Việt Nam tổ chức tọa đàm tại Geneva về chống nạn buôn người

Tại tọa đàm, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Dương Chí Dũng cũng chia sẻ với bạn bè quốc tế về những nỗ lực của Việt Nam trong công tác phòng chống nạn buôn người.
Việt Nam tổ chức tọa đàm tại Geneva về chống nạn buôn người ảnh 1Diễn giả chính, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Dương Chí Dũng (thứ hai từ trái) phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: Hoàng Hoa/TTXVN)

Ngày 27/9, bên lề Khóa họp 33 Hội đồng Nhân quyền tại Geneva, Thụy Sĩ, Việt Nam đã phối hợp với 7 quốc gia từ 4 châu lục gồm Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Mỹ, Costa Rica, Australia, Đức và Tổ chức Di cư Quốc tế cùng tổ chức tọa đàm quốc tế về "Giáo dục cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm phòng, chống nạn buôn bán người."

Tham gia tọa đàm có trên 80 đại biểu đến từ 29 quốc gia, các tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ.

Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, Đại sứ-Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc tại Geneva Nguyễn Trung Thành khẳng định đây là hoạt động thiết thực nhằm hưởng ứng việc tổng kết 10 năm thực hiện nghị quyết của Liên hợp quốc về giáo dục quyền con người, đồng thời là cơ hội tốt để các nước cùng trao đổi, chia sẻ về thực tiễn và kinh nghiệm tốt trong việc tìm ra giải pháp bền vững nhằm chống lại nạn buôn bán người.

Với vai trò diễn giả chính tại tọa đàm, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Dương Chí Dũng ghi nhận ý nghĩa và tầm quan trọng của Công ước quốc tế về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Nghị định thư về phòng, chống, xử phạt tội buôn người trong việc thúc đẩy các quốc gia xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách đồng thời cũng nhấn mạnh những thách thức trong việc hỗ trợ các nạn nhân.

Với thực tế phụ nữ và trẻ em gái là nạn nhân chính của nạn buôn bán người, Trợ lý Bộ trưởng Dương Chí Dũng khẳng định giáo dục chính là chìa khóa vì thông qua đó, phụ nữ và trẻ em gái được trang bị những biện pháp và công cụ nhằm tự bảo vệ bản thân, trong đó có việc được đào tạo những kỹ năng cần thiết để có thể tự lập về tài chính.

Trợ lý Bộ trưởng Dương Chí Dũng cũng chia sẻ với bạn bè quốc tế về những nỗ lực của Việt Nam trong công tác phòng chống nạn buôn người như gia nhập các công ước quốc tế, các sáng kiến khu vực, tiểu vùng và song phương như Công ước quốc tế về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, Tuyên bố ASEAN về chống buôn bán người, đặc biệt phụ nữ và trẻ em, Tiến trình Bali, Sáng kiến phối hợp cấp Bộ trưởng về phòng chống buôn bán người khu vực tiểu vùng sông Mekong (COMMIT)...; ban hành các đạo luật và chương trình quốc gia về phòng, chống buôn bán người.

Đặc biệt, Trợ lý Bộ trưởng nhấn mạnh tính hiệu quả của các mô hình theo sáng kiến của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam như Ngôi nhà bình yên, đường dây nóng phòng, chống mua bán người... trong việc giải cứu và cung cấp cho các nạn nhân bị buôn bán chỗ trú ẩn an toàn, hỗ trợ phục hồi về tâm lý và thể chất cũng như các kỹ năng để có thể sớm hòa nhập lại với cuộc sống.

Tiếp theo phát biểu của Trợ lý Bộ trưởng Dương Chí Dũng, phát biểu của các diễn giả và cử tọa đã tập trung nêu bật những thách thức trong việc phòng, chống nạn buôn người; khẳng định vai trò quan trọng của giáo dục, đào tạo như một giải pháp hiệu quả để nâng cao nhận thức nhằm chống lại nạn buôn bán người, trong đó có các chương trình giáo dục hướng đến các đối tượng khác nhau như phụ nữ và trẻ em gái, những người thực thi pháp luật, chính quyền và người dân ở những địa phương là điểm nóng về vấn nạn này, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết thúc đẩy hợp tác khu vực và quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh gia tăng các luồng lao động di cư xuyên biên giới.

Bên cạnh việc kiện toàn hệ thống pháp lý quốc gia và quốc tế, các nước cũng chia sẻ một số biện pháp cụ thể đang được triển khai nhằm giải quyết vấn đề này như các thỏa thuận song phương giữa Philippines và các quốc gia khác nhằm bảo vệ người lao động Philippines ở nước ngoài; những trang web hoặc đường dây nóng mà người dân có thể dễ dàng thông báo cho các cơ quan chức năng Trung Quốc khi có nghi ngờ về tình trạng buôn bán người đang xảy ra; sự tham gia của chính các nạn nhân bị buôn bán vào quá trình xây dựng và triển khai các biện pháp phòng, chống nạn buôn người của Chính phủ Mỹ...

tọa đàm quốc tế về "Giáo dục phụ nữ và trẻ em gái nhằm phòng, chống nạn buôn bán người" là hoạt động nằm trong chuỗi các sáng kiến và đóng góp thiết thực của Việt Nam với tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục