VietinBank sát cánh cùng doanh nghiệp nhỏ và vừa khi hội nhập TPP

Đối với phân khúc khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, VietinBank đổi mới về cơ chế chính sách, đẩy mạnh cải tiến đa dạng sản phẩm, dịch vụ, chuẩn hóa quy trình thủ tục.
VietinBank sát cánh cùng doanh nghiệp nhỏ và vừa khi hội nhập TPP ảnh 1Giao dịch tại VietinBank. (Nguồn: VietinBank)

VietinBank đã và đang trở thành nguồn lực quan trọng việc cung cấp tài chính, sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tham gia “sân chơi” Hiệp hội Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP).

Tiềm lực lớn

Là một trong bốn ngân hàng thương mại lớn nhất Việt Nam, VietinBank đang sở hữu mạng lưới hoạt động phủ khắp cả nước gồm trụ sở chính tại Hà Nội, 149 chi nhánh trong nước, gần 1.000 phòng giao dịch và nhiều công ty con, công ty liên doanh.

Đón đầu hội nhập, VietinBank đã thành lập 2 chi nhánh tại Đức, 1 ngân hàng con tại Lào, 1 văn phòng đại diện tại Myanmar. Đặc biệt, VietinBank hiện đang là ngân hàng thương mại có quy mô vốn điều lệ lớn nhất, cơ cấu cổ đông mạnh nhất (cổ đông BTMU và IFC) và hiện đang có tổng tài sản hơn 710.000 tỷ đồng; lợi nhuận và nộp Ngân sách Nhà nước luôn dẫn đầu hệ thống Ngân hàng Việt Nam.

Bên cạnh đó, VietinBank còn có nguồn nhân lực dồi dào với gần 20.000 cán bộ công nhân viên. Ngoài ra, VietinBank còn là thành viên của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Hiệp hội Ngân hàng Châu Á, Hiệp hội Tài chính Viễn thông Liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT), Tổ chức Phát hành và Thanh toán thẻ VISA, MASTER quốc tế…

Với sức mạnh và tiềm lực to lớn này, VietinBank đã và đang là điểm tựa tin cậy đối với cộng đồng doanh nghiệp trước thềm gia nhập sân chơi lớn TTP. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã chủ động và tích cực nâng cao năng lực cạnh tranh, liên kết sâu với doanh nghiệp trong cùng ngành, chuyên nghiệp hóa các khâu quản lý, sản xuất... Đặc biệt, khối này đã gắn bó đồng hành cùng với VietinBank để tăng cơ hội phát triển kinh doanh trong thách thức hội nhập TPP.

Đối với VietinBank, hội nhập TPP là cơ hội tiếp cận nguồn vốn, công nghệ, kinh nghiệm và trình độ quản lý của các định chế tài chính trên thế giới, trong đó có nguồn vốn ủy thác với chi phí thấp. Điều này sẽ tạo năng lực tài chính cao hơn để VietinBank đồng hành hỗ trợ vốn, cũng như cung cấp các dịch vụ tốt hơn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Hiện tại, quy mô dư nợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tại VietinBank đạt 105.925 tỷ đồng; cơ cấu dư nợ phân bổ tương đối đồng đều trên các lĩnh vực. Một số lĩnh vực ngành nghề đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ đang có dư nợ tại VietinBank khi tham gia hội nhập TPP có tác động như: ngành dệt may (3.630 tỷ đồng); các sản phẩm thép và gỗ (4.400 tỷ đồng); thủy sản (1.730 tỷ đồng)…

Đổi mới để hòa nhập cùng doanh nghiệp

Lãnh đạo VietinBank cho biết, để chủ động đổi mới để hội nhập TTP, VietinBank đã và đang có những bước thay đổi mạnh mẽ và toàn diện. Đối với phân khúc khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, VietinBank đổi mới về cơ chế chính sách, đẩy mạnh cải tiến đa dạng sản phẩm, dịch vụ, chuẩn hóa quy trình thủ tục… Ngoài ra, VietinBank tiếp tục các nỗ lực chuyên nghiệp hoá các khâu để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ một cách thiết thực, hiệu quả và phù hợp với sân chơi mới với những giải pháp rõ ràng.

Cụ thể, ngân hàng này đã thay đổi phương pháp tiếp cận, đánh giá doanh nghiệp vừa và nhỏ như thay vì ngồi chờ doanh nghiệp đến tiếp xúc và đề nghị được tài trợ như trước đây, VietinBank chủ động hơn nữa trong việc tiếp cận với doanh nghiệp vừa và nhỏ một cách trực tiếp hoặc thông qua các diễn đàn, phương tiện thông tin đại chúng, hội thảo…

Trong hoạt động tài trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, VietinBank xoá bỏ thói quen chỉ quan tâm tới tài sản bảo đảm, thay vì phương án kinh doanh/dự án đầu tư.

Đặc biệt, VietinBank đã phát triển các sản phẩm, dịch vụ phi tài như tư vấn, đào tạo, hỗ trợ kinh doanh… từng bước đưa các dịch vụ này ra thị trường với tư cách là sản phẩm tạo lợi nhuận; chia nhỏ sản phẩm, dịch vụ theo mục đích tài trợ và đến từng đối tượng khách hàng nhằm đơn giản hoá và tạo ra nhiều sự lựa chọn cho khách hàng.

Phát triển sản phẩm mới đồng thời kết nối tính năng các sản phẩm nhằm đưa ra sản phẩm để đưa ra sản phẩm trọn gói dưới hình thức 1 cửa từ khởi tạo khách hàng, tiền gửi, tiết kiệm cho vay, hỗ trợ đào tạo… nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ngân hàng cũng đơn giản hoá quy trình, thủ tục tài trợ như quy định chi tiết các thủ tục hình thành nên một khoản tài trợ theo hướng đơn giản hoá nhất là đối với các khoản tài trợ nhỏ và siêu nhỏ nhưng đảm bảo chặt chẽ, an toàn. Tư vấn, hỗ trợ tối đa để rút ngắn thời gian, chi phí khi thực hiện quy trình và thủ tục tài trọ cho khách hàng.

Cũng theo lãnh đạo ngân hàng này, VietinBank sẽ nâng cấp hệ thống thông tin. Đây là khâu then chốt giúp ngân hàng có thể nhanh chóng đưa ra quyết định tài trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua đánh giá năng lực và hiệu quả. VietinBank đang nỗ lực xây dựng bộ phận chuyên trách để quản lý thông tin (cả đầu vào và đầu ra). Bên cạnh đó, VietinBank xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chung cho toàn hệ thống, làm cho nó thực sự trở thành công cụ đắc lực hỗ trợ hoạt động tài trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Thắt chặt quan hệ với các tổ chức liên quan đến doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm thu hút được nhiều nguồn vốn giá rẻ, dài hạn từ các tổ chức quốc tế để tài trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Nhận thức được vai trò quan trọng của con người, VietinBank mở rộng hoạt động đào tạo chuyên sâu cho cán bộ phục vụ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Việc đào tạo không chỉ dừng lại ở các kiến thức chuyên môn mà quan trọng hơn cả là nhận thức về sự cần thiết phải hướng tới đối tượng khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục