Việt Nam sản xuất thành công Chip đa năng trong lĩnh vực y tế

Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế Vi mạch (ICDREC) thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố chip ADC 24-bit ứng dụng trong đo lường.
Việt Nam sản xuất thành công Chip đa năng trong lĩnh vực y tế ảnh 1Nhóm kỹ sư thiết kế chip ADC 24-bit ứng dụng trong đo lường. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Ngày 17/6, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế Vi mạch (ICDREC) thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố chip ADC 24-bit ứng dụng trong đo lường.

Đây là sản phẩm của đề tài thuộc chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp nhà nước “Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thử nghiệm chip nén ảnh theo tiêu chuẩn JPEG2000 và chip ADC đa năng ứng dụng trong y tế.”

Đại diện nhóm thiết kế cho biết, chip ADC 24-bit có đặc tính kỹ thuật là vi mạch chuyển đổi tín hiệu tương tự sang tín hiệu số (Analog-to-Digital Converter), có độ chính xác và khả năng cạnh tranh cao với các sản phẩm cùng loại trên thị trường nhờ các tính năng vượt trội về độ phân giải 24-bit, 18-bit hiệu dụng (ENOB), tốc độ quá lấy mẫu 512, 8 kênh ngõ vào và điện áp hoạt động là 3.3V.

Với đặc tính đó, chip ADC 24-bit được ứng dụng nhiều trong lĩnh vực đo lường như đo điện kế điện tử, địa chấn kế và nhất là trong lĩnh vực y tế như điện tâm đồ, xử lý tín hiệu y khoa...

Hiện Trung tâm ICDREC đã thử nghiệm, ứng dụng để minh họa cho loại chip này trên máy đo huyết áp.

Theo ICDREC, kết quả thử nghiệm đã cho thấy tiềm năng ứng dụng, thương mại hóa chip Việt trên hàng loạt sản phẩm trong lĩnh vực y tế trong tương lai. Hi vọng các tổ chức, doanh nghiệp sẽ quan tâm, hợp tác với ICDREC cùng phát triển các sản phẩm thiết bị, các ứng dụng của chip ADC 24-bit.

Ngoài ra, ICDREC mong muốn các tập đoàn trong và ngoài nước đặt hàng thiết kế, gia công chế tạo dòng sản phẩm chip Analog nói chung và chip chuyển đỏi tín hiệu ADC nói riêng.

Ông Lê Thái Hỷ, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh cho biết chip này được ứng dụng cho các sản phẩm đầu cuối và sẽ được phát triển cho đề án nhánh “Chương trình phát triển sản phẩm đầu cuối sử dụng vi mạch bán dẫn (MEMS Việt Nam)” thuộc Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2013-2020./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục