Việt Nam thúc đẩy hội nhập kinh tế trong không gian Pháp ngữ

Việc chia sẻ những kinh nghiệm của Việt Nam trong các lĩnh vực thế mạnh sẽ góp phần hỗ trợ và giải quyết khó khăn trong các vấn đề hợp tác Nam-Nam giữa các nước nước châu Phi và Mekong Pháp ngữ.
Việt Nam thúc đẩy hội nhập kinh tế trong không gian Pháp ngữ ảnh 1Một hoạt động trong Ngày hội văn hóa Pháp ngữ 2015. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Chiến lược phát triển kinh doanh và hợp tác Nam-Nam giữa các nước nước châu Phi và ​các nước Pháp ngữ khu vực Mekong, trong đó có Việt Nam, là thúc đẩy và hỗ trợ những nỗ lực hội nhập kinh tế trong không gian Pháp ngữ về quản lý thương mại và đầu tư ở các lĩnh vực có tiềm năng giao thương, xúc tiến hợp tác đầu tư.

Hình thành không gian kinh tế Pháp ngữ

Theo ông Đồng Thế Quang, chuyên gia Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF), trong giai đoạn 2015-2018, đơn vị này sẽ tập trung thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại liên vùng ở châu Phi, châu Á và châu Âu.

Với mục tiêu này, OIF sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp gặp gỡ, giao lưu; tạo điều kiện những mô hình liên doanh giữa các nước trong không gian Pháp ngữ phát triển và hoạt động hiệu quả. Bên cạnh đó, các chương trình xúc tiến hợp tác Nam-Nam sẽ được OIF đẩy mạnh hơn nữa trong giai đoạn này. Vì vậy, OIF rất kỳ vọng sự góp sức mạnh mẽ từ phía Chính phủ Việt Nam và sự tích cực của doanh nghiệp Việt Nam trong việc tìm kiếm, nắm bắt những cơ hội đầu tư, kinh doanh trong không gian Pháp ngữ.

Đánh giá về sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, các chuyên gia cho rằng trong bối cảnh kinh tế thế giới đang từng bước phục hồi sau suy thoái toàn cầu, kinh tế Việt Nam luôn có những dấu hiệu tích cực, tạo cơ hội cho doanh nghiệp trong và ngoài nước phát triển sản xuất, kinh doanh.

Về ngoại thương, Việt Nam đạt được mục tiêu đáng khích lệ với kim ngạch xuất khẩu 150 tỷ USD vào năm 2014, trước đó con số này chỉ đạt khoảng 100 tỷ USD vào năm 2012. Bên cạnh đó, cán cân thương mại Việt Nam xuất siêu đạt mức cao trong 3 năm liền.

Bà Thái Kiều Phương, Phó Chủ tịch Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-châu Phi-Trung Đông nhấn mạnh Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn về phát triển nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, công nghệ cao... với nhiều mô hình đột phá, mang lại lợi ích thiết thực cho kinh tế, xã hội đất nước. Vì vậy, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có vai trò quan trọng đối với việc thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư... trong hợp tác Nam-Nam giữa các nước nước châu Phi và Mekong Pháp ngữ.

Việc chia sẻ những kinh nghiệm của Việt Nam trong các lĩnh vực thế mạnh sẽ góp phần hỗ trợ và giải quyết khó khăn trong các vấn đề hợp tác Nam-Nam giữa các nước nước châu Phi và Mekong Pháp ngữ như pháp lý, tranh chấp thương mại, thanh toán tài chính...

Nhận định về tầm quan trọng của sự hỗ trợ những nỗ lực hội nhập kinh tế trong không gian Pháp ngữ, nhiều doanh nghiệp Việt Nam cho rằng đây là cơ sở để tận dụng các cơ hội thương mại vùng và xác định những thách thức phát triển kinh tế, giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ các nước thiết lập những quan hệ kinh tế bền vững. Cụ thể, những vấn đề liên quan đến hợp tác kinh tế và xúc tiến thương mại liên vùng giữa các nước châu Phi và Mekong Pháp ngữ sẽ được thúc đẩy tập trung vào những lĩnh vực có tiềm năng lớn.

Tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp

Liên quan về triển vọng hợp tác của Việt Nam với các nước thuộc Liên minh kinh tế và tiền tệ Tây Phi (UEMOA) và các nước thuộc Liên minh kinh tế và tiền tệ Trung Phi (CEMAC) trong lĩnh vực nông nghiệp, xuất nhập khẩu hàng nông sản thực phẩm, ông Võ Tân Thành, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng Khu vực UEMOA và CEMAC có nhu cầu lớn trong hợp tác kinh doanh và chuyển giao công nghệ, đặc biệt là trong các lĩnh vực chế biến nông sản thực phẩm như gạo, điều, hoa quả... Do đó, Việt Nam mong muốn chia sẻ kinh nghiệm trong chế biến nông sản sau thu hoạch và hỗ trợ doanh nghiệp hai bên tìm kiếm cơ hội hợp tác cũng như cùng phát triển lĩnh vực này.

Ông Võ Tân Thành nhấn mạnh Việt Nam đã xây dựng và đưa vào hoạt động hiệu quả những nhà máy sản xuất được các loại máy móc phục vụ cho ngành chế biến gạo, điều... không chỉ đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và giá thành tại thị trường nội địa mà còn ở nhiều thị trường xuất khẩu. Hiện việc tạo ra sản phẩm đạt giá trị gia tăng cao, hình thành chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp là một trong những định hướng phát triển quan trọng của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Việt Nam thúc đẩy hội nhập kinh tế trong không gian Pháp ngữ ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Đồng quan điểm, ông Fogué Fidèle Kouduahou, chuyên gia về công nghệ chế biến nông sản kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn WAKA (Burkina Faso) cho rằng hiện nay, các quốc gia thành viên khu vực UEMOA hầu như chưa đạt được các điều kiện để xây dựng một ngành chế biến thực phẩm hiệu quả và có lợi cho kinh tế quốc gia nên rất cần thúc đẩy hợp tác với các nước có thế mạnh về lĩnh vực nông nghiệp, xuất nhập khẩu hàng nông sản thực phẩm như Việt Nam.

Những rào cản đối với sự phát triển ngành chế biến thực phẩm tại các nước thuộc khu vực UEMOA là mức độ phát triển cơ sở hạ tầng thấp làm tăng chi phí sản xuất, vấn nạn hàng giả, khó khăn về tài chính... Còn thách thức lớn đối với lĩnh vực chế biến nông nghiệp là chưa hoàn chỉnh quy chế và chuẩn hóa để hướng hoạt động sản xuất, kinh doanh, đáp ứng được các yêu cầu của thị trường quốc tế về chất lượng.

Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các nước thuộc UEMOA đã tăng gấp 5 lần, từ 180 triệu USD (năm 2007) lên 854 triệu USD (năm 2014). Riêng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các nước thuộc CEMAC tăng 4,6 lần, từ 72,6 triệu USD (năm 2007) lên 340,8 triệu USD (năm 2014).

Cơ cấu trao đổi thương mại giữa Việt Nam với UEMOA và CEMAC ngày càng đa dạng, đặc biệt hai khu vực này được đánh giá là thị trường tiềm năng cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam với dân số hơn 1 tỷ người.

Ông Hoàng Đức Nhuận, Phó Vụ trưởng Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương) cho biết gạo là mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam sang thị trường UEMOA và CEMAC, chiếm 50-70% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang hai khu vực. Tiếp theo có thể kể đến là các nhóm hàng dệt may, công nghiệp chế biến...

Trong những năm gần đây, Việt Nam còn nỗ lực tìm kiếm cơ hội xuất khẩu các mặt hàng mới vào thị trường UEMOA và CEMAC như thủy sản, sản phẩm thép, sợi và cáp điện, máy móc, trang thiết bị, phụ tùng...

Đặc biệt, những lĩnh vực ưu tiên và tiềm năng có thể đạt giá trị xuất khẩu 5 tỷ USD đang được Việt Nam đẩy mạnh xúc tiến thương mại vào thị trường UEMOA và CEMAC là nông sản thực phẩm, dệt may, gỗ và các sản phẩm gỗ.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục