Việt Nam vẫn sẽ là đối tác lớn nhất của Nhật Bản về ODA

Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam cho biết trong năm tài khóa 2015, dự kiến JICA sẽ hợp tác đầu tư 13 dự án hợp tác kỹ thuật mới và 83 khóa đào tạo.
Việt Nam vẫn sẽ là đối tác lớn nhất của Nhật Bản về ODA ảnh 1Lễ ký hợp đồng EPC dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Tại cuộc họp báo hàng năm của Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức tại Hà Nội ngày 1/4, ông Mori Mutsuya, Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam, cho biết trong năm tài khóa 2015, dự kiến JICA sẽ hợp tác đầu tư 13 dự án hợp tác kỹ thuật mới và 83 khóa đào tạo.

Theo kế hoạch, JICA sẽ vẫn tiếp tục duy trì quan hệ chặt chẽ và hợp tác với Chính phủ Việt Nam như một đối tác lớn nhất của Nhật Bản.

Theo định hướng của JICA trong tài khóa 2015, các nguồn vốn hỗ trợ chủ yếu tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng, hoàn thiện giao thông đô thị, cải thiện đời sống xã hội của Việt Nam, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế...

Hiện tại, JICA đang thực hiện hơn 150 dự án hợp tác kỹ thuật và hợp tác vốn vay.

Với số lượng trên, Việt Nam hiện đang là quốc gia đứng đầu cả về số lượng và tổng kinh phí trong các quốc gia nhận viện trợ trên thế giới mà JICA đang hợp tác hỗ trợ.

Về phát triển cơ sở hạ tầng, ông Mori Mutsuya cho biết Việt Nam và Nhật Bản đã ký Hiệp định vốn vay khoảng 36,3 tỷ yen (gần 6.542 tỷ đồng) cho Dự án xây dựng Nhà máy nhiệt điện Thái Bình và đường dây truyền tải điện (giai đoạn 2).

Mới đây, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng vừa ký Công hàm trao đổi về cung cấp vốn vay ODA với tổng kinh phí khoảng 112,4 tỷ yen (gần 20.256 tỷ đồng) cho bảy dự án.

Tuy nhiên, ông Mori Mutsuya cũng cho biết với nhiều lý do khác nhau (chủ yếu là về thủ tục) nên hiện hai bên mới chỉ ký được hai hiệp định vay vốn là Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (giai đoạn 5), và “Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc Nam (đoạn Bến Lức-Long Thành giai đoạn 2) với tổng kinh phí 46,328 tỷ yen (gần 8.349 tỷ đồng).

Ông Mori Mutsuya cho biết thêm: “Trong năm tài khóa 2015, JICA sẽ nỗ lực để ký kết vốn vay ODA cho Việt Nam với số vốn tối thiểu bằng năm 2013 (khoảng 165,6 tỷ yen). Tuy nhiên, điều này thực hiện được hay không còn tùy thuộc vào phía Việt Nam vì thủ tục hành chính của Việt Nam còn khá phức tạp.”

Phát huy sử dụng những công nghệ và kinh nghiệm của Nhật Bản, JICA đã và đang hợp tác góp phần nâng cao đời sống xã hội của người dân Việt Nam. Theo đó, JICA giúp Việt Nam thiết lập vận hành đường dây nóng miễn phí về phòng chống mua bán người và hỗ trợ hòa nhập cho các nạn nhân (số đường dây nóng: 1800-1567).

JICA còn triển khai dự án Sổ tay sức khỏe bà mẹ và trẻ em, thu hẹp khoảng cách về chăm sóc sức khỏe y tế và hợp tác hỗ trợ y tế dự phòng.

Ngoài ra, trong tài khóa 2015, JICA cũng sẽ giúp Việt Nam tăng cường năng lực cạnh tranh quốc tế trong bối cảnh việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm nay và việc chuẩn bị gia nhập Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Theo đó, JICA sẽ tập trung vào các dự án nhằm mở rộng cơ hội kinh doanh nhờ phát triển quan hệ đối tác với các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản; cải cách doanh nghiệp nhà nước và xử lý nợ xấu; sửa đổi Luật Cạnh tranh, hỗ trợ thực thi Luật Sở hữu trí tuệ...

Trong năm 2014, JICA đã giúp Việt Nam hoàn thành ba dự án lớn là Nhà ga hành khách T2 sân bay quốc tế Nội Bài; cầu Nhật Tân và đường Võ Nguyên Giáp.

Các dự án trên giúp thời gian di chuyển từ sân bay đến trung tâm thành phố Hà Nội rút ngắn được khoảng 20 phút, và cửa ngõ quốc tế mới này được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và tăng cường năng lực cạnh tranh quốc tế của Việt Nam.

Việc hoàn thành ba dự án đã để lại ấn tượng tốt trong lòng mọi người như một biểu tượng cho mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, năm 2014, JICA cũng giúp chính phủ Việt Nam ban hành tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP) hướng tới phổ biến sản xuất cây trồng an toàn một cách bền vững và nâng cao đời sống cho người nông dân.

Ngoài ra, năm 2014, JICA cũng cùng với ADB hỗ trợ Việt Nam thực hiện Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc Nam (đoạn Thành phố Hồ Chí Minh-Dầu Giây); cải tạo đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục