Việt Nam-Đức hợp tác chống tội phạm nguy hiểm

Việt Nam và Đức đẩy mạnh phối hợp đấu tranh phòng chống các loại tội phạm nguy hiểm xuyên quốc gia, tội phạm hoạt động có tổ chức.
Ngày 7/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an Việt Nam) phối hợp với Cơ quan điều tra Cộng hòa Liên bang Đức đã tổ chức hội nghị sơ kết đánh giá kết quả thực hiện Hiệp định giữa Chính phủ hai nước về hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nguy hiểm và tội phạm có tổ chức.

Hội nghị nhằm giúp hai bên đánh giá toàn diện các mặt hợp tác thời gian qua, tìm ra vấn đề còn khó khăn, vướng mắc cần giải quyết và đề ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác trong đấu tranh phòng chống các loại tội phạm nguy hiểm và tội phạm có tổ chức trong thời gian tới.

Đồng thời tăng cường quan hệ hợp tác, trao đổi, phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng cảnh sát hai nước trong quá trình làm nhiệm vụ hợp tác đấu tranh phòng chống tội phạm.

Theo Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, qua hơn ba năm thực hiện Hiệp định này (được ký kết tại Berlin, Đức vào tháng 8/2006), lực lượng cảnh sát hai nước đã thu được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực: phối hợp trao đổi thông tin và thực hiện các yêu cầu xác minh; phối hợp trong hoạt động điều tra và tiếp nhận đối tượng phạm tội; đảm bảo cam kết trong quan hệ trao đổi thông tin và phối hợp trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ kinh phí, phương tiện phục vụ công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.

Thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm khẳng định: “Thời gian qua, quan hệ phối hợp của lực lượng cảnh sát hai nước đã có nhiều bước phát triển tích cực. Nhiều yêu cầu phối hợp trao đổi, chuyển giao thông tin, đối tượng phạm tội, xác minh vụ việc... được tiến hành nhanh chóng, hiệu quả cao, góp phần ngăn chặn, đấu tranh làm rõ kịp thời hoạt động tội phạm để đưa ra xét xử theo đúng quy định của pháp luật hai nước và thông lệ quốc tế.”

Theo Thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến, Việt Nam, Đức và nhiều quốc gia khác đang phải quan tâm, tập trung giải quyết các loại tội phạm xuyên quốc gia, hoạt động nguy hiểm có tổ chức như rửa tiền, buôn bán người, buôn lậu ma túy, vũ khí bất hợp pháp, lợi dụng công nghệ cao...

Điều này đòi hỏi Việt Nam và Đức đẩy mạnh hơn nữa hoạt động phối hợp đấu tranh phòng chống tội phạm../.

Thế Vinh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục