Việt Nam phấn đấu thành nước thu nhập trung bình cao vào 2035

Theo Báo cáo Việt Nam 2035, Việt Nam phải có mức tăng trưởng cao và ổn định liên tục trong khoảng 20 năm tới để đến 2035 đạt mức thu nhập bình quân đầu người từ 15.000-18.000 USD.
Việt Nam phấn đấu thành nước thu nhập trung bình cao vào 2035 ảnh 1Kho gạo xuất khẩu của Công ty Lương thực Đồng Tháp. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

Ngày 23/2, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp với Chính phủ Việt Nam đã tổ chức Lễ công bố Báo cáo “Việt Nam 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ.”

Phát biểu tại lễ công bố, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, năm 1986, tại Đại hội VI, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra đường lối Đổi mới mở ra chặng đường mới để Việt Nam vươn lên trở thành nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình, điểm sáng trong thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, thành viên tích cực trong kiến tạo và gìn giữ hòa bình, một trong những quốc gia xuất khẩu gạo, lương thực, nông sản hàng đầu thế giới, có nền kinh tế năng động, một đối tác, điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và doanh nghiệp toàn thế giới.

Vui mừng và tự hào về thành tựu gần 30 năm Đổi mới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, khát vọng về một tương lai tươi sáng “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh,” nền kinh tế thịnh vượng, môi trường bền vững, đem lại cuộc sống tự do ấm no hạnh phúc cho mọi người dân đòi hỏi Việt Nam phải nỗ lực hơn nữa. Việt Nam cần tiếp tục phát huy lợi thế vươn lên mạnh mẽ, phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, đảm bảo công bằng xã hội, gìn giữ môi trường sinh thái, người dân có đầy đủ điều kiện phát huy năng lực và giá trị của mình.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, Báo cáo “ Việt Nam 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ” là báo cáo quan trọng về một Việt Nam trong 20 năm tới đây, một Việt Nam sau 50 năm thực hiện Đổi mới.

Những vấn đề vừa có tính thời sự vừa có tính chiến lược như: năng lực cạnh tranh, hệ thống sáng tạo, an sinh, môi trường, nông nghiệp, nông thôn, đô thị hóa, quản lý, quản trị… đã được các chuyên gia Việt Nam và Ngân hàng Thế giới nghiên cứu, trao đổi đưa ra những đánh giá, phân tích khuyến nghị có tính khoa học.

Những khuyến nghị này sẽ được Chính phủ Việt Nam tham khảo trong quá trình hoạch định chính sách, trước hết là trong xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016- 2020 và nghiên cứu Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2020-2030.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ cảm ơn các quốc gia bè bạn, tổ chức quốc tế đã luôn ủng hộ, hợp tác và dành cho Việt Nam sự trợ giúp thiết thực, hiệu quả trong suốt thời gian qua và mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ quý báu đó.

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, ông Jim Yong Kim nhấn mạnh, Báo cáo là tài liệu quan trọng đối với Việt Nam và Ngân hàng Thế giới. Sự hợp tác giữa Ngân hàng Thế giới trong quá trình xây dựng Báo cáo đã thể hiện sự cam kết của Ngân hàng Thế giới đối với sự phát triển của Việt Nam.

Ông Jim Yong Kim cho rằng, Việt Nam có khát vọng mạnh mẽ, đến 2035 sẽ trở thành một nước công nghiệp hiện đại, hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ.

Khát vọng đó được thực hiện thông qua chương trình cải cách thể chế và các chính sách hỗ trợ dựa trên 3 trụ cột chính: thịnh vượng về kinh tế đi đôi với bền vững về môi trường; công bằng và hòa nhập xã hội; năng lực và trách nhiệm giải trình của nhà nước.

Tăng trưởng nhanh chỉ có thể được duy trì trên cơ sở tăng nhanh năng suất, có tính đến tổn hại về môi trường và tạo dựng một nền kinh tế dựa trên sáng tạo và đổi mới công nghệ.

Phát huy những thành tựu về công bằng và hòa nhập xã hội đòi hỏi phải quan tâm cả đến những đối tượng thiệt thòi cũng như đáp ứng tốt hơn nhu cầu của một xã hội trung lưu và dân số đang già đi. Quản trị nhà nước phải trở nên hiện đại minh bạch và hoàn toàn dựa trên nền tảng thượng tôn pháp luật.

Trình bày những nội dung chính trong Báo cáo “Việt Nam 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ,” Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết báo cáo gồm 7 chương nghiên cứu sâu về 3 trụ cột phát triển với 6 chuyển đổi lớn đề xuất những khuyến nghị quan trọng đưa Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2035.

Việt Nam phải có mức tăng trưởng cao và ổn định liên tục trong khoảng 20 năm tới. Với mức tăng thu nhập bình quân đầu người hàng năm bằng 7% có nghĩa là tương đương với mức tăng trưởng GDP hàng năm là 8%. Đến năm 2035, Việt Nam đạt mức thu nhập bình quân đầu người từ 15.000-18.000 USD.

Báo cáo tập trung vào ba trụ cột gồm nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh khu vực kinh tế tư nhân, thúc đẩy công bằng và hoà nhập xã hội và nâng cao hiệu quả khu vực công. Báo cáo đề xuất một số biện pháp tăng cường sức mạnh cho nền kinh tế và khu vực tài chính, trong đó tập trung vào nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ quyền sử hữu tài sản, và thực thi chính sách cạnh tranh.

Báo cáo gợi ý cần các chính sách và đầu tư để hỗ trợ tăng trưởng các ngành công nghiệp có liên quan đến các chuỗi cung ứng toàn cầu, sử dụng khôn ngoan hơn các hiệp định thương mại tự do, kể cả Hiệp định hợp tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương.

Báo cáo cũng đề xuất cải tiến ngành nông nghiệp - khu vực chiếm gần một nửa lực lượng lao động của cả nước - tăng cường bảo vệ môi trường và tăng cường quy hoạch phát triển sản xuất năng lượng sạch.

Báo cáo kêu gọi Việt Nam tiếp tục tăng cường hoà nhập và công bằng xã hội, tạo nhiều cơ hội hơn cho các nhóm dân tộc thiểu số, người tàn tật và phụ nữ, và cung cấp dịch vụ cho một xã hội trong quá trình già hóa, đô thị hóa và xuất hiện tầng lớp trung lưu.

Báo cáo đưa ra các đề xuất cải thiện quản trị nhằm nâng cao trách nhiệm giải trình và minh bạch, để đảm bảo Việt Nam có hệ thống thể chế mạnh nhằm bắt kịp sự phát triển của đất nước.

Bên cạnh đó cần tăng cường trách nhiệm giải trình của nhà nước dựa trên chức năng kiểm soát giữa ba nhánh quyền lực và tạo cơ hội cho người dân góp ý về việc cung cấp dịch vụ công của chính phủ.

Nhân dịp này, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, đại diện một số Đại sứ quán tại Việt Nam và các Cơ quan phát triển quốc tế phát biểu đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc xây dựng những cải cách, thực hiện những kế hoạch phát triển trong tương lai; đồng thời nhấn mạnh sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đạt được những thành công trong các lĩnh vực, hợp tác, hỗ trợ Việt Nam thực hiện những khuyến nghị trong báo cáo để đạt được mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.  

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục