Việt Nam-Ba Lan trao đổi kinh nghiệm phát triển nông nghiệp

Các chuyên gia hai nước đã trao đổi về những vấn đề khá tương đồng giữa Ba Lan và Việt Nam liên quan tới phát triển nông nghiệp và nông thôn.

Ngày 4/4, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Viện Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan), tổ chức Tọa đàm “Phát triển nông nghiệp và nông thôn trong quá trình chuyển đổi và hội nhập - Kinh nghiệm của Ba Lan và gợi mở cho Việt Nam.”

Các chuyên gia của hai nước đã cùng trao đổi về những vấn đề khá tương đồng giữa Ba Lan và Việt Nam như phát triển bền vững, đa dạng hóa không gian phát triển khu vực nông thôn, vốn con người và nguồn lực xã hội nông thôn, vai trò của giáo dục…

Trong thập kỷ chuyển đổi đầu tiên, những năm 1990, Ba Lan có sự chênh lệch khá lớn giữa các thành phần kinh tế, các khu vực nông thôn và thành thị, nhưng hiện nay khoảng cách này đã được thu hẹp nhiều.

Giáo sư Krystyna Szafraniec, Viện Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ba Lan cho biết có nhiều thay đổi làm cho Ba Lan bước vào một vị thế mới, những thay đổi ở nhóm nông dân rất rõ rệt. Có được sự thay đổi này là nhờ sự hỗ trợ về vốn từ Liên minh châu Âu. Từ đó nông dân suy nghĩ khác xưa, họ không còn muốn bán nông trại nữa mà yên tâm sản xuất. Thế hệ nông dân mới trông chờ vào nguồn hỗ trợ của Chính phủ khi gặp rủi ro trong sản xuất nông nghiệp. Quan điểm, tư duy, thái độ của nông dân có sự thay đổi theo hướng kinh tế thị trường nhiều hơn.

Theo các chuyên gia Ba Lan, trong giai đoạn hội nhập dân số ở nông thôn ngày càng có xu hướng tăng lên, có sự phân cực giữa hai trục phát triển Đông và Tây, vùng trung tâm và ngoại vi… Cùng với phát triển kinh tế, nền giáo dục nói chung cũng tốt hơn. Tuy nhiên, giới trẻ hiện nay chọn ngành học về nông nghiệp không còn nhiều, cũng là một nguyên nhân gây nên tình trạng thất nghiệp trong giới học thức cao gia tăng.

Phó giáo sư tiến sỹ Nguyễn An Hà, Viện trưởng Viện nghiên cứu châu Âu cho rằng, những nghiên cứu của các chuyên gia Ba Lan gợi mở nhiểu vấn đề cần quan tâm về chính sách hỗ trợ nông nghiệp theo hướng bền vững, “ly nông không ly hương,” di cư nội địa, sử dụng nguồn lực xã hội nông thôn.

Nghiên cứu về đa dạng hóa không gian phát triển của khu vực nông thôn đưa ra dự báo cũng như làm nguồn phục vụ công tác quy hoạch khu vực nông nghiệp, nông thôn…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục