Việt Nam-Bulgaria chia sẻ kinh nghiệm tái chế dầu nhờn

Tại Việt Nam, việc thu hồi, xử lý, tái chế dầu thải mang tính tự phát với công nghệ còn lạc hậu đã dẫn đến lãng phí.
Việt Nam-Bulgaria chia sẻ kinh nghiệm tái chế dầu nhờn ảnh 1Lễ ký Bản ghi nhớ về cam kết hợp tác giữa Công ty PV Oil Lube và Công ty Prista Recycling (Bulgaria). (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Ngày 8/4, tại Hà Nội, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) phối hợp với Tập đoàn Prista Oil (Bulgaria) tổ chức hội thảo trao đổi kinh nghiệm về việc quản lý, thu gom, xử lý, tái chế dầu nhờn để bảo vệ môi trường và thực trạng tại Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, ông Đỗ Văn Hậu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cho biết trên thế giới, hầu hết các quốc gia đều có quy định chặt chẽ việc sản xuất, phân phối và xử lý, tái chế dầu thải.

Ở Mỹ hàng năm lượng dầu thu hồi trên 1,4 triệu m3, sau khi tái chế có thể sử dụng cho trên 50 triệu xe ôtô/năm. Tại châu Âu lượng dầu thải thu hồi xử lý trên 2,5 triệu tấn/năm.

Tại Việt Nam, nhà nước mới chỉ có quy định về việc thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ nói chung; việc thu hồi, xử lý, tái chế dầu thải mang tính tự phát với công nghệ còn lạc hậu đã dẫn đến lãng phí nguồn tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường, gây nguy hiểm an toàn cháy nổ cao cho người lao động, sản phẩm ra chất lượng thấp, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của động cơ.

Vì vậy việc chia sẻ kinh nghiệm của các nhà quản lý, nhà khoa học, các doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ là bài học quý giá cho việc nghiên cứu xây dựng chính sách quản lý cũng như việc xem xét, nghiên cứu đầu tư dự án thu hồi và xử lý tái chế dầu tại Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Xuân Sơn, Tổng giám đốc Tổng Công ty dầu Việt Nam (PV Oil), Công ty Cổ phẩn Dầu nhờn PV Oil Lube của PV Oil đã từng nghiên cứu vấn đề thu gom, xử lý, tái chế dầu nhờn và mong muốn liên kết với các đối tác để thành lập liên doanh đầu tư vào lĩnh vực này.

Theo đánh giá tiềm năng thị trường dầu nhờn của Việt Nam rất lớn. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang gặp nhiều khó khăn cho việc phát triển lĩnh vực này vì hành lang pháp lý còn thiếu. Bên cạnh đó, việc quản lý, thu gom, xử lý dầu nhờn đã qua sử dụng để bảo vệ môi trường là lĩnh vực Việt Nam vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm.

Chia sẻ kinh nghiệm trong việc phát triển hệ thống thu gom và vận chuyển dầu nhờn thải tại Bulgaria, ông Danko Pavlov, Giám đốc công ty thu gom và xử lý dầu thải quốc gia Bulgaria cho biết việc cấp phép cho các tổ chức đủ điều kiện thu gom, tái chế lại dầu nhờn đã qua sử dụng ở Bulgaria hết sức nghiêm ngặt, khi cấp phép cho một tổ chức đủ điều kiện thực hiện việc này, các cơ quan chức năng của Bulgaria căn cứ vào từng dự án cụ thể, công suất tái chế dầu thải và đặc biệt là cần phải xác định được hiệu quả của dự án đó như thế nào.

Ông Danko Pavlov cho biết thêm pháp luật Bulgaria quy định việc tái chế và thu gom dầu thải phải tuân thủ đồng thời các quy định pháp luật của Bulgaria và các chuẩn mực của EU.

Ngoài ra, Bulgaria cũng quy định trách nhiệm tới tận chính quyền địa phương trong việc nỗ lực tái chế dầu thải công nghiệp...

Theo quy định của Việt Nam, dầu nhờn qua sử dụng được xem là chất thải nguy hại và phải thu gom, xử lý theo quy định bởi các đơn vị được cấp phép hành nghề đáp ứng các quy định về quản lý, thu gom và xử lý chất thải nguy hại.

Cũng trong chương trình hội thảo, đã diễn ra lễ ký Bản ghi nhớ về cam kết hợp tác giữa Công ty PV Oil Lube và Công ty Prista Recycling (Bulgaria) trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Bulgaria Plamen Oreharski, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Bulgaria và Việt Nam.

Biên bản đề cập đến phạm vi hợp tác trong lĩnh vực dầu mỡ nhờn, hệ thống tổ chức, quản lý, thu gom và công nghệ tái chế dầu nhờn thành sản phẩm dầu gốc chất lượng cao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục