Việt Nam-Hà Lan: Điển hình của mối quan hệ năng động, hiệu quả

Chuyến thăm Vương quốc Hà Lan của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam-Hà Lan phát triển toàn diện.
Việt Nam-Hà Lan: Điển hình của mối quan hệ năng động, hiệu quả ảnh 1Một phiên họp của Ủy ban Liên chính phủ Việt Nam-Hà Lan về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước. (Nguồn: TTXVN)

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mark Rutte, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân sẽ thăm Vương quốc Hà Lan từ ngày 9-11/7.

Điển hình của mối quan hệ năng động, hiệu quả

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam-Hà Lan phát triển toàn diện. Hiện nay, quan hệ Việt Nam-Hà Lan là điển hình của mối quan hệ năng động, hiệu quả giữa Việt Nam với một nước châu Âu. Những năm qua, Hà Lan coi Việt Nam là đối tác ưu tiên với nhiều chính sách thúc đẩy hợp tác. Hai bên thường xuyên trao đổi các đoàn cấp cao. Quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực, ngày càng đi vào chiều sâu.

Đáng chú ý, hai nước đã thiết lập Đối tác chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước; Đối tác chiến lược về nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực-đây là những lĩnh vực Hà Lan có thế mạnh và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng, có thể tranh thủ sự hợp tác giúp đỡ của Hà Lan.

Hai bên đã xác định 5 lĩnh vực hợp tác ưu tiên: thích ứng với biến đổi khí hậu; quản lý nước, nông nghiệp; năng lượng; kinh tế biển và dịch vụ vận tải logistics.

Tại các tổ chức, diễn đàn quốc tế và khu vực, hai bên tích cực hợp tác, thường xuyên tiếp xúc cấp cao bên lề các hội nghị lớn.

Về vấn đề Biển Đông, Hà Lan có lập trường tích cực đối với các vấn đề an ninh, hòa bình, ổn định tại khu vực, nhấn mạnh các bên liên quan cần kiềm chế và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, hợp tác, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

Những năm qua, kim ngạch hai chiều Việt Nam-Hà Lan không ngừng phát triển và tăng đều hàng năm, trong đó Việt Nam luôn xuất siêu. Hà Lan hiện là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại châu Âu.

Trong 5 tháng đầu năm 2017, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 2,9 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu chủ yếu các mặt hàng thủy sản, rau quả, hạt điều, càphê, hạt tiêu, gạo, sản phẩm hóa chất, chất dẻo. Các mặt hàng nhập khẩu chính từ Hà Lan gồm máy móc-thiết bị-dụng cụ-phụ tùng khác, linh kiện ôtô và phụ tùng, sữa và sản phẩm sữa, dược phẩm.

Sau nhiều thập kỷ là đối tác phát triển của Việt Nam, Hà Lan hiện đang xây dựng một mối quan hệ bình đẳng với Việt Nam, coi Việt Nam là điểm đến lớn cho đầu tư, thương mại. Hà Lan luôn là một trong những nhà đầu tư châu Âu lớn nhất tại Việt Nam và xếp thứ 11 trong số 119 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với 287 dự án trị giá 7,7 tỷ USD.

Một số dự án đầu tư đáng chú ý của Hà Lan tại Việt Nam gồm: Nhà máy điện Mông Dương; Nhà máy điện Phú Mỹ; Công ty Pepsico Việt Nam...

Ngược lại, Việt Nam rất cần kiến thức và chuyên môn của Hà Lan trong các ngành như hóa chất, năng lượng, nông nghiệp, nghệ thuật trồng hoa, công nghiệp hàng hải, giao thông và hậu cần... Đồng thời, Hà Lan cũng có khả năng tư vấn, hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, quản lý nước và công nghệ cho vùng đồng bằng ven biển.

Ngay sau khi lập quan hệ ngoại giao năm 1973, Hà Lan bắt đầu viện trợ ODA không hoàn lại cho Việt Nam, chủ yếu trong lĩnh vực nhân đạo, giáo dục-đào tạo và y tế. Giai đoạn 2011-2014, Hà Lan xếp Việt Nam vào nhóm nước có thu nhập trung bình. Tuy không nằm trong nhóm 30 nước ưu tiên nhận viện trợ của Hà Lan nhưng Việt Nam vẫn trong nhóm 3 nước "quá độ” sang quan hệ đối tác bình đẳng (Colombia, Việt Nam và Nam Phi).

Từ tháng 1/2014, Hà Lan đã chuyển quan hệ với Việt Nam sang “đối tác thương mại” đặt trọng tâm thúc đẩy thương mại, đầu tư với Việt Nam nhằm góp phần tăng trưởng kinh tế, việc làm của Hà Lan.

Tăng cường hợp tác về thích ứng với biến đổi khí hậu

Năm 2010, hai bên đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước. Đến nay, hai bên đã tổ chức 6 phiên họp Ủy ban liên Chính phủ trong lĩnh vực trên. Tại phiên họp lần thứ 6 diễn ra tại Hà Lan ngày 19/4/2017, hai bên đã trao đổi về phương hướng hợp tác, cập nhật và triển khai Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới.

Hai bên trao đổi việc triển khai một số chương trình hỗ trợ phát triển khác của Hà Lan cho Việt Nam; nhất trí triển khai các dự án cụ thể, phương án tài chính cho Chương trình “Thành phố Hồ Chí Minh phát triển hướng ra biển, thích ứng với biến đổi khí hậu”; trao đổi về việc triển khai dự án quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng-sông Thái Bình giai đoạn 2020-2030 và tầm nhìn 2050; đánh giá triển vọng của Chương trình dữ liệu địa lý về nước và nông nghiệp tại Việt Nam.

Năm 2014, hai bên đã ký Thỏa thuận Đối tác chiến lược về nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực. Hai bên còn hợp tác trong khuôn khổ Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Kinh tế Hà Lan, triển khai Dự án Quy hoạch lũ vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Giáo dục đại học cũng đóng vai trò quan trọng trong hợp tác song phương giữa Việt Nam và Hà Lan. Từ giữa năm 1970, Hà Lan đã cấp nhiều chương trình học bổng cho Việt Nam.

Thông qua Sáng kiến Hà Lan về hợp tác trong giáo dục đại học (NICHE), hơn 10 triệu Euro được đầu tư nhằm tăng cường giáo dục sau phổ thông của Việt Nam. Chương trình tập trung vào các lĩnh vực giáo dục đại học của Việt Nam, nơi có nhu cầu lớn về kiến thức chuyên môn của Hà Lan như nông nghiệp, quản lý tài nguyên nước tổng hợp, biến đổi khí hậu, giáo dục nghề nghiệp cho bậc học cao hơn.

Nhiều trường đại học, viện nghiên cứu Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác đào tạo nghiên cứu chặt chẽ với các đối tác Hà Lan. Các ngành sinh viên Việt Nam theo học tại Hà Lan gồm: kinh tế, quản trị kinh doanh, kỹ thuật và công nghệ.

Trong lĩnh vực giao thông vận tải, hai bên hợp tác về đường thủy, hàng không và đang nghiên cứu khả năng khai thác đường bay trực tiếp, hợp tác chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường năng lực cho ngành giao thông vận tải; thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp ngành giao thông vận tải hai nước.

[Việt Nam-Hà Lan tăng hợp tác cảnh báo sớm ứng phó với thiên tai]

Hai nước đã có hợp tác ban đầu trong lĩnh vực hải quan, đóng tàu tìm kiếm cứu nạn, hợp tác đào tạo với Đại học Hàng hải Việt Nam, Đại học Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, nghiên cứu về cảng biển.

Các địa phương của Việt Nam gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp đã hợp tác với các địa phương Hà Lan, tập trung vào lĩnh vực thích ứng, giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu, các giải pháp đô thị xanh; cung cấp nước sạch, thoát nước, xử lý nước thải, quản lý nước mặt và nước ngầm; xử lý chất thải rắn, chuyển hóa chất thải thành năng lượng; quy hoạch chung, quy hoạch không gian; quản lý nước tích hợp, biến đổi khí hậu và quản lý nguy cơ lũ lụt liên quan tới khu vực sông Hồng (bao gồm đê điều, sẵn sàng ứng phó với tình huống khẩn cấp).

Cùng với đó, hai bên hợp tác về quy hoạch thành phố tổng thể, quản lý đô thị, phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông và phương tiện giao thông công cộng, năng lượng và giao thông thông minh...

Theo Cục Thống kê Hà Lan, cộng đồng người Việt Nam ở Hà Lan hiện nay có khoảng 20.600 người. Các khu vực tập trung đông người Việt sinh sống gồm Helmond, Almere, Purmerend, Hoorn, Harlingen, Leeuwarden và Spijkenisse.

Chuyến thăm Vương quốc Hà Lan của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân nhằm tích cực triển khai đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, củng cố và tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước và Đối tác chiến lược về nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực với Hà Lan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục