Việt Nam ở đâu trong chính sách Abenomics phiên bản mới?

Chính sách kinh tế Abenomics phiên bản mới đang được kỳ vọng tạo ra những ảnh hưởng tích cực đến quan hệ kinh tế giữa Nhật Bản với ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Việt Nam ở đâu trong chính sách Abenomics phiên bản mới? ảnh 1Ông Hiroshi Yoneyama, Phó Ban Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế của JETRO trả lời phỏng vấn của TTXVN. (Ảnh: Hữu Thắng/Vietnam+)

Kể từ khi lên nắm quyền vào cuối năm 2012, Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đã đề ra các chính sách kinh tế mang tên Abenomics với nội dung chính là chiến lược ba mũi tên.

Hai mũi tên đầu tiên của ông Abe là mở rộng đầu tư công và Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) nới lỏng chính sách tiền tệ đã tạo đà cho kinh tế Nhật Bản khởi sắc và tiến gần đến mục tiêu lạm phát 2% nhằm đưa kinh tế nước này thoát khỏi tình trạng giảm phát kéo dài gần hai thập kỷ.

Thời gian gần đây, mũi tên thứ ba và các chính sách phiên bản mới, bổ sung cho mũi tên này - được Chính phủ Nhật Bản liên tục đưa ra nhằm tạo đà cho kinh tế nước này phát triển vững chắc - đã mang lại nhiều kỳ vọng cho giới doanh nghiệp và người dân Nhật Bản.

Bên cạnh những tác động rõ ràng đối với kinh tế Nhật Bản, Abenomics còn tạo được những ảnh hưởng tích cực đến quan hệ kinh tế giữa Nhật Bản với các nước Đông Nam Á, một địa bàn có tầm quan trọng đặc biệt trong chính sách đối ngoại, kinh tế, an ninh và chính trị của Tokyo.

Phóng viên TTXVN tại Nhật Bản đã có dịp phỏng vấn ông Hiroshi Yoneyama, Phó Ban Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế, Cục nghiên cứu nước ngoài thuộc Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) về những tác động của Abenomics đối với quan hệ Việt Nam-Nhật Bản cũng như kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

- Cảm ơn ông vì đã nhận trả lời phỏng vấn của TTXVN. Nhân sự kiện Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe mới đây công bố chiến lược tăng trưởng phiên bản mới hay còn gọi là “mũi tên thứ ba bổ sung” trong chính sách kinh tế mang tên Abenomics. Ông có thể cho biết một số những đánh giá về những tác động của chính sách Abenomics đối với kinh tế Việt Nam?

Ông Hiroshi Yoneyama: Theo tôi, Abenomics sẽ có ba tác động chính đối với nền kinh tế Việt Nam. Tác động thứ nhất là các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tăng cường đầu tư vào Việt Nam. Thứ hai, đó là các doanh nghiệp sẽ chú trọng đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng tại Việt Nam. Tác động thứ ba không thể bỏ qua đó là giao lưu nhân dân hai nước. Tôi cho rằng giao lưu nhân dân chính là tác động lớn nhất mà Abenomics mang lại cho quan hệ kinh tế song phương.


- Ông có thể làm rõ hơn những tác động này?

Ông Hiroshi Yoneyama: Kết quả mà chính sách Abenomics mang lại có thể thấy rõ ràng nhất là giá trị đồng yen giảm và điều này cũng đi kèm với mối quan tâm ngày càng lớn của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Đông Nam Á.

Theo số liệu chúng tôi có được, năm 2013, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Nhật Bản đạt mức cao kỷ lục so với những năm trước. Các địa bàn mà doanh nghiệp Nhật đầu tư khá đa dạng nhưng quy mô đầu tư vào Đông Nam Á đang tăng rất mạnh. Năm 2013, đầu tư vào ASEAN tăng 2,2 lần so với năm 2012. Một đặc điểm rõ rệt của năm 2013 mà tôi muốn đề cập đến ở đây là quy mô đầu tư của Nhật Bản vào ASEAN gấp 2,5 lần so với đầu tư vào Trung Quốc.

Vậy thì Nhật Bản chú trọng vào quốc gia nào trong ASEAN? Trong 10 nước ASEAN, lớn nhất là thị trường Thái Lan nếu xét về số lượng tiền đầu tư. Đứng thứ hai là Indonesia, thứ ba là Singapore và thứ tư là Việt Nam.

- Vậy JETRO nhận thấy các doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm đến lĩnh vực nào nhất khi đầu tư vào thị trường Việt Nam?

Ông Hiroshi Yoneyama: Đã từ lâu nay, Nhật Bản vẫn chú trọng đầu tư vào lĩnh vực điện tử ở Việt Nam. Như tôi đã đề cập thì hoạt động đầu tư vào Trung Quốc và ASEAN hiện đang có chênh lệch khá lớn. Ví dụ như trong số các doanh nghiệp có mặt tại Trung Quốc, những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực điện tử chiếm một số lượng đông đảo và đang xuất hiện một xu hướng là các doanh nghiệp trong lĩnh vực này bắt đầu ngừng sản xuất tại Trung Quốc và chuyển dần sang các bộ phận sản xuất sang Việt Nam. Và tôi cho rằng điện tử là lĩnh vực lớn nhất hiện nay được quan tâm tại Việt Nam.

- Trong lĩnh vực hạ tầng, ông nhận thấy năm 2013 có những thay đổi gì đáng chú ý so với năm trước?

Ông Hiroshi Yoneyama: Về đầu tư hạ tầng, sẽ khó phân biệt rõ ràng năm nào đầu tư hơn năm nào nếu chỉ nhìn qua số liệu.

Theo chiến lược tăng trưởng của Abenomics, Chính phủ Nhật Bản cũng hướng tới tăng cường đầu tư cho hạ tầng ở nước ngoài. Phương châm mà Chính phủ đề ra là dự kiến đến năm 2020, sẽ đầu tư khoảng 30.000 tỷ yen cho cơ sở hạ tầng ở nước ngoài. Trong đó, Việt Nam là điểm đầu tư được Nhật Bản đặc biệt coi trọng.

Trước đây, vốn vay để phát triển hạ tầng dành cho Việt Nam cũng khá lớn và trong tương lai, sẽ không chỉ là vốn vay mà cả các dự án đầu tư từ do tư nhân và các cơ quan độc lập của Nhật Bản xúc tiến cũng sẽ gia tăng mạnh.

Về các khoản vay bằng tiền yen, doanh nghiệp Nhật Bản thời gian gần đây cũng đầu tư một phần của dự án đường sắt trọng địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, hiện tại một cơ quan độc lập của địa phương (chính quyền địa phương) cũng đang xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực cung cấp nước sạch ở châu Á. Đơn cử như thành phố Kitakyushu hiện đang cộng tác với thành phố Hải Phòng triển khai dự án cấp nước sạch với công nghệ hiện đại của Nhật Bản. Không chỉ có thành phố Kitakyushu, mà các địa phương khác của Nhật Bản cũng đang triển khai các dự án cấp nước sạch cho thành phố Hà Nội và Đà Nẵng.

- Các dự án hạ tầng thông thường phải triển khai trong thời gian dài và phát sinh nhiều rủi ro, đặc biệt là biến động về tỷ giá hối đoái của đồng yen. Phía Nhật Bản có biện pháp nào để hạn chế những rủi ro này?


Ông Hiroshi Yoneyama:
Các dự án hạ tầng như tôi vừa kể ra như triển khai cấp nước sạch hay tàu điện ngầm, dự án nào cũng vậy, đều cần có một thời gian dài triển khai và thu hồi vốn.

Tỷ giá hối đoái thay đổi sau quãng thời gian dài là một trong những nguy cơ mà đơn vị đầu tư phải đối mặt và vấn đề là phải làm sao để kiểm soát được nguy cơ bất lợi đối với quá trình đầu tư. Hiện nay, mô hình đối tác công-tư (PPP – public-private partner) là phương thức được áp dụng như là một biện pháp hiệu quả để giải quyết vấn đề này.

Mô hình PPP có nghĩa là biện pháp phân chia rủi ro mà ở đó khu vực công là Chính phủ Nhật Bản và Việt Nam đầu tư trong khi khu vực tư nhân sẽ do các doanh nghiệp đảm nhiệm. Như vậy, các nguy cơ khác nhau sẽ được giảm thiểu và loại trừ. Tuy vậy, mỗi trường hợp cụ thể sẽ phải có những giải pháp riêng. Về khía cạnh này, Chính phủ hai nước cũng đang xem xét và suy nghĩ một cách thấu đáo nhằm tìm ra các biện pháp hiệu quả.

- Thời gian gần đây, xuất hiện cụm từ “China plus one,” có nghĩa là các doanh nghiệp đang chuyển bớt một phần bộ phận sản xuất ra khỏi Trung Quốc nhằm giảm thiểu các rủi ro trong kinh doanh. Và Đông Nam Á là điểm đầu tư quan trọng mà Nhật Bản hướng tới. Vậy thì Việt Nam hiện đang nằm ở đâu trong xu hướng này?


Ông Hiroshi Yoneyama:
Hiện chúng tôi không có đủ dữ kiện cụ thể để đánh giá mức độ chuyển dịch dòng vốn đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản từ Trung Quốc sang Việt Nam ra sao. Tuy nhiên, JETRO chúng tôi thường thực hiện các điều tra dư luận doanh nghiệp mỗi năm một lần. Trong cuộc điều tra dư luận đó, chúng tôi cũng đặt ra vấn đề là quốc gia nào sẽ trở thành điểm đến ưa thích của “China plus one.” Dĩ nhiên là ASEAN chiếm phần lớn nhất trong số các thị trường đầu tư của doanh nghiệp. Và trong số các nước ASEAN, rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã lựa chọn Việt Nam là điểm đầu tư hấp dẫn nhất.

- Điều gì khiến các doanh nghiệp Nhật Bản hứng thú với môi trường đầu tư ở Việt Nam trong trào lưu “China plus one” này?

Ông Hiroshi Yoneyama: Trong trào lưu “China plus one,” các doanh nghiệp có thể chọn các môi trường đầu tư hấp dẫn như Thái Lan và Philippines. So với hai môi trường đầu tư trên, một trong những lý do khiến các doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm đến Việt Nam vẫn là nguồn nhân công tương đối rẻ so với các nước còn lại. Một ưu điểm khác nữa là về mặt địa lý, các doanh nghiệp sản xuất tại các nhà máy ở Việt Nam sẽ dễ dàng kết nối với mạng lưới sản phẩm và hàng hoá với các bộ phận sản xuất ở Trung Quốc nhờ cự ly gần hơn so với các nước khác. Và trên cơ sở phân tích những ưu và nhược điểm trong sự so sánh với Thái Lan và Philippines, chúng tôi nhận thấy Việt Nam là điểm đến được các doanh nghiệp Nhật Bản ưu tiên lựa chọn hơn cả.

- Môi trường đầu tư ở Việt Nam trong thời gian qua đã có nhiều cải thiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Nhật Bản. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại không ít những trở ngại như tiến độ giải phóng mặt bằng, thủ tục cấp phép… Trên quan điểm là cơ quan xúc tiến đầu tư và thương mại của Nhật Bản, JETRO nhận thấy các doanh nghiệp Nhật Bản kỳ vọng điều gì vào sự cần thiết phải cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư tại Việt Nam?

Ông Hiroshi Yoneyama: Trong điều tra dư luận mới đây đối với các doanh nghiệp Nhật Bản, JETRO đã đưa ra câu hỏi liên quan đến môi trường kinh doanh tại địa bàn đầu tư của họ. Có hai điểm lớn được cho là vấn đề nan giải hay rủi ro kinh doanh đối với doanh nghiệp Nhật Bản khi đầu tư ở nước ngoài. Điểm đầu tiên phải kể đến đó là cơ sở hạ tầng cho sản xuất kinh doanh. Số lượng các doanh nghiệp phản ánh về vấn đề cơ sở hạ tầng chưa hoàn chỉnh chiếm một tỷ lệ khá cao trong kết quả điều tra. Đứng đầu về cơ sở hạ tầng còn hạn chế là Myanmar, tiếp đến là Ấn Độ. Việt Nam đứng thứ ba trong số này.

Cơ sở hạ tầng chưa hoàn chỉnh thực sự là một trong những rủi ro không hề nhỏ đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Một vấn đề lớn tiếp theo mà các doanh nghiệp cũng thường nhắc đến, đó là hành lang pháp lý. Chế độ pháp lý chưa hoàn chỉnh và những trục trặc phát sinh trong quá trình vận hành dự án cũng là những điểm mà các doanh nghiệp đề cập đến.

Một điểm nữa cần nhắc tới là giá nhân công ở Việt Nam hiện cũng đang tăng. Chi phí nhân công ở các nước như Trung Quốc, Thái Lan và Indonesia đã tăng cao trong thời gian qua. So với các nước này, giá nhân công Việt Nam vẫn còn ở mức chưa đáng ngại song vẫn có xu hướng gia tăng qua từng năm và các doanh nghiệp Nhật cũng đang phải cân nhắc tới vấn đề này.

- Mũi tên thứ nhất và thứ hai trong chính sách “Abenomics” đã phát huy tác dụng đối với kinh tế Nhật Bản. Mới đây chính phủ còn bổ sung thêm các chính sách mới vào “mũi tên thứ ba” nhằm thúc đẩy hơn nữa tăng trưởng kinh tế. Vậy thì JETRO nhận thấy các chính sách Abenomics nêu trên có những ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực đến hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản?

Ông Hiroshi Yoneyama: Chúng ta có thể nhận thấy rõ nhất tác động của “Abenomics” đối với các doanh nghiệp Nhật Bản là thỏa thuận thương mại tự do (FTA) có tên là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Quy mô của RCEP bao quát ở một tầm khá rộng, ở đó có sự tham gia của Trung Quốc ở phía Đông, Ấn Độ ở phía Tây và ASEAN ở phía Nam.

Trong hành lang kinh tế rộng lớn gồm Trung Quốc, Ấn Độ và ASEAN này, Abenomics đã có một tác động tích cực là tạo ra động lực lớn cho các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư sản xuất và thiết bị cho thị trường này. Như trên tôi cũng đã đề cập, đó là Abenomics khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu hạ tầng ra nước ngoài, cung cấp nguồn tài chính khổng lồ cho các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư ở nước ngoài. Ví dụ như việc cả nhà nước lẫn tư nhân của Nhật Bản cùng nhau phát triển mạnh vào hạ tầng tại Việt Nam và khi hạ tầng của các bạn hoàn chỉnh thì điều đó sẽ có lợi cho kinh tế của hai nước.

- Ông có thể nói rõ hơn về tác động thứ ba của Abenomics đối với quan hệ Việt Nam-Nhật Bản không?

Ông Hiroshi Yoneyama: Điểm thứ ba mà tôi rất muốn đề cập đến là giao lưu con người giữa Nhật Bản và Việt Nam. Đây là một trong những tác động tích cực nữa mà Abenomics mang lại cho kinh tế Việt Nam.

Chính phủ Nhật Bản hiện đang thực hiện các biện pháp nới lỏng các quy định cấp thị thực cho 10 nước ASEAN. Nhờ đó mà khách du lịch nước ngoài đến Nhật Bản đạt mức đột phá 10 triệu người trong năm 2013. Trong 10 triệu lượt khách đến Nhật này, lượng khách du lịch Việt Nam đang gia tăng rất nhanh. So với 10 năm trước, số lượng khách du lịch Việt Nam tăng gấp 5 lần.

Năm 2013, lượng du khách Việt sang Nhật Bản đạt hơn 85.000 lượt người. So với các nước khác, lượng du khách Việt Nam vẫn còn khiêm tốn và đây cũng là điều mà hai bên cũng cần xem xét. Chính phủ Nhật Bản hiện cũng đang xem xét nới lỏng các điều kiện cấp visa cho Việt Nam nhằm đạt được mục tiêu tăng lượng du khách đến Nhật Bản lên tới 20 triệu người vào năm 2020. Không chỉ là du lịch mà Nhật Bản hiện cũng có chủ trương tiếp nhận người lao động Việt Nam sang Nhật Bản làm việc đồng thời mở rộng các lĩnh vực cần tới thực tập sinh Việt Nam, tăng số lượng thực tập sinh và kéo dài thêm thời gian làm việc cho người lao động Việt Nam tại Nhật Bản.

Thời gian gần đây, một số tập đoàn sản xuất lớn đang tiếp nhận rất nhiều thực tập sinh từ Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản. Tôi cũng nhận thấy một xu hướng là một số doanh nghiệp Nhật Bản cũng đưa người lao động tại các nhà máy của Việt Nam sang làm việc tại các đơn vị sản xuất ngay trên đất Nhật.

Tôi cho rằng những trường hợp như vậy đang có xu hướng gia tăng trong tương lai. Một điểm nữa quan trọng mà tôi cũng xin được đề cập thêm là việc triển khai Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (EPA) mà hai bên đã ký vào tháng 10/2009. Cụ thể là hồi tháng 6/2014, 21 ứng viên y tá và 117 điều dưỡng viên đã sang Nhật Bản. Điều này cho thấy hoạt động giao lưu nhân dân giữa hai nước đang diễn ra sôi động. Tất cả những hoạt động giao lưu như khách du lịch qua lại giữa hai bên, đào tạo tu nghiệp sinh, tiếp nhận y tá và điều dưỡng viên… có được những chuyển biến mạnh mẽ như hiện nay là đều nhờ tác động của chính sách Abenomics. Theo tôi, giao lưu con người chính là một trong những khía cạnh mà chúng ta có thể đặt nhiều kỳ vọng trong thời gian tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục