Việt Nam-Hàn Quốc đẩy mạnh hợp tác trong chế biến thực phẩm

Các doanh nghiệp Hàn Quốc có thể tận dụng nguồn nguyên liệu phong phú tại Việt Nam, kết hợp với công nghệ của mình để đầu tư sản xuất thực phẩm chế biến.
Việt Nam-Hàn Quốc đẩy mạnh hợp tác trong chế biến thực phẩm ảnh 1Lễ ký Bản ghi nhớ giữa Cục Xúc tiến thương mại-Bộ Công Thương Việt Nam và Cục Hỗ trợ doanh nghiệp sau FTA-Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc. (Ảnh: Vũ Toàn-Phạm Duy/Vietnam+)

Ngày 1/6, tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Công Thương Việt Nam đã phối hợp với Trung tâm ASEAN-Hàn Quốc (AKC) tổ chức hội thảo “Môi trường đầu tư và kinh doanh trong lĩnh vực chế biến thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam” nhằm giúp doanh nghiệp hai nước tìm kiếm các cơ hội hợp tác trong lĩnh vực này thời gian tới.

Tham dự hội thảo có Phó Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Trần Anh Vũ, Phó Tổng Thư ký AKC Kim Ki-hong, đoàn công tác xúc tiến đầu tư thương mại với đại diện nhiều bộ, ngành liên quan của Việt Nam và lãnh đạo hai tỉnh Vĩnh Long, An Giang, cùng khoảng 100 doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động trong lĩnh vực chế biến thực phẩm.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Kim Ki-hong cho biết đây là một trong những hoạt động trọng tâm của AKC trong năm nay nhằm hỗ trợ các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, đồng thời là cơ hội giúp doanh nghiệp hai nước tìm kiếm và đẩy mạnh các cơ hội hợp tác kinh doanh trong lĩnh vực chế biến thực phẩm.

Trong bài phát biểu chào mừng, Phó Đại sứ Trần Anh Vũ nhấn mạnh quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc phát triển ngày càng sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế với việc Hàn Quốc luôn là nước đầu tư hàng đầu vào Việt Nam và kim ngạch thương mại song phương liên tục tăng trong những năm qua.

Ông Trần Anh Vũ cho rằng hội thảo lần này là cơ hội để các nhà đầu tư Hàn Quốc nắm bắt thông tin về thị trường thực phẩm và đồ uống đầy tiềm năng của Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam-Hàn Quốc để từng bước tiếp cận thị trường này tại Hàn Quốc.

Về phần mình, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công Thương Tạ Hoàng Linh tái khẳng định FTA Việt Nam-Hàn Quốc đã mở ra một thời kỳ phát triển mới trong quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước.

Hai bên cũng đã đẩy mạnh hợp tác, tuyên truyền và thành lập các bộ phận chuyên trách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tốt nhất các ưu đãi của hiệp định này trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực chế biến thực phẩm.

Theo ông Tạ Hoàng Linh, các doanh nghiệp Hàn Quốc có thể tận dụng nguồn nguyên liệu phong phú tại Việt Nam, kết hợp với công nghệ của mình để đầu tư sản xuất thực phẩm chế biến, cung cấp cho thị trường Việt Nam và các thị trường mà Việt Nam đã ký kết FTA.

Ngoài ra, các ngành công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp chế biến thực phẩm tại Việt Nam như đóng gói, bao bì... đang trong giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ cũng là những lĩnh vực đầu tư đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp Hàn Quốc.

Tại hội thảo, đoàn công tác đã giới thiệu về môi trường, chính sách ưu đãi đầu tư và lợi thế phát triển ngành công nghiệp thực phẩm tại Việt Nam. Đại diện Ủy ban Nhân dân và doanh nghiệp các địa phương có tiềm năng trong lĩnh vực chế biến thực phẩm đã cung cấp các thông tin về môi trường đầu tư và các dự án kêu gọi đầu tư cụ thể của địa phương mình.

Các đại biểu tham dự hội thảo đã nghe Tập đoàn CJ của Hàn Quốc chia sẻ các kinh nghiệm và thành công trong quá trình đầu tư vào lĩnh vực chế biến thực phẩm tại Việt Nam, công ty Luật Logos trình bày về các vấn đề pháp lý liên quan đến việc đầu tư theo hình thức Mua lại và Sáp nhập (M&A)...

Thành viên đoàn công tác và các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng đã gặp gỡ trao đổi, tìm hiểu về các cơ hội hợp tác đầu tư và thương mại.

Trong khuôn khổ hội thảo, Cục Xúc tiến thương mại thuộc Bộ Công Thương Việt Nam và Cục Hỗ trợ doanh nghiệp sau FTA thuộc Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc đã ký kết biên bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp hai nước thực thi FTA Việt Nam-Hàn Quốc.

Việc ký kết MOU này sẽ là cơ sở để hai bên tiếp tục thúc đẩy các hoạt động hợp tác thương mại, thiết lập kênh trao đổi thông tin, tìm kiếm cơ hội và hỗ trợ lẫn nhau trong hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp hai nước tận dụng tốt những lợi thế cũng như vượt qua những khó khăn, trở ngại trong quá trình thực thi hiệp định này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục