Việt Nam tham dự và phát biểu tại Hội nghị Đại dương ở New York

Tham dự hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Đình Quý nhấn mạnh Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững về biển và đại dương.
Việt Nam tham dự và phát biểu tại Hội nghị Đại dương ở New York ảnh 1Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Đình Quý phát biểu tại Hội nghị. (Nguồn: Vietnam+)

Hội nghị cấp cao của Liên hợp quốc về hỗ trợ thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững 14: Bảo tồn và sử dụng bền vững biển, đại dương và các nguồn tài nguyên biển vì sự phát triển bền vững được tổ chức tại New York, từ ngày 5-9/6.

Tham dự Hội nghị có trên 20 nhà Lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ, trên 60 Bộ trưởng, Thứ trưởng và đại diện của hơn 190 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, cùng với các đại diện của nhiều tổ chức quốc tế liên chính phủ toàn cầu và khu vực, tổ chức phi chính phủ và doanh nghiệp.

Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Đình Quý làm Trưởng đoàn.

Hội nghị được tổ chức theo sáng kiến của Thụy Điển và Fiji nhằm thúc đẩy thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững 14 (Mục tiêu 14), một trong 17 mục tiêu phát triển bền vững của Chương trình nghị sự đến năm 2030.

[Liên hợp quốc đưa ra thông điệp về việc sống hài hòa với thiên nhiên]

Tại các phiên toàn thể và các phiên đối thoại, Hội nghị đã thảo luận về việc thúc đẩy thực hiện Mục tiêu 14, tập trung vào 7 chủ đề: Giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường biển, đặc biệt là phòng chống ô nhiễm do rác thải nhựa trên biển và các chất thải từ đất liền; Quản lý, bảo tồn hệ sinh thái biển và vùng ven bờ; Giải quyết vấn đề axít hóa đại dương; Đánh cá bền vững, phòng chống đánh bắt cá bất hợp pháp và không khai báo (IUU fishing); Thúc đẩy các lợi ích của các quốc đảo nhỏ đang phát triển và kém phát triển nhất; Nâng cao nghiên cứu khoa học và phát triển năng lực, chuyển giao công nghệ biển; Áp dụng luật pháp quốc tế được quy định tại Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982.

Phát biểu tại khai mạc hội nghị, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh đã đến lúc các quốc gia cần có một “tầm nhìn chiến lược” và một mô hình quản lý mới về biển. Trong số đó, điều quan trọng đầu tiên là phải chấm dứt việc tách biệt nhu cầu phát triển kinh tế và vấn đề sử dụng bền vững biển và đại dương. Thay vào đó, quá trình phát triển bền vững cần được thực hiện trên cơ sở gắn kết chặt chẽ với việc bảo tồn và sử dụng bền vững biển, đại dương và các nguồn tài nguyên biển.

Các phát biểu tại Hội nghị nêu bật tầm quan trọng của biển, đại dương; quan ngại sâu sắc trước tình trạng ô nhiễm môi trường biển, suy thoái hệ sinh thái biển và vùng ven biển, sự cạn kiệt các nguồn lợi biển và những tác hại nghiêm trọng đối với cuộc sống con người và sự phát triển bền vững, đặc biệt là do tình trạng biến đổi khí hậu, gia tăng nhiệt độ, axít hóa, nước biển dâng...

Nhận thức rõ về những hiểm họa nêu trên, Hội nghị tập trung thảo luận về các biện pháp và cách thức thúc đẩy thực hiện Mục tiêu 14, đặc biệt là bảo tồn và sử dụng bền vững biển, đại dương và các nguồn tài nguyên biển, phòng chống ô nhiễm biển, bảo vệ và bảo tồn các hệ sinh thái biển, phát triển nghề cá bền vững, xây dựng năng lực, chuyển giao công nghệ biển, củng cố các quan hệ đối tác đã được xây dựng và thiết lập các quan hệ đối tác mới.

Trong khuôn khổ Hội nghị đã có trên 80 quốc gia, trên 40 tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ, cùng với các cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp đăng ký hơn 1.300 Cam kết tự nguyện về chương trình, dự án và biện pháp cụ thể để thực hiện Mục tiêu 14.

Kết thúc Hội nghị, các bên tham dự đã thông qua văn kiện Lời kêu gọi hành động “Đại dương - Tương lai của chúng ta,” trong đó ghi nhận vai trò quan trọng của biển và đại dương đối với sự phát triển của con người, nhấn mạnh sự cần thiết của việc thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững, trong đó có Mục tiêu 14.

Văn kiện cũng khuyến nghị một số biện pháp cần thiết và khẩn cấp để bảo tồn và sử dụng bền vững biển, đại dương và các nguồn tài nguyên biển vì sự phát triển bền vững, trong đó có thúc đẩy xây dựng các cơ chế hợp tác giữa các đối tác (quốc gia, tổ chức quốc tế và khu vực, tổ chức phi chính phủ, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, người dân…) để thực hiện và hướng tới hoàn thành 10 tiêu chí của Mục tiêu 14 vào năm 2030.

Phát biểu tại phiên thảo luận toàn thể của hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Đình Quý, Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam tham dự hội nghị, nhấn mạnh là một trong những quốc gia ven biển bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm biển và suy thoái các nguồn tài nguyên biển, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có Mục tiêu 14.

Thứ trưởng khẳng định Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm thực hiện Mục tiêu 14 với sự hợp tác chặt chẽ giữa các chính phủ, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế và khu vực, dân cư sở tại, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.

Thứ trưởng Đặng Đình Quý cũng nêu rõ trên thế giới hiện nay có nhiều vùng biển đang tranh chấp, do đó việc tuân thủ và thực hiện các nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, sẽ góp phần bảo đảm hòa bình, an toàn, an ninh hàng hải, bảo tồn và sử dụng bền vững biển và các nguồn tài nguyên biển vì không thể có phát triển bền vững nếu không có hòa bình và ổn định.

Thứ trưởng nhấn mạnh việc thực hiện Mục tiêu 14 cần gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện các mục tiêu khác về phát triển bền vững, đặc biệt là xóa đói giảm nghèo, để người nghèo sống ở các vùng duyên hải có điều kiện sống tốt hơn và có thể tham gia vào việc bảo vệ và khôi phục nguồn tài nguyên biển và các hệ sinh thái biển.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Đình Quý kêu gọi cộng đồng quốc tế tập trung vào một số biện pháp như: nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là cộng đồng địa phương về nhu cầu bảo tồn và sử dụng bền vững biển, đại dương và các nguồn tài nguyên biển; thúc đẩy các cơ chế hợp tác ở các cấp độ tiểu vùng, khu vực và quốc tế, đặc biệt là ở các vùng biển đang tranh chấp nhằm duy trì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững.

Việt Nam tham dự và phát biểu tại Hội nghị Đại dương ở New York ảnh 2Hội nghị Đại dương ở New York, Mỹ ngày 5/6. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Đại diện Việt Nam cho rằng các nước phát triển tăng cường hợp tác xây dựng năng lực, chuyển giao công nghệ biển hiện đại cho các quốc đảo nhỏ đang phát triển, các nước đang phát triển và các nước kém phát triển nhất, giúp các nước này phát triển nền kinh tế bền vững dựa vào biển, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và góp phần bảo tồn, sử dụng bền vững biển, đại dương và các nguồn tài nguyên biển.

Trong dịp này, Việt Nam đã đăng ký cam kết thực hiện dự án "Phát triển và nhân rộng các khu vực được quản lý bởi cộng đồng/doanh nghiệp địa phương nhằm phục hồi và sử dụng bền vững các hệ sinh thái ở vùng biển ven bờ."

[Liên hợp quốc khai mạc Hội nghị Đại dương lần đầu tiên tại Mỹ]

Dự án "Phát triển và nhân rộng các khu vực được quản lý bởi cộng đồng/doanh nghiệp địa phương nhằm phục hồi và sử dụng bền vững các hệ sinh thái ở vùng biển ven bờ” do Viện Hải dương học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ trì thực hiện, trên cơ sở huy động nguồn lực nhà nước, các quỹ nghiên cứu và các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ nước ngoài, doanh nghiệp.

Dự án đang được triển khai ở Nha Trang và các vùng biển ven bờ Việt Nam trong bối cảnh đang diễn ra sự suy thoái hệ sinh thái ngày càng phổ biến ở vùng biển ven bờ Việt Nam do gia tăng hoạt động kinh tế và biến đổi khí hậu, gây thiệt hại về môi trường và đe dọa sự phát triển kinh tế ở nhiều khu vực nước ta.

Viện Hải dương học ở Nha Trang và một số cơ quan nghiên cứu khoa học đã nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, công nghệ nhằm triển khai các hoạt động phục hồi các hệ sinh thái biển, tái tạo nguồn lợi biển; kết hợp với doanh nghiệp và cộng đồng ở địa phương để triển khai các hoạt động này nhằm bảo tồn và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên biển phục vụ phát triển các ngành kinh tế như du lịch, thủy sản./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục