Việt Nam thực hiện các đột phá chiến lược, đổi mới mô hình tăng trưởng

Việt Nam đang tập trung tái cơ cấu nền kinh tế, thực hiện các đột phá chiến lược nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng; phát triển dựa trên sức cạnh tranh, lợi thế so sánh.
Việt Nam thực hiện các đột phá chiến lược, đổi mới mô hình tăng trưởng ảnh 1 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại Gala kết nối và hội nhập chào mừng Hội nghị Kinh tế Đối ngoại 2016. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Tối 2/11, phát biểu trước các đại biểu đại diện các định chế tài chính toàn cầu, các nhà hoạch định chính sách cùng đông đảo doanh nghiệp trong nước và quốc tế tham dự Hội nghị Kinh tế đối ngoại 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn qua Hội nghị, các đại biểu, doanh nghiệp sẽ hiểu thêm về chủ trương, chính sách, chiến lược phát triển, hội nhập của Việt Nam và tìm thấy nhiều cơ hội hợp tác, đầu tư thuận lợi.

Thủ tướng nêu rõ sau 30 năm thực hiện đường lối Đổi mới, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Từ nước nghèo kém phát triển, chịu nhiều hậu quả nặng nề của chiến tranh, nền kinh tế kế hoạch, bao cấp kéo dài, Việt Nam đã nỗ lực vươn lên trở thành quốc gia đang phát triển có nền kinh tế thị trường với thu nhập trung bình.

Năm 2015 quy mô GDP đạt trên 200 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng đạt khoảng 2.100 USD (nếu tính theo sức mua tương đương PPP đạt 5.600 USD). Việt Nam luôn giữ vững ổn định chính trị, kinh tế, xã hội, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội.

Tại phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc tháng 9/2015, Việt Nam là một trong sáu quốc gia được vinh danh về hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs), nổi bật là mục tiêu về giảm nghèo.

Việt Nam chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tích cực xây dựng Cộng đồng ASEAN, ký kết, tham gia 14 Hiệp định thương mại tự do (FTA), bao gồm cả các Hiệp định FTA thế hệ mới với tiêu chuẩn cao, trong đó có sự tham gia của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hiệp định FTA với 28 nước EU... và đang đàm phán một số FTA khác.

Theo Báo cáo môi trường kinh doanh toàn cầu của WB vừa công bố, Việt Nam xếp thứ 82/190, tăng 9 bậc so với năm 2015. Tuy vậy, các chỉ số của Việt Nam về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh do WB, WEF xếp hạng còn thấp so với các nước nhóm đầu ASEAN.

Nhấn mạnh đến xu thế phát triển kinh tế toàn cầu thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Việt Nam đang tập trung tái cơ cấu nền kinh tế, thực hiện các đột phá chiến lược nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng; phát triển dựa trên sức cạnh tranh, lợi thế so sánh; tích cực hội nhập, tham gia vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu và tăng cường năng lực để tham gia các công đoạn có giá trị gia tăng cao và nâng tầm trình độ phát triển của nền kinh tế.

“Thời cơ đang ở phía trước, để tranh thủ cơ hội phát triển, con tầu Việt Nam phải vững tay lái vượt qua gió mạnh, sóng cả đại dương để tiến lên. Chính phủ Việt Nam sẽ vững tin, quyết tâm đổi mới chính mình, tập trung xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp,” Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định Chính phủ chú trọng kiến tạo khung khổ thể chế pháp luật phù hợp với cơ chế thị trường, điều kiện Việt Nam và tương thích với các cam kết hội nhập, thông lệ quốc tế. Chính phủ quản lý các mặt đời sống kinh tế, xã hội theo pháp luật một cách chủ động, hiệu lực, hiệu quả với tầm nhìn dài hạn và chính mình cũng phải nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật.

Chính phủ cũng nỗ lực hành động để tạo dựng các yếu tố nền tảng của môi trường đầu tư kinh doanh: xây dựng hạ tầng cơ sở, phát triển nguồn nhân lực, giữ vững ổn định chính trị, xã hội và kinh tế vĩ mô, chú trọng bảo đảm quyền tài sản, quyền sở hữu trí tuệ, cạnh tranh lành mạnh... để doanh nghiệp, người dân vững niềm tin, phát huy nội lực, sức sáng tạo trong đầu tư, sản xuất kinh doanh.

“Chính phủ Việt Nam sẽ nỗ lực làm tốt chức năng kiến tạo của mình và hợp tác hiệu quả, cùng có lợi với cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, đưa con tầu Việt Nam đi tới bến bờ thành công,” Thủ tướng nói.

Hội nghị Kinh tế đối ngoại với chủ đề "Diễn đàn cấp cao Việt Nam 2016 - Ra khơi thuận buồm xuôi gió" dự kiến sẽ có tám phiên nghị sự về định vị Việt Nam trong kinh tế toàn cầu, các phiên chiến lược về tiêu dùng, tương lai ngành chế tạo, sản xuất gạo của Việt Nam, phát triển công nghiệp Việt Nam, đầu tư tại Việt Nam.

Hội nghị muốn truyền tải thông điệp, khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam với cộng đồng doanh nghiệp quốc tế về đổi mới toàn diện, cải cách mạnh mẽ kinh tế Việt Nam trong 5 năm tới. Qua hội nghị, Chính phủ Việt Nam được trực tiếp nghe phản hồi về chính sách của mình từ các tập đoàn xuyên quốc gia và cộng đồng quốc tế, các tổ chức có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế của Việt Nam

Theo The Economist, dù tăng trưởng tại các thị trường mới nổi có thể đang chậm lại, nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn đang tăng trưởng mạnh mẽ. Những cơ sở quan trọng trên, cùng với tiềm năng về lực lượng lao động, giúp Việt Nam mở ra không gian hợp tác rộng lớn cho phát triển, cũng như tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Sáng 3/11, Hội nghị Kinh tế đối ngoại 2016 sẽ tiến hành các phiên thảo luận chuyên đề./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục