“Vietcombank vẫn đang tìm kiếm tổ chức tín dụng để sáp nhập”

Tổ chức mà Vietcombank tìm kiếm sáp nhập phải đáp ứng đủ các tiêu chí như ngân hàng không bị âm vốn, có mạng lưới bổ trợ cho Vietcombank.
“Vietcombank vẫn đang tìm kiếm tổ chức tín dụng để sáp nhập” ảnh 1Ban lãnh đạo của Vietcombank tại Đại hội. (Nguồn: Vietcombank)

Ngày 24/4, tại Hà Nội, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank – VCB) tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2015.

Tại Đại hội, nhiều cổ đông đã quan tâm đến việc sáp nhập hợp nhất của Vietcombank, tuy nhiên, trong các báo cáo trình Đại hội đồng cổ đông Vietcombank cũng chỉ thông báo việc đang xây dựng phương án hợp nhất sáp nhập theo chủ chương đã được Hội đồng Đại hội cổ đông phê duyệt, tham gia quá trình tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng nhằm tăng quy mô và hiệp quả hoạt động của Vietcombank để thực hiện dịnh hướng đưa Vietcombank trở thành ngân hàng số 1 tại Việt Nam.

Trao đổi với cổ đông, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank cho hay: Tại Đại hội cổ đông bất thường tháng 12 năm ngoái, ngân hàng đã xin ý kiến cổ đông cho chủ động tìm kiếm, hợp nhất, sáp nhập với tổ chức tín dụng khác khi có điều kiện.

“Vietcombank vẫn đang tìm kiếm tổ chức tín dụng để sáp nhập” ảnh 2Hình minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ông Thành nhấn mạnh: "Do phải tìm hiểu nên ban lãnh đạo ngân hàng vẫn chưa có phương án nào cụ thể. Khi chính thức tìm được đối tác chính thức, chúng tôi sẽ thông báo cổ đông sau.”

Cũng theo lãnh đạo của Vietcombank, tổ chức mà ngân hàng tìm kiếm sáp nhập phải đáp ứng đủ các tiêu chí: Sáp nhập phải tăng quy mô (nên sẽ không lựa chọn ngân hàng bị âm vốn); có mạng lưới bổ trợ cho Vietcombank và phải tăng được vốn.

“Chúng tôi đang hướng tới mục tiêu ngân hàng số 1 tại Việt Nam (xét về quy mô và chất lượng) nên phải tìm kiếm đối tác sáp nhập một cách kỹ lưỡng, thận trọng,” lãnh đạo Vietcombank nhấn mạnh.

Đề cập tới việc Vietcombank có tham gia cổ phần một số tổ chức tín dụng, ông Thành cho rằng, theo thông tư 36, một tổ chức tín dụng không được sở hữu ở quá 2 tổ chức tín dụng và không vượt quá 5% vốn điều lệ ở một tổ chức tín dụng nên thời gian tới Vietcombank sẽ thoái vốn, giảm dần sở hữu ở các tổ chức tín dụng khác theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước.

Lãnh đạo Vietcombank cho biết thêm, hiện ngân hàng này cũng chưa có chủ trương sáp nhập với 5 tổ chức tín dụng mà ngân hàng đang có cổ phần.

Tại Đại hội, các cổ đông đã nhất trí thông qua phương án năm 2015, ngân hàng đặt kế hoạch tăng 11,5% tổng tài sản lên 643 nghìn tỷ đồng; tín dụng tăng trưởng 13%; huy động vốn tăng 12%; tỷ lệ nợ xấu dưới 2,5%. Lợi nhuận trước thuế dự kiến là 5.900 tỷ đồng, gần như tương đương 2014.

Năm 2015, ngân hàng cũng lên kế hoạch chi trả cổ tức 10%.

Cũng theo phương án này, Vietcombank phấn đấu đạt mức lợi nhuận trước thuế khoảng 5.900 tỷ đồng trên cơ sở đảm bảo trích lập dự phòng rủi ro tín dụng ở mức 5.500 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2014.

Để đạt được kết quả này, năm 2015, Vietcombank tập trung chú trọng công tác khách hàng, giữ ổn định và từng bước gia tăng thị phần của khách hàng truyền thống, chú trọng phát triển khách hàng mới; chú trọng phát triển quan hệ hợp tác với nhóm khách hàng FDI, nhóm khách hàng là công ty niêm yết, khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ và thể nhân.

Ngân hàng cũng tiếp tục công tác xử lý nợ xấu, thu hồi nợ trong toàn hệ thống, phấn đấu đạt kết quả thu hồi nợ ngoại bảng cao hơn năm 2014; kiểm soát tốt chất lượng tín dụng, khống chế tỷ lệ nợ xấu dưới 2,5%.

Bên cạnh đó, ngân hàng tiếp tục tăng cường rà soát, đánh giá chất lượng tín dụng tại từng chi nhánh và toàn hệ thống, chỉ đạo sát sao các chi nhánh có chất lượng tín dụng thấp tập trung xử lý thu hồi xợ xấu, nợ đã xử lý rủi ro và nợ đã bán cho VAMC. Ngân hàng cũng sẽ thường xuyên phân tích kết quả phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro, trên cơ sở đó đề xuất các biện pháp chỉ đạo kiểm soát chất lượng tín dụng, đảm bảo kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 2,5%./.

Năm 2014, ngân hàng đạt tổng tài sản gần 577.000 tỷ đồng, tăng 23% so với 2013; dư nợ tín dụng tăng 17,7% đạt 326.000 tỷ đồng; tiền gửi khách hàng tăng 27% đạt 424.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,31% trên tổng dư nợ. Lợi nhuận trước thuế 5.876 tỷ đồng, tăng 2,3% so với 2013.

Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) đạt 0,88%, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 10,76%; hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) đạt 11,61%.

Về việc phân phối lợi nhuận 2014, ngân hàng có 4.475 tỷ đồng để phân phối. Sau khi trích lập các quỹ, ngân hàng sẽ chia cổ tức 10% bằng tiền mặt, tương đương dự chi khoảng 2.655 tỷ đồng.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục