Việt Nam triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính

Việt Nam xây dựng các phương án giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong từng lĩnh vực cụ thể như năng lượng, nông nghiệp, LULUCF với tiềm năng giảm phát khí thải nhà kính gần 1.100 triệu tấn CO2.
Việt Nam triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Băng tan, nước biển dâng cao, tần số của các cơn bão và lốc xoáy mạnh cùng với lũ lụt, hạn hán tăng lên, gây thiệt hại nặng nề cho con người. Đó là những hậu quả của hiệu ứng nhà kính làm bầu khí quyển Trái đất nóng lên mà nguyên nhân là các khí thải sản sinh trong quá trình hoạt động của con người.

Vì vậy, giảm phát thải khí nhà kính đang được nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Việt Nam - một trong những nước dễ bị tổn thương nhất do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu - hết sức quan tâm.

Việt Nam đã và đang chủ động phát huy nội lực, kêu gọi hỗ trợ quốc tế tiến hành các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng nền kinh tế cácbon thấp theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững.

Phát thải khí nhà kính vẫn đang tăng

Ông Tamai Akihio, Cựu cố vấn trưởng của Dự án “Tăng cường năng lực kiểm kê quốc gia khí nhà kính tại Việt Nam” do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ cho biết qua kiểm kê quốc gia khí nhà kính tại Việt Nam năm 2010 đã xác định và phân tích 28 nguồn phát thải, hấp thụ chính trong trường hợp không có lĩnh vực sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp (LULUCF) và 33 nguồn phát thải, hấp thụ chính trong trường hợp có LULUCF.

Trong năm 2010, tổng lượng phát thải khí nhà kính tại Việt Nam là 246,8 triệu tấn CO2 tương đương bao gồm lĩnh vực sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp (LULUCF) và 266 triệu tấn CO2 tương đương không bao gồm LULUCF.

Phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng chiếm tỷ trọng lớn nhất là 53,05% tổng lượng phát thải không tính LULUCF, tiếp theo là lĩnh vực nông nghiệp chiếm 33,20%. Phát thải từ các lĩnh vực quá trình công nghiệp và chất thải tương ứng là 7,97% và 5,87%.

Trong lĩnh vực năng lượng, tổng phát thải khí nhà kính trong năm 2010 là 141.170.800 tấn CO2 tương đương. Phát thải khí nhà kính do đốt nhiên liệu trong năm 2010 là 124.275.000 tấn CO2 tương đương.

Trong đó phát thải nhiều nhất là các phân ngành công nghiệp năng lượng (41.057.900 tấn), công nghiệp sản xuất và xây dựng (38.077.600 tấn) và giao thông vận tải (31.817.900 tấn).

Phát thải khí nhà kính do phát tán (chủ yếu xảy ra trong quá trình khai thác, xử lý, bảo quản và vận chuyển nhiên liệu hóa thạch đến điểm sử dụng cuối cùng) là 16.895.800 tấn CO2 tương đương, trong đó phát thải từ khai thác than là 2.243.100 tấn, từ khai thác dầu, khí đốt tự nhiên là 14.652.700 tấn.

Phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực các quá trình công nghiệp được ước tính từ các hoạt động công nghiệp không liên quan đến lĩnh vực năng lượng. Nguồn phát thải chính là từ các quá trình chuyển đổi về hóa học hay vật lý của các loại nguyên liệu thô.

Đối với năm 2010, việc tính toán phát thải khí nhà kính từ lĩnh vực này chỉ được thực hiện cho hai ngành sản xuất ximăng và sản xuất vôi.

Với các ngành khác như sản xuất NH3, sản xuất cácbua (trong ngành công nghiệp hóa chất) và sản xuất thép (trong ngành luyện kim) không tính phát thải vì số liệu về nhiên liệu dùng trong các phân ngành trên đã được tính chung trong lĩnh vực năng lượng.

Tổng lượng CO2 phát thải từ lĩnh vực các quá trình công nghiệp năm 2010 là 21.172.000 tấn, trong đó từ sản xuất xi măng là 20.07.000 tấn, chiếm 94,8%; sản xuất vôi là 1.095.000 tấn, chiếm 5,2%.

Kiểm kê khí nhà kính cho lĩnh vực nông nghiệp được thực hiện cho 6 nguồn phát thải bao gồm: quá trình tiêu hóa thức ăn, quản lý phân bón, canh tác lúa, đất nông nghiệp, đốt đồng cỏ và đốt phụ phẩm nông nghiệp.

Tổng phát thải khí nhà kính năm 2010 trong lĩnh vực nông nghiệp là 88.354.770 tấn CO2 tương đương, trong đó phát thải từ canh tác lúa nước chiếm 50,49%, từ quá trình tiêu hóa thức ăn: 10,72%, từ quản lý phân bón: 9,69%, từ đất nông nghiệp: 26,95%, từ đốt phụ phẩm nông nghiệp: 2,15%.

Phát thải, hấp thụ khí nhà kính trong lĩnh vực LULUCF chủ yếu xảy ra trong quá trình thay đổi trữ lượng rừng và sinh khối, quá trình sử dụng đất và thay đổi sử dụng đất. Tổng lượng phát thải từ lĩnh vực LULUCF năm 2010 là -19.219.000 tấn tương đương.

Phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực chất thải được ước tính từ năm nguồn chính: bãi chôn lấp rác thải, xử lý nước thải công nghiệp, xử lý nước thải sinh hoạt, chất thải của người và đốt chất thải.

Tổng lượng phát thải khí nhà kính từ lĩnh vực chất thải trong năm 2010 là 15.352.000 tấn CO2 tương đương, trong đó chủ yếu phát thải từ nước thải sinh hoạt là 6.827.000 tấn CO2 tương đương, chiếm 44,5% và phát thải từ các bãi chôn lấp rác là 5 triệu tấn CO2 tương đương, chiếm 32,6%.

Trong giai đoạn từ 1994 đến 2010, tổng phát thải khí nhà kính ở Việt Nam (bao gồm LULUCF) tăng nhanh từ 103,8 triệu tấn CO2 tương đương lên 246,8 triệu tấn CO2 tương đương, trong đó lĩnh vực năng lượng tăng nhanh nhất từ 25,6 triệu tấn CO2 tương đương lên 141,2 triệu tấn CO2 tương đương và cũng là lĩnh vực phát thải nhiều nhất năm 2010.

Tiếp theo là lĩnh vực chất thải cũng tăng nhanh từ 2,6 triệu tấn CO2 tương đương lên 15,4 triệu tấn CO2 tương đương.

Phát thải trong lĩnh vực nông nghiệp tăng chậm. Riêng LULUCF đã chuyển từ phát thải sang hấp thụ khí nhà kính.

Ước tính tổng lượng phát thải khí nhà kính trong bốn lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, LULUCF và chất thải năm 2010 là 225,6 triệu tấn CO2 tương đương tăng lên 466 triệu tấn vào năm 2020 và 760,5 triệu tấn vào năm 2030.

Lĩnh vực năng lượng vẫn là nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất với 381,1 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2020 và 648,5 triệu tấn vào năm 2030.

Triển khai các hoạt động giảm nhẹ phát thải

Theo bà Huỳnh Thị Lan Hương, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, thể chế để thực hiện Các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia (NAMA) hiện nay ở Việt Nam đang trong giai đoạn hoàn thiện.

Một số hoạt động như tăng cường năng lực, hỗ trợ kỹ thuật để xây dựng các kịch bản cơ sở, kịch bản giảm phát thải... đang được tiến hành.

Bên cạnh đó, năng lực của các Bộ, ngành liên quan trong việc xây dựng NAMA cũng như năng lực giám sát, đánh giá các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính còn hạn chế.

Một số đề xuất NAMA trong các lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp, lâm nghiệp và quản lý chất thải ở Việt Nam đã được xây dựng nhưng chưa tiếp cận được các nguồn hỗ trợ quốc tế.

Trong thời gian qua, Dự án “Tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện và sẵn sàng cho các hoạt động giảm nhẹ phát thải” (FIRM) do Cơ quan Phát triển quốc tế Đan Mạch tài trợ đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện.

Mục tiêu của Dự án là hỗ trợ các nỗ lực giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, góp phần phát triển nền kinh tế theo hướng cácbon thấp, tăng trưởng xanh tại Việt Nam. Dự án góp phần loại bỏ các rào cản phi tài chính trong nước nhằm xây dựng và thực hiện thí điểm các NAMA ưu tiên.

Trong Dự án này, hai NAMA được xây dựng để đăng ký là Chương trình hỗ trợ phát triển điện gió ở Việt Nam và NAMA về sản xuất điện khí sinh học tại các trang trại nuôi lợn quy mô trung bình và lớn.

Cũng trong thời gian qua, Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương đã xây dựng Hồ sơ đề xuất NAMA “Quỹ phát triển năng lượng tái tạo - Cơ chế GET FiT Việt Nam” gửi NAMA Facility để xem xét hỗ trợ thực hiện.

Dự án này sẽ hỗ trợ thúc đẩy đầu tư công và tư vào ngành năng lượng tái tạo nhằm đạt được mục tiêu về phát triển năng lượng tái tạo trong Quy hoạch điện VII, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.

Ông Nguyễn Minh Bảo, Viện Năng lượng, Bộ Công Thương cho biết: Tính đến tháng 6/2014, Việt Nam có 253 dự án Cơ chế Phát triển sạch (CDM); 11 Chương trình hoạt động theo CDM (PoA) được đăng ký; 10.068.987 Chứng chỉ giảm phát thải được chứng nhận (CER) được Ban chấp hành quốc tế về CDM (EB) cấp thông qua các hoạt động CDM.

Tổng lượng khí nhà kính giảm được của 253 dự án CDM khoảng 137 triệu tấn CO2 tương đương trong thời kỳ tín dụng.

Trên thế giới, Việt Nam được xếp thứ 4 về số lượng dự án CDM được đăng ký và xếp thứ 11 về lượng CER được cấp.

Trong số các dự án CDM nói trên, dự án thuộc lĩnh vực năng lượng chiếm 88,19%, xử lý chất thải 9,96%, trồng rừng và tái trồng rừng 0,37% và các loại dự án khác 1,48%.

Việt Nam và Nhật Bản cũng ký kết Bản ghi nhớ hợp tác về tăng trưởng cácbon thấp vào tháng 7/2013. Bộ Tài nguyên và Môi trường được Chính phủ giao chủ trì đàm phán với phía Nhật Bản để thành lập Ủy ban hỗn hợp về Cơ chế tín chỉ chung (JCM), ban hành hướng dẫn thực hiện JCM tại Việt Nam.

Hiện Thông tư hướng dẫn về thực hiện JCM đang được xây dựng. Dự kiến 28 dự án JCM đang trong giai đoạn nghiên cứu khả thi (do phía Nhật Bản đề xuất), có tổng tiềm năng giảm phát thải khoảng 10 triệu tấn CO2 tương đương/năm. Trong đó, có 18 dự án thuộc lĩnh vực năng lượng, 4 dự án giao thông vận tải, 4 dự án quản lý chất thải và 3 dự án lâm nghiệp.

Xây dựng các phương án giảm nhẹ khí nhà kính

Theo Báo cáo cập nhật hai năm một lần lần thứ nhất của Việt Nam cho Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu, dựa trên các ước tính phát thải khí nhà kính đến năm 2030, Việt Nam đã xây dựng các phương án giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong từng lĩnh vực cụ thể.

6 phương án giảm nhẹ khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng được xây dựng dựa trên kịch bản phát triển thông thường (BAU), với giả thiết có thêm các chính sách mới để hỗ trợ phát triển các công nghệ giảm nhẹ khí nhà kính, bao gồm các công nghệ tiết kiệm năng lượng và năng lượng tái tạo.

Các phương án giảm nhẹ được xem xét, đánh giá hiệu quả, chi phí gia tăng, tiềm năng và lợi ích giảm phát thải so với BAU. Tổng tiềm năng giảm phát thải trong lĩnh vực năng lượng là 237,303 triệu tấn CO2 tương đương.

Cụ thể là sử dụng điều hòa nhiệt độ có hiệu suất cao có tiềm năng giảm phát thải là 39,1 triệu tấn CO2 tương đương; chuyển đổi sử dụng LPG thay xăng trong giao thông vận tải có tiềm năng giảm phát thải là 4,7 triệu tấn CO2 tương đương; chuyển đổi sử dụng ethanol thay xăng trong giao thông vận tải có tiềm năng giảm phát thải là 12,3 triệu tấn CO2 tương đương; phát triển nhiệt điện sinh khối có tiềm năng giảm phát thải là 57,3 triệu tấn CO2 tương đương; phát triển thủy điện nhỏ có tiềm năng giảm phát thải là 55,7 triệu tấn CO2 tương đương; phát triển điện gió có tiềm năng giảm phát thải là 68,1 triệu tấn CO2.

Hai phương án giảm nhẹ khí nhà kính trong nông nghiệp cũng được xây dựng. Phương án 1 là áp dụng nông lộ phơi, tưới khô ướt xen kẽ hoặc hệ thống canh tác lúa cải tiến.

Theo phương án này, đến năm 2030 sẽ thực hiện việc chủ động tưới tiêu nước theo yêu cầu của cây lúa cho 2,3 triệu ha ruộng lúa thuộc các vùng đồng bằng có chủ động tưới tiêu. Diện tích ruộng lúa được thực hiện theo phương án này như sau: 90.000ha vào năm 2010, 1,5 triệu ha vào năm 2020 và 2,3 triệu ha vào năm 2030.

Tiềm năng giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của phương án này là 1,47 triệu tấn CO2 tương đương.

Phương án 2 là tái sử dụng phế phụ phẩm lúa làm phân ủ compost. Theo phương án này, đến năm 2030 sẽ thực hiện trên 51% diện tích đất lúa, tương đương khoảng 3,6 triệu ha.

Diện tích được thực hiện theo phương án này như sau: 0,1 triệu ha vào năm 2010, 2,5 triệu ha vào năm 2020 và 3,6 triệu ha vào năm 2030.

Tiềm năng giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của phương án này là 9,34 triệu tấn CO2 tương đương.

Trong lĩnh vực LULUCF, có 3 phương án giảm nhẹ phát thải khí nhà kính được xây dựng với tổng tiềm năng giảm phát thải là 792 triệu tấn CO2.

Theo phương án “Trồng rừng hỗn giao các loài cây bản địa gỗ lớn theo phương thức trồng tập trung”, một triệu ha các loài cây Giổi xanh, Sao đen và Giáng hương được trồng trong vòng 10 năm, tốc độ trồng là 100.000 ha/năm trên diện tích đất trống hay đất nương rẫy mới bỏ hoang có độ dày tầng đất mặt lớn hơn hoặc bằng 40cm với mật độ 1.660 cây/ha và chu kỳ 30 năm. Tiềm năng tăng cường bể hấp thụ khí nhà kính là 504,17 triệu tấn CO2.

Với phương án “Khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh rừng kết hợp trồng bổ sung cây bản địa dưới tán rừng”, 0,5 triệu ha các loài cây Sao đen, Lim xanh được trồng trong vòng năm năm, tốc độ trồng là 100.000 ha/năm trên diện tích rừng nghèo kiệt với mật độ 500 cây/ha theo băng hoặc theo đám và chu kỳ 30 năm. Tiềm năng tăng cường bể hấp thụ khí nhà kính là 151,29 triệu tấn CO2.

Theo phương án “Quản lý rừng cộng đồng theo chủ trương xã hội hóa nghề rừng kết hợp trồng bổ sung cây bản địa dưới tán rừng”, 0,25 triệu ha rừng tự nhiên hiện có được bảo vệ kết hợp trồng cây lâm sản dưới tán rừng trong khoảng thời gian 30 năm.

Loài cây được trồng dưới tán là Song mây và Sa nhân trong vòng năm năm đầu, mật độ trồng Song mây 2.000 cây/ha và Sa nhân 3.000 cây/ha. Tiềm năng tăng cường bể hấp thụ khí nhà kính là 137,30 triệu tấn CO2.

Ông Nguyễn Minh Bảo, Viện Năng lượng, Bộ Công Thương cho biết số liệu cho tính toán chi phí giảm phát thải khí nhà kính còn hạn chế, do vậy cần tiếp tục cập nhật và bổ sung số liệu cho các lần báo cáo tiếp theo.

Cần xem xét và đề xuất các dự án cụ thể trên cơ sở các phương án giảm nhẹ khí nhà kính có chi phí thấp nhất và mang lại hiệu quả kinh tế, trong đó tập trung vào các lĩnh vực có tiềm năng giảm phát thải lớn. Như vậy, những nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam sẽ đạt được những kết quả tích cực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục