Việt Nam và Nhật Bản hợp tác trong phát triển nguồn nhân lực

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, trong hợp tác với Nhật Bản - một nước có nền công nghiệp tiên tiến hàng đầu trên thế giới, Việt Nam luôn đánh giá cao và rất coi trọng vấn đề hợp tác đào tạo nhân lực.
Việt Nam và Nhật Bản hợp tác trong phát triển nguồn nhân lực ảnh 1Đoàn Việt Nam trong một buổi làm việc tại Nhật. (Nguồn: TTXVN)

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản từ 24-30/8, đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu đã đến thăm và làm việc tại Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản. Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền.

Tại cuộc gặp, Bộ trưởng Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản Yasuhisa Shiozaki nhấn mạnh trong bối cảnh quan hệ hai nước được thúc đẩy mạnh mẽ, rất tốt đẹp, thân thiết, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản muốn góp phần vun đắp quan hệ song phương. Nhân chuyến thăm của đoàn lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam tới Nhật Bản vào tháng Bảy, hai bộ đã ký bản ghi nhớ hợp tác song phương trong nhiều lĩnh vực.

Theo Bộ trưởng Shiozaki, Bộ Y tế, Lao động Phúc lợi Nhật Bản cũng muốn học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam, bày tỏ mong muốn sẵn sàng hợp tác với các đề xuất của Việt Nam.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng quan hệ Việt Nam-Nhật Bản đang hết sức tốt đẹp trong mọi lĩnh vực, đồng thời bày tỏ cám ơn Chính phủ Nhật Bản và Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội đã hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực phái cử và tiếp nhận tu nghiệp sinh Việt Nam.

Trước đó cùng ngày, đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã tham dự Hội thảo “Phát triển kinh tế Việt Nam và đào tạo nguồn nhân lực” do Bộ Lao động, Thương binh, Xã hội và Tổ chức phát triển nguồn nhân lực quốc tế IM Japan đồng chủ trì.

Phát biểu tại hội thảo, sau khi điểm lại những thành tựu quan trọng trong quan hệ Việt Nam-Nhật Bản, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết để đạt được mục tiêu cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, Việt Nam rất coi trọng công tác phát triển nguồn nhân lực, đào tạo một đội ngũ công nhân kỹ thuật có tay nghề cao, có kỷ luật, tác phong công nghiệp và làm chủ những công nghệ hiện đại. Chính vì vậy, trong hợp tác với Nhật Bản - một nước có nền công nghiệp tiên tiến hàng đầu trên thế giới, Việt Nam luôn đánh giá cao và rất coi trọng vấn đề hợp tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá cao sự hợp tác của Tổ chức IM Japan trong việc tiếp nhận thực tập sinh của Việt Nam, đóng góp cho việc gây quỹ để triển khai dự án hỗ trợ đào tạo cho thanh niên nghèo ở các khu vực có nhiều khó khăn của Việt Nam; đồng thời hy vọng rằng, trong thời gian tới, Tổ chức IM Japan sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn nữa với phía Việt Nam để đẩy mạnh các chương trình mà hai bên đã ký kết.

Trong bài tham luận của mình, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết Việt Nam rất coi trọng việc hợp tác với Nhật Bản trong lĩnh vực đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam đã triển khai các hoạt động hợp tác với các cơ quan chức năng và các tổ chức của Nhật Bản, tổ chức thực hiện nhiều dự án hợp tác phát triển nguồn nhân lực, trong đó có chương trình phái cử và tiếp nhận thực tập sinh sang thực tập kỹ năng tại Nhật Bản, dự án đưa điều dưỡng, hộ lý Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản theo Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA).

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng chú trọng việc bố trí lại công việc cho thực tập sinh sau khi về nước, đặc biệt là công tác hỗ trợ cho thực tập sinh khi họ có nguyện vọng được vào làm việc ở các nhà máy, xí nghiệp có vốn đầu tư của Nhật Bản để phát huy được hiệu quả hơn những kiến thức đã tiếp thu được trong quá trình thực tập tại Nhật Bản.

Kể từ khi Nhật Bản chính thức tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam năm 1992 đến nay, đã có trên 80.000 lượt thanh niên Việt Nam tới thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản. Những thực tập sinh sau khi hoàn thành chương trình thực tập tại các xí nghiệp, nhà máy, các cơ sở nông nghiệp, ngư nghiệp... của Nhật Bản, khi trở về nước sẽ trở thành những người lao động có kỹ năng, có ý thức kỷ luật cao góp phần vào sự nghiệp phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Hội thảo thu hút hơn 700 đại diện các công ty, doanh nghiệp đã hoặc quan tâm tới việc tiếp nhận tu nghiệp sinh Việt Nam cùng nhiều chính trị gia như Nghị sỹ Takebe Arata, cố vấn đặc biệt Liên minh nghị sỹ hữu nghị Nhật-Việt Takebe Tsutomu.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục