Việt-Mỹ tìm cách thúc đẩy việc khắc phục hậu quả dioxin

Hội nghị bàn tròn lần thứ 2 của Nhóm đối thoại Việt-Mỹ về chất độc da cam/dioxin đã đưa ra các biện pháp thúc đẩy việc khắc phục hậu quả của chất độc này.
Việt-Mỹ tìm cách thúc đẩy việc khắc phục hậu quả dioxin ảnh 1Khu vực bị nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng được khoanh vùng để xử lý. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Ngày 21/4, Hội nghị bàn tròn lần thứ 2 của Nhóm đối thoại Việt-Mỹ về chất độc da cam/dioxin đã được tổ chức tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Hội nghị nhằm thảo luận, trao đổi và đánh giá những hoạt động trong việc khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam trong thời gian qua và kiến nghị các biện pháp thúc đẩy việc giải quyết vấn đề này một các tích cực, hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Nhóm đối thoại Việt-Mỹ về chất độc da cam/dioxin cho rằng chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm, hai nước Việt Nam-Mỹ đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong xây dựng mối quan hệ hữu nghị và hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, đến nay hậu quả của chiến tranh như vấn đề bom mìn, chất độc da cam/dioxin vẫn còn tác động đến cuộc sống của hàng triệu người dân Việt Nam và các cựu binh Mỹ đã từng tham chiến ở Việt Nam.

Những đối tượng này bao gồm những người bị ảnh hưởng một cách trực tiếp và gián tiếp từ trong chiến tranh và cả hiện tại do việc phun rải chất độc da cam và các chất làm rụng lá, ở nông thôn miền Nam.

Nhóm đối thoại Việt-Mỹ về chất độc da cam/dioxin cho biết từ năm 1962 đến năm 1971 tại các sân bay và căn cứ quân sự của Mỹ ở Nam Việt Nam đã có hơn 20 triệu galcon các chất làm rụng lá cây được Mỹ sử dụng. Việc phun rải đã diệt 5 triệu mẫu rừng và phá hủy 500.000 mẫu hoa màu. Ít nhất đã có 4,5 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc da cam và các loại chất diệt cỏ khác.

Tại hội nghị, ông Hà Huy Thông, trưởng Nhóm đối thoại Việt-Mỹ về chất độc da cam/dioxin cho rằng ngay sau khi chiến tranh kết thúc, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách để giảm bớt tác động nguy hại của dioxin đối với con người và phục hồi môi trường.

Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 651 giải quyết về cơ bản hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam đến năm 2020.

Ông Hà Huy Thông cho biết cùng với nỗ lực trong khắc phục hậu quả của chất độc da cam/dioxin của Việt Nam, những năm gần đây, Chính phủ Mỹ cũng đã có sự hợp tác trong giải quyết vấn đề trên, đáng chú ý là dự án làm sạch sân bay Đà Nẵng đang được triển khai.

Bà KC Choe, Giám đốc Phòng Môi trường và Phát triển xã hội của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cho biết trong năm 2014, giai đoạn một của dự án xử lý chất độc da cam/dioxin tại sân bay Đà Nẵng sẽ hoàn thành. Sau đó, giai đoạn hai của dự án sẽ tiếp tục được triển khai và đến năm 2016, dự án sẽ làm sạch toàn bộ những vùng bị ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng.

Đối với điểm nóng ô nhiễm chất độc da cam/dioxin tại sân bay Biên Hòa, bà Choe cho biết tổ chức này đang tiến hành các bước đánh giá tác động môi trường để đưa ra phương án xử lý ô nhiễm, làm sạch sân bay Biên Hòa trong thời gian tới.

Đại diện USAID cho biết ngoài các nỗ lực trên, tổ chức này cũng đang phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các địa phương triển khai một số chương trình, dự án nhằm chăm lo cho cộng đồng người khuyết tật, trong đó có các nạn nhân chất độc da cam/dioxin, đặc biệt là đối tượng trẻ em, nhằm giúp họ tiếp cận với các phương pháp điều trị mới và có điều kiện hòa nhập cộng đồng.

Tại hội nghị, đại diện Liên hiệp Hội người khuyết tật Việt Nam cho rằng các cựu chiến binh của Mỹ, Australia, New Zealand từng tham chiến ở Việt Nam đều được bồi thường do ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin, thì người Việt Nam bị ảnh hưởng từ chất độc này cũng được nhận chế độ trách nhiệm và chính sách an sinh từ phía chính phủ hoặc các công ty trực tiếp gây hậu quả.

Cùng ngày, Nhóm đối thoại Việt-Mỹ về chất độc da cam/dioxin và các đại biểu đã đi khảo sát thực địa khu vực ô nhiễm nặng chất độc da cam/dioxin tại Sân bay Biên Hòa và thăm trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục