Việt Nam và Đan Mạch thắt chặt quan hệ thương mại và đầu tư

Hội thảo Doanh nghiệp Việt Nam-Đan Mạch đã được tổ chức ngày 19/1, tại Hà Nội nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại, xuất khẩu giữa hai nước.
Việt Nam và Đan Mạch thắt chặt quan hệ thương mại và đầu tư ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

“Chính sách đối ngoại của Đan Mạch luôn dành ưu tiên cho Việt Nam cả về mặt chính trị lẫn kinh tế với mong muốn được thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác và sự hợp tác chặt chẽ giữa hai nước” - Bộ trưởng Thương mại và Hợp tác Phát triển Đan Mạch Mogens Jensen đã khẳng định như vậy tại Hội thảo Doanh nghiệp Việt Nam-Đan Mạch do Bộ Công Thương tổ chức chiều 19/1, tại Hà Nội.

Hội thảo này nằm trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam với mục đích củng cố mối quan hệ đối tác tốt đẹp và thúc đẩy hợp tác thương mại tích cực giữa Việt Nam và Đan Mạch thông qua các cuộc hội đàm cấp cao và gặp gỡ tiếp xúc giữa các doanh nghiệp hai nước.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, kể từ năm 1994, Đan Mạch đã hỗ trợ phát triển cho Việt Nam 1,3 tỷ USD. Qua sự hỗ trợ này, Đan Mạch đã góp phần vào sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế và xã hội diễn ra ở Việt Nam.

Thương mại hai chiều giữa Đan Mạch và Việt Nam đã phát triển tích cực kể từ năm 2009 với mức tăng trưởng lên đến 75%. Đầu tư của Việt Nam vào Đan Mạch đã tăng gần gấp đôi kể từ cùng thời gian và đầu tư của Đan Mạch và Việt Nam đã tăng gần gấp ba lần.

Hiện nay, có hơn 130 công ty Đan Mạch đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Đặc biệt, lễ ký thỏa thuận Đối tác toàn diện năm 2013 giữa hai nước đã thắt chặt và củng cố thêm những hoạt động đối thoại về chính trị, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Đan Mạch.

Đan Mạch hiện là đất nước xuất khẩu lớn thứ ba trong cộng đồng EU tại Việt Nam (tính trên đầu người). Với hơn 130 công ty Đan Mạch đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam tập trung vào các lĩnh vực đồ gỗ và dệt may; năng lượng hiệu quả và môi trường (công nghệ sạch); công nghệ thông tin và truyền thông, đồ điện tử và phần mềm; vận tải và hậu cần (đường biển); thực phẩm và an toàn thực phẩm; sức khỏe...

Ông Thomas Bustrup, Phó Giám đốc Liên đoàn Công nghiệp Đan Mạch cũng đánh giá cao việc hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong suốt những năm qua. Tiến trình đàm phán thương mại tự do giữa Việt Nam và khối liên minh Châu Âu đang đến giai đoạn kết thúc.

Đây sẽ là một cột mốc mới trong quan hệ chặt chẽ giữa hai nền kinh tế Việt Nam và Đan Mạch. "Đáng chú ý là kim ngạch xuất khẩu của Đan Mạch sang Việt Nam hiện đang cao hơn kim ngạch bình quân của 15 nước trong khối EU nên chúng tôi tin tưởng rằng đoàn doanh nghiệp đến Việt Nam lần này sẽ tích cực hỗ trợ các hoạt động kinh doanh thương mại hiện nay, góp phần tăng cường hơn nữa giao thương giữa hai nước" - ông Thomas Bustrup bày tỏ.

Cũng vào chiều 19/1, Bộ trưởng Thương mại và Hợp tác Phát triển Đan Mạch và Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chứng kiến công ty Haidor Topsoe và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) ký Biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực chế biến dầu khí, trong đó sử dụng công nghệ tối ưu và thân thiện môi trường của Topsoe.

Biên bản ghi nhớ thể hiện mối quan tâm hợp tác nhằm tạo ra phương pháp tối ưu và thân thiện với môi trường ở Việt Nam trong lĩnh vực khí gas ở Việt Nam liên quan đến sản xuất hóa chất như ammoniac, methanol, aromatic...và cả trong lĩnh vực năng lượng.

Thêm vào đó, Topsoe và PVN đã đồng ý cùng nhau đánh giá công nghệ Sluphuric Acid ướt của Topsoe như một phương pháp thay thế cho quy trình loại bỏ sulphur trong các nhà máy sẵn có và cả nhà máy mới.

Công nghệ này có thể giúp Việt Nam tìm hiểu thêm về các loại phân bón không dựa trên nitrogen. Công nghệ này rất phù hợp với quá trình kiểm soát sulphur trong cả lĩnh vực công nghiệp năng lượng và lọc dầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục