Việt Nam tạo điều kiện để doanh nghiệp khối Pháp ngữ kết nối

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định Việt Nam cam kết tăng cường quan hệ kinh tế và hỗ trợ doanh nghiệp các nước khối Pháp ngữ kết nối với nhau.
Việt Nam tạo điều kiện để doanh nghiệp khối Pháp ngữ kết nối ảnh 1 Một gian trưng bày của doanh nghiệp Pháp tại triển lãm đa ngành, một sự kiện trong khuôn khổ Tuần lễ Pháp tại Việt Nam. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Việt Nam cam kết tăng cường quan hệ kinh tế với các nước thành viên khối Pháp ngữ, sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, ngân hàng ngày càng kết nối với nhau dễ dàng hơn.

Đây là khẳng định của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại “Diễn đàn thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các ngân hàng châu Phi và các nước ASEAN khối Pháp ngữ” tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 25/6.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh diễn đàn được tổ chức tại Việt Nam lần này, thể hiện sự nỗ lực phát triển hơn nữa mối quan hệ trực tiếp giữa các ngân hàng, nhằm hỗ trợ trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước châu Phi, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác Nam-Nam trong không gian kinh tế khối Pháp ngữ.

Về trao đổi thương mại, đầu tư giữa ASEAN, châu Phi với khối Pháp ngữ đã có những bước tiến quan trọng, trong đó trao đổi thương mại Việt Nam và châu Phi năm 2013 đạt 4,29 tỷ USD (tăng trên 22% so với năm 2012), nhưng chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có, đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa của các thành viên trong khối.

Là một thành viên tích cực, xây dựng và có trách nhiệm của khối Pháp ngữ, Việt Nam luôn ủng hộ chủ trương phát triển chiến lược kinh tế trong khuôn khổ hợp tác kinh tế của không gian Pháp ngữ năng động đồng thời phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn mối quan hệ với các thành viên khác trong khối Pháp ngữ nói chung cũng như những bạn bè châu Phi, ASEAN truyền thống nói riêng.

Với triển vọng hoàn tất 14 Hiệp định thương mại tự do trong giai đoạn 2015-2020, Việt Nam sẽ trở thành một mắt xích quan trọng trong mạng lưới liên kết kinh tế rộng lớn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng như đóng vai trò cầu nối Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ hình thành vào năm 2015.

Tốc độ tăng trưởng thương mại, đầu tư giữa Việt Nam với các nước châu Phi tăng liên tục, riêng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường này tăng bình quân 30%-40%.

Tuy nhiên, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và các nước châu Phi vẫn còn nhiều trở ngại, trong đó có thể kể đến đầu tiên là khâu thanh toán và các rủi ro thanh toán, do các ngân hàng châu Phi khó tiếp cận cũng như chưa ứng dụng các phương thức thanh toán thông dụng hiện đại.

Nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn và tìm ra giải pháp cho cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước cũng như các tổ chức xúc tiến Việt Nam và châu Phi, đã tăng cường tổ chức đối thoại với những đơn vị tín dụng, ngân hàng. Qua đó, các ngân hàng đã có những kết nối bước đầu nhưng nhìn chung đến nay giữa hai bên vẫn chưa có những thỏa thuận chung về hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Theo một số doanh nghiệp, ngoài vấn đề về thanh toán, vẫn còn một số vấn đề quan ngại khác như: chi phí vận tải lớn, thiếu hụt thông tin… là lý do gây cản trở quan hệ hợp tác đầu tư, thương mại Việt Nam và các nước châu Phi phát triển chưa xứng đáng với tiềm năng. Trong bối cảnh hiện nay, cả Việt Nam và châu Phi đều nỗ lực đẩy mạnh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đảm bảo các mục tiêu đa dạng hóa thị trường, thuận lợi hóa thương mại, đầu tư.

Đồng quan điểm trên, ông Sylvere Bankimbaga, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ các ngân hàng và tổ chức tín dụng châu Phi cho rằng, cần thực hiện cơ chế để tạo điều kiện cho sự chuyển động của các dòng tài chính; trong đó bao gồm giảm thiểu nhiều kênh trung gian gây cản trở các hoạt động do chi phí cao và tốn kém, đặc biệt tăng cường thúc đẩy văn hóa cũng như phát triển sự tin tưởng lẫn nhau giữa các nhà quản lý của ngân hàng và tổ chức tính dụng, tạo điều kiện cho quá trình thanh toán của tổ chức kinh tế tương ứng.

Với mục tiêu thúc đẩy trao đổi thương mại giữa các quốc gia nói tiếng Pháp tại châu Phi, đặc biệt là tất cả các nước thành viên của khu vực kinh tế CEMAC (Cộng đồng Kinh tế và Tiền tệ Trung Phi), UEMOA (Liên minh Kinh tế và Tiền tệ Tây Phi), CEA (Cộng đồng Đông Phi) và các nước ASEAN, Diễn đàn thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các ngân hàng châu Phi và các nước ASEAN khối Pháp ngữ” diễn ra trong hai ngày 25 và 26/6, được kỳ vọng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như mang lại cơ hội đầu tư, kinh doanh trong thị trường nội khối Pháp ngữ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục