh Mers-CoV bùng phát mạnh, đặc biệt dịch khiến nhiều người Hàn Quốc mắc và tử vong khiến du lịch châu Á, trong đó có du lịch Việt Nam sụt giảm khách quốc tế đến... Bên cạnh đó, du lịch Việt Nam còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế về môi trường du lịch, chất lượng quản lý điểm đến, dịch vụ du lịch...

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ ra "6 nỗi sợ" của du khách nước ngoài khi đi du lịch Việt Nam, trong đó có đề cập đến vấn nạn chặt chém, làm giá, ăn xin, đeo bám khách, vệ sinh môi trường. Điều này cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh du lịch Việt Nam.

Tuy nhiên, cũng phải khẳng định rằng chưa bao giờ ngành du lịch nhận được nhiều sự quan tâm của các cấp, các ngành như thời gian vừa qua, đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao, hiệu quả từ Chính phủ mà trực tiếp là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Điều này đã góp phần tích cực tháo gỡ khó khăn cho du lịch.

Cuối năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 92 về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ mới với 5 nhóm vấn đề giải quyết toàn diện các mặt của du lịch nước nhà.

Nếu 5 nhóm vấn đề này được thực hiện quyết liệt, hiệu quả sẽ tạo ra năng lực cạnh tranh bứt phá cho du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, để Nghị quyết thực sự đi vào đời sống không thể trong ngày một ngày hai và phải có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và các địa phương.

Tiếp đó, trong 3 phiên họp liên tiếp của Chính phủ đều đề cập đến du lịch, đặc biệt là vào tháng 5/2015 Chính phủ đã có phiên họp chuyên đề về du lịch. Các vấn đề được nêu ra tại phiên họp này đã được giải quyết mau lẹ.

Đầu tiên là miễn thị thực đơn phương cho các thị trường trọng điểm của du lịch Viêt Nam (5 nước Tây Âu và Belarus).

Mới đây, ngày 2/7, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg về việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch, đã tạo thêm công cụ cho ngành du lịch Việt Nam tập trung giải quyết triệt để "6 nỗi sợ" của du khách quốc tế khi đến Việt Nam.

Việc làm này sẽ góp phần cải thiện hình ảnh du lịch Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế; góp phần cải thiện môi trường kinh doanh du lịch của Việt Nam, nâng cao chất lượng điểm đến cũng như đảm bảo sức hấp dẫn, sức cạnh tranh của du lịch nước ta trong thời gian tới. Tổng cục Du lịch cũng đang tích cực hoàn thiện Đề án về thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, sớm trình Chính phủ ban hành…

Đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế

- 55 năm hình thành và phát triển đối với ngành du lịch là thời gian tương đối dài, vậy ông có thể nêu những thành tựu nổi bật nhất của ngành trong chặng đường vừa qua?

Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn: 55 năm qua là một hành trình dài, trải qua nhiều giai đoạn của ngành du lịch Việt Nam. Bắt đầu từ 9/7/1960, Thủ tướng Chính phủ đã ký văn bản thành lập công ty du lịch Viêt Nam, tiền thân của ngành du lịch ngày nay. Nhưng thực sự mà nói, du lịch Việt Nam chỉ thực sự khởi sắc khi sự nghiệp đổi mới chính thức qua những năm đầu tiên, từ 1990-2000 là giai đoạn phát triển tương đối mạnh mẽ, giai đoạn từ 2000-2009 là giai đoạn tăng tốc; từ 2010 đến nay là giai đoạn phục hồi sau khủng hoảng kinh tế tài chính và bước vào giai đoạn tăng tưởng mới.

Có thể nói rằng, du lịch đã định hình và trở thành nền kinh tế rõ ràng và đang vận hành theo các quy luật của một ngành kinh tế với những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế -xã hội. Chúng tôi kỳ vọng đến năm 2020, tầm nhìn 2030, du lịch Việt Nam sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Điều quan trọng cần phải đề cập tới là số lượng khách du lịch quốc tế và nội địa đã không ngừng tăng lên. Thời điểm hiện nay là giảm sút nhưng giai đoạn 2010-2014 chỉ sau 4 năm đã tăng gấp đôi lượng khách quốc tế, tăng gấp 1,5 lần lượng khách nội địa.

Cơ sở vật chất ngành du lịch không ngừng tăng lên, đóng góp nhiều vào GDP, tác động đến nhiều ngành kinh tế khác do tính chất tổng hợp, đa ngành. Ngành du lịch cũng tạo ra hàng trăm ngàn việc làm trực tiếp, với hàng triệu lao động gián tiếp.

Riêng về cơ sở vật chất, cơ sở dịch vụ, lưu trú cho ngành du lịch phục vụ du khách đã tương đối hiện đại, có thể đón được lượng khách quốc tế tăng khoảng 30%, khách nội địa tăng từ 30-35% so với hiện nay.

Điều đáng mừng là sự phát triển này đang theo hướng chú trọng chất lượng, hiệu quả. Trong quá trình này, xuất hiện những thương hiệu lớn ở Việt Nam, các nhà đầu tư chiến lược đang trở thành động lực cho sự phát triển, trong đó có thể kể đến các tên tuổi lớn như Vingroup, Sungroup, Mường Thanh, Tuần Châu...

Bên cạnh đó, du lịch Việt Nam đã bắt đầu hình thành những vùng động lực cho phát triển du lịch. Ví dụ như ở Hà Nôi có tam giác Hà Nội-Hạ Long-Ninh Bình; miền Trung có 2 trung tâm là Bắc Trung Bộ với tâm điểm là Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam; Nam Trung Bộ là Nha Trang, Bình Thuận; Đông Nam Bộ là Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa -Vũng Tầu, phía đồng bằng sông Cửu Long có Cần Thơ, Phú Quốc, Tây Nguyên là Đà Lạt...

Lực lượng lao động và hệ thống quản trị của ngành du lịch được tăng cường đầu tư. Công tác quảng bá xúc tiến được đẩy mạnh. Có thể nói rằng, du lịch Việt Nam vẫn còn nhiều điểm hạn chế cần khắc phục, song tính chuyên nghiệp và năng lực cạnh tranh ngày càng được cải thiện đáng kể…

Tích cực thu hút khách quốc tế, coi trọng khách nội địa

-Thưa ông, trong thời gian tới, định hướng phát triển du lịch Việt Nam như thế nào?

Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn: Du lịch Việt Nam đang đà giảm khách du lịch quốc tế do nhiều nguyên nhân nhưng khách du lịch nội địa vẫn tăng, trong 6 tháng đầu năm nay ước đạt 40 triệu lượt, ttong đó, khách lưu trú đạt 17,6 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch đạt 190.000 tỷ đồng, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2014.

Chi tiêu từ khách du lịch đã cao hơn những năm trước. Do đó, trong thời gian tới, ngành du lịch nước ta bên cạnh việc tăng cường các biện pháp, hành động thu hút khách quốc tế cũng sẽ tích cực, chủ động phục vụ tốt hơn khách du lịch nội địa. Thực tế cho thấy, hiệu quả kinh doanh du lịch và vai trò đóng góp của du lịch nội địa đối với nền kinh tế ngày càng thể hiện rõ nét hơn khi lượng khách quốc tế giảm nhưng tổng thu từ du lịch lại tăng hơn so với cùng kỳ năm trước...

Để thu hút khách quốc tế, điều đầu tiên cần làm là đơn giản hóa thủ tục visa, miễn visa là tốt nhất. Do đó, Chính phủ đã ban hành các quyết định miễn visa đơn phương cho các thị trường trọng điểm của du lịch nước ta mà gần đây nhất là 5 nước Tây Âu. Tổng cục Du lịch sẽ tiếp tục đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ cho phép mở rộng diện miễn visa đơn phương cho các thị trường: Australia, New Zealand; các nước Đông Âu, các nước thuộc Liên Xô cũ... nhằm tăng cường thu hút khách quốc tế đến nước ta.

Bên cạnh đó, chúng ta cần có nhiều thông tin, kết nối với các thị trường trên thông qua việc xây dựng các đường bay quốc tế, từ Việt Nam đến thị trường du lịch trọng điểm. Vừa qua, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải mở cửa bầu trời, để doanh nghiệp hàng không Việt Nam phát triển đồng thời với hãng hàng không quốc tế.

Thêm vào đó, việc quảng bá xúc tiến du lịch cần tiếp tục đổi mới cơ bản trên 3 phương diện: Huy động các nguồn lực mạnh về tài chính; xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp, hiệu quả; huy động các bên đối tác liên quan tham gia.

Cùng đó, môi trường du lịch phải đảm bảo. Về việc này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 14 để khắc phục những hạn chế yếu kém, nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch, trong đó nhấn mạnh vai trò, sự vào cuộc của chính quyền địa phương…

Về khách nội địa, thống kê sơ bộ cho thấy, lượng khách nội địa từ 2 năm trở lại đây đang không ngừng tăng lên và dần chiếm tỉ trọng lớn trong doanh thu. Bên cạnh đó, thói quen đi du lịch của người dân đã hình thành và ngày càng phát triển. Xu hướng tiêu dùng trong du lịch cũng có sự thay đổi, nhiều khách đã chọn hình thức nghỉ dưỡng vốn có tỷ trọng doanh thu lớn, thay vì chỉ tham quan, khám phá như trước đây. Nhiều người cũng chuyển sang chọn các tuyến nội địa, thay vì đi nước ngoài.

Các hãng lữ hành Việt Nam đã không ngừng triển khai chuỗi các hoạt động hưởng ứng kích cầu du lịch nội địa, xúc tiến phát triển du lịch tại các thành phố trọng điểm trên cả nước, qua đó nối kết các trung tâm kinh tế, thương mại và du lịch miền Bắc-miền Trung, miền Trung-Tây Nguyên, Tây Nguyên-miền Tây Nam Bộ...

Có thể thấy, càng ngày du lịch nội địa càng khẳng định vai trò của mình trong sự tăng trưởng của ngành du lịch. Chính vì vậy, trong lúc thị trường xa chưa phục hồi, doanh nghiệp cũng cần chú trọng phát triển du lịch nội địa, đưa khách Việt Nam ra nước ngoài.

Các doanh nghiệp cũng cần chủ động phối hợp với đối tác hàng không, cung ứng dịch vụ ăn uống, hệ thống khách sạn có gói hấp dẫn với mức giá phù hợp hơn với từng thị trường…

-Trân trọng cám ơn ông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục