Vietcombank hướng đến tập đoàn tài chính hàng đầu

Tiền thân là một ngân hàng chuyên doanh trong lĩnh vực đối ngoại, là ngân hàng đầu tiên khởi phát nghiệp vụ “buôn tiền quốc tế,” đến nay thương hiệu Vietcombank sau 50 năm đã được đông đảo khách hàng trong nước cũng như quốc tế tin tưởng lựa chọn.

Bước sang giai đoạn mới, Vietcombank đang phấn đấu trở thành một trong 300 tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất thế giới.
Tiền thân là một ngân hàng chuyên doanh trong lĩnh vực đối ngoại, là ngân hàng đầu tiên khởi phát nghiệp vụ “buôn tiền quốc tế,” đến nay thương hiệu Vietcombank sau 50 năm đã được đông đảo khách hàng trong nước cũng như quốc tế tin tưởng lựa chọn.

Bước sang giai đoạn mới, Vietcombank đang phấn đấu trở thành một trong 300 tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất thế giới.

Đi lên từ “buôn” ngoại tệ

Chính thức tách ra từ Cục Ngoại hối trực thuộc Ngân hàng Trung ương, nay là Ngân hàng Nhà nước vào ngày này cách đây tròn 50 năm (1/4/1963-1/4/2013), Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam đã đảm nhận các nhiệm vụ chủ yếu như kinh doanh ngoại hối, thanh toán quốc tế, tín dụng quốc tế, cho vay ngoại thương, tham gia quản lý ngoại hối, tăng cường và mở rộng quan hệ kinh tế, chính trị và văn hoá với nước ngoài.

Nói về những ngày đầu tiên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank Nguyễn Hòa Bình không thể quên những bước đi chập chững trên con đường "buôn tiền quốc tế," mà vai trò của nó trong cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc là không thể phủ nhận.

"Vietcombank vinh dự góp phần hình thành nên một trong 5 con đường Trường Sơn huyền thoại – con đường chuyển tiền, góp phần làm nên chiến thắng giải phóng miền Nam thống nhất đất nước," ông Bình xúc động nói.

Người đứng đầu Vietcombank nhớ lại, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Vietcombank còn trực tiếp tham gia vận chuyển ngoại tệ vào chiến trường miền Nam. Bằng những nghiệp vụ đặc thù (như AM, FM, …). Với những tổ chức hoạt động bí mật ngay trong lòng địch (như N2683) cùng các cán bộ mẫn cán, không quản ngại hy sinh gian khó, Vietcombank đã góp phần đảm bảo cho dòng huyết mạch tài chính lưu thông không ngừng nghỉ.

Giai đoạn sau đó, khi nước nhà hoàn toàn thống nhất, Vietcombank đã từng bước xác lập một hệ thống ngân hàng đối ngoại thống nhất trong cả nước, trở thành ngân hàng đối ngoại duy nhất của Việt Nam thực hiện độc quyền ngoại hối trên 3 phương diện: Nắm giữ ngoại hối của quốc gia, thanh toán quốc tế, cung ứng tín dụng xuất nhập khẩu,” ông Bình cho biết.

Tuy nhiên, những khó khăn của thời hậu chiến cùng với việc bao vây, cấm vận đã khiến nền kinh tế nước ta phải đối mặt với những thách thức lớn: Cán cân thương mại mất cân đối nghiêm trọng, cán cân thanh toán quốc tế bội chi, sản xuất trong nước đình đốn… Trước thực tế đó, Vietcombank đã nghiên cứu và đề xuất với Chính phủ các chính sách khuyến khích xuất khẩu, mở rộng các dịch vụ có thu ngoại tệ thông qua cơ chế “quyền sử dụng ngoại tệ”, cơ chế thưởng đối với các doanh nghiệp tự tạo ra ngoại tệ...

"Các cơ chế này đã có ý nghĩa lớn góp phần khơi dậy tiềm năng xuất khẩu, mở rộng các dịch vụ thu ngoại tệ đáp ứng nhu cầu ngoại tệ cho nhập khẩu nguyên vật liệu cho sản xuất công nghiệp, vật tư nông nghiệp,": ông Bình chia sẻ.

Đầu những năm 90, Ngân hàng đã chính thức tham gia vào thị trường tiền tệ thế giới, gia nhập tổ chức SWIFT; là thành viên của Hiệp hội ngân hàng châu Á, của tổ chức thẻ quốc tế và là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam phát hành các loại thẻ tín dụng quốc tế (Master Card, Visa…). Với lợi thế về nguồn vốn, đặc biệt là vốn ngoại tệ, Vietcombank đã tham gia tài trợ vốn cho hàng loạt các dự án thuộc các lĩnh vực then chốt của quốc gia như điện lực, dầu khí, hàng không, viễn thông, khai khoáng…

... Và mục tiêu "top 300"

Trong vòng 5 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng của Vietcombank luôn được duy trì ở mức độ cao. Tổng tích sản tăng bình quân 16% mỗi năm, đưa Vietcombank trở thành một trong các ngân hàng có quy mô tích sản và vốn chủ sở hữu lớn nhất Việt Nam.

Tính đến cuối năm 2012, tổng tài sản của Vietcombank đạt khoảng 415 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với 2007. Tổng lợi nhuận trước thuế 5 năm qua (2008-2012) đạt hơn 25.600 tỷ đồng, cao nhất trong các ngân hàng thương mại tại Việt Nam.

Ông Bình nhớ lại, vì là ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam nên Vietcombank đã được Chính phủ lựa chọn để thực hiện thí điểm cổ phần hóa. Từ tháng 6/2008, Vietcombank chính thức chuyển sang hoạt động theo cơ chế ngân hàng thương mại cổ phần. Đây cũng là thời kỳ xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu với những tác động bất lợi cho nền kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, Vietcombank đã linh hoạt, quyết liệt, nắm bắt những biến động của thị trường, chủ động có biện pháp ứng phó kịp thời, điều chỉnh định hướng chiến lược, lấy hoạt động ngân hàng thương mại làm cốt lõi. Nhờ đó, an toàn và hiệu quả hoạt động được đảm bảo và từng bước phát triển bền vững. Từ ngày 30/06/2009, cổ phiếu Vietcombank chính thức được niêm yết giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh và nhanh chóng trở thành cổ phiếu dẫn đầu trong nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Một sự kiện quan trọng khác cũng đã được Ngân hàng này nắm bắt là lựa chọn cổ đông chiến lược. Ngày 30/9/2011, Vietcombank đã ký kết thỏa thuận cổ đông chiến lược với Mizuho Corporate Bank, một thành viên của Tập đoàn Tài chính Mizuho (Tập đoàn tài chính lớn thứ ba tại Nhật bản và thứ 20 trên toàn thế giới) thông qua việc bán 15% vốn cổ phần cho ngân hàng này.

“Thương vụ này là minh chứng cho sự quan tâm và tin tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài đối với tiềm năng và tương lai phát triển của thị trường tài chính ngân hàng Việt Nam và sự phát triển của Vietcombank nói riêng,” người đứng đầu Vietcombank khẳng định.

Những năm gần đây, Vietcombank đã thực hiện chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu huy động vốn và tín dụng theo hướng chú trọng bán lẻ, tăng trưởng tín dụng luôn đi đôi với kiểm soát đảm bảo chất lượng tín dụng. Nhờ đó an toàn tín dụng được đảm bảo, chất lượng tín dụng được kiểm soát tốt, việc thu hồi nợ và xử lý nợ xấu được chú trọng, dự phòng rủi ro tín dụng luôn được trích lập đầy đủ.

Xác định công nghệ là then chốt, Vietcombank cũng đã thường xuyên đổi mới công nghệ, phát triển nhiều sản phẩm dịch vụ hiện đại, gia tăng các tiện ích cho các sản phẩm thẻ. Do đó, Ngân hàng này đã đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt thị trường thẻ Việt Nam từng bước hình thành và phát triển bùng nổ như hiện nay.

Trải qua 50 năm, thương hiệu Vietcombank vốn đã trở nên thân thuộc như một biểu tượng của niềm tin đối với đông đảo công chúng. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập, Vietcombank đã ra mắt hệ thống nhận diện thương hiệu mới nhằm bắt kịp với những bước chuyển mình của đất nước cũng như của Vietcombank, hướng tới hình ảnh và vị thế của một ngân hàng đại diện quốc gia mang tầm khu vực và quốc tế.

Thông điệp truyền thông của thương hiệu mới Vietcombank: “Chung niềm tin vững tương lai” là một lời cam kết với khách hàng về sự đổi mới toàn diện cả về hình ảnh và hoạt động để sẵn sang đồng hành cùng khách hàng trên con đường hướng tới tương lai.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Hòa Bình cho biết, trong những năm tới, Vietcombank tiếp tục đổi mới và hiện đại hoá toàn diện mọi mặt hoạt động; không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo các tỷ lệ an toàn hoạt động theo các chuẩn mực và thông lệ tốt nhất; giữ vững hiệu quả kinh doanh để đảm bảo quyền lợi cổ đông trong mối quan hệ hài hoà với lợi ích của người lao động.

“Ngân hàng phấn đấu duy trì vị thế hàng đầu tại Việt Nam và trở thành một trong 300 tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất thế giới vào năm 2020,” ông Bình nhấn mạnh.
 
Ghi nhận sự đóng góp của tập thể cán bộ công nhân viên Vietcombank, đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm này, Đảng – Nhà nước – Chính Phủ đã trao tặng Huân chương độc lập Hạng nhất cho Vietcombank, trao tặng các đơn vị thành viên cũng như các cá nhân xuất sắc của Vietcombank nhiều Huân, Huy chương và Bằng khen các loại.

Đến nay, Vietcombank đã có gần 400 chi nhánh và Phòng giao dịch trên toàn quốc, 3 công ty con tại Việt Nam, 2 công ty con tại nước ngoài, 1 văn phòng đại diện tại Singapore, 5 công ty liên doanh liên kết với gần 14.000 nhân viên.

Vietcombank còn là ngân hàng sở hữu mạng lưới ATM, POS và mạng lưới ngân hàng đại lý toàn cầu lớn nhất trong số các ngân hàng thương mại tại Việt Nam.
Minh Tâm (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục