Vietcombank đã đầu tư gần 17.000 tỷ đồng vào các tỉnh Tây Nguyên

Tính đến nay, đầu tư tín dụng của Vietcombank tại các tỉnh Tây Nguyên lên tới gần 17.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 20% thị phần dư nợ tín dụng tại khu vực Tây Nguyên.
Vietcombank đã đầu tư gần 17.000 tỷ đồng vào các tỉnh Tây Nguyên ảnh 1Giám đốc Vietcombank Gia Lai (thứ tư từ trái sang) ký Hợp đồng tài trợ dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu. (Nguồn: Vietcombank)

Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, dự kiến tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4 diễn ra ngày 11/3 này, Vietcombank sẽ dành gần 450 tỷ đồng cho 5 dự án phát triển.

Các dự án đó là: Dự án đầu tư nhà máy thuỷ điện Đa Dâng 3 công suất 12MW với chủ đầu tư là Công ty cổ phần Thuỷ điện Đa Dâng 3; dự án đầu tư nhà máy thuỷ điện Đạ Tông - Đam Rông công suất 5MW của Công ty cổ phần Năng lượng Lâm Đồng; dự án đầu tư nâng cấp công suất nhà máy đường 333 (từ 2.500 tấn/ngày lên 3.500 tấn/ngày) do Công ty cổ phần Mía đường 333 làm chủ đầu tư; dự án đầu tư xây dựng khách sạn Lê Thành Đà Lạt của Công ty trách nhiệm hữu hạn nhà hàng khách sạn Lê Thành; dự án xây dựng Trung tâm Phân phối, Nhân giống cây trồng công nghệ cao với chủ đầu tư là công ty trách nhiệm hữu hạn Fukunana Tây Nguyên.

Trước đó, Vietcombank Gia Lai đã ký kết hợp đồng tín dụng trị giá 150 tỷ đồng với Tập đoàn Quốc Cường Gia Lai; Vietcombank Kon Tum ký kết hợp đồng tín dụng trị giá 60 tỷ đồng với Điện lực Kon Tum cho chương trình truyền tải và phân phối điện.

Mới đây nhất, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2016 dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Vietcombank Gia Lai tiếp tục ký kết tài trợ một số dự án đầu tư mới trong lĩnh vực năng lượng với Công ty Cổ phần Điện Gia Lai (GEC).

Như vậy, tính đến nay, đầu tư tín dụng của Vietcombank tại các tỉnh Tây Nguyên lên tới gần 17.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 20% thị phần dư nợ tín dụng tại khu vực Tây Nguyên.

Bên cạnh hoạt động đầu tư tín dụng, Vietcombank còn dành nhiều đóng góp vào lĩnh vực an sinh xã hội cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên như: Đầu tư cho các chương trình an sinh xã hội tập trung vào các lĩnh vực mang lại giá trị thiết thực như xây dựng trường học, hỗ trợ thiết bị giáo dục, y tế, ... giúp đồng bào khu vực Tây Nguyên và lân cận mà đặc biệt là các hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số cải thiện nhu cầu vật chất, tinh thần, góp phần nâng cao đời sống văn hoá xã hội và phát triển chung của vùng.

Năm 2016, Vietcombank đã tặng 1.000 con bò giống với tính thiết thực rất cao, hiệu quả, đã giúp hàng ngàn hộ nghèo phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững... Tổng mức giải ngân đã cam kết thực hiện cho các chương trình an sinh xã hội lên đến trên 128 tỷ đồng.

Tây Nguyên gồm 5 tỉnh, xếp theo thứ tự vị trí địa lý từ Bắc xuống Nam gồm Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng với diện tích tự nhiên là 54.474 km2 chiếm 16,8% diện tích tự nhiên cả nước.

Nơi đây rất phù hợp với những cây công nghiệp như càphê, ca cao, hồ tiêu, dâu tằm, điều; trong đó, càphê là cây công nghiệp quan trọng số một ở miền đất này. Tây Nguyên cũng là vùng trồng cao su lớn thứ hai sau Đông Nam Bộ. Đặc biệt cũng là khu vực ở Việt Nam còn nhiều diện tích rừng với thảm sinh vật đa dạng, trữ lượng khoáng sản phong phú hầu như chưa khai thác và tiềm năng du lịch lớn, đồng thời cũng được xem là mái nhà của miền Trung, có chức năng phòng hộ rất lớn...

Xác định được tầm quan trọng như vậy của mảnh đất Tây Nguyên, nhiều năm gần đây, Đảng - Nhà nước - Chính phủ đã tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư để thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến với vùng đất này. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước và các “ông lớn” của ngành là Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank đã đóng vai trò là đơn vị đồng tổ chức./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục