Việt-Mỹ tổ chức hội thảo về giáo dục giá trị trong hội nhập

Hội thảo về đề tài này được tổ chức sáng 4/7, tại Hà Nội, nhằm phát triển lý luận về giáo dục giá trị và xây dựng hệ giá trị trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

Hội thảo khoa học quốc tế về "Giáo dục giá trị trong bối cảnh hội nhập," tổ chức sáng 4/7, tại Hà Nội.

Hội thảo này do Học viện Báo chí và Tuyên truyền thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Triết học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Hội đồng nghiên cứu Giá trị và Triết học thuộc Đại học Catholic Hoa Kỳ phối hợp tổ chức.

Hội thảo được tổ chức nhằm phát triển lý luận về giáo dục giá trị và xây dựng hệ giá trị trong bối cảnh hội nhập hiện nay; nghiên cứu thực trạng và những vấn đề đặt ra trong giáo dục giá trị và xây dựng hệ giá trị ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Hội thảo tạo diễn đàn để các nhà khoa học đối thoại, học hỏi kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp xây dựng hệ giá trị toàn cầu vì nền hòa bình và hợp tác phát triển giữa các quốc gia, dân tộc trên thế giới.

Hội thảo nhận được hơn 70 tham luận của các nhà khoa học, nhà quản lý, các nhà báo đến từ các trường Đại học, viện nghiên cứu, các cơ quan báo chí, truyền thông trong nước và quốc tế.

Hội thảo chia ra 3 phiên thảo luận về các chủ đề: lý luận về giá trị và hệ giá trị; giáo dục giá trị và vai trò của truyền thông trong giáo dục giá trị; kinh nghiệm thế giới và Việt Nam trong giáo dục giá trị.

Giáo dục giá trị-Yếu tố làm nên thành công trong quá trình hội nhập

Phó giáo sư, tiến sỹ Trương Ngọc Nam, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền nêu rõ trong quá trình phát triển, con người sáng tạo ra các giá trị vật chất và tinh thần, đó là những cái đảm bảo sự tồn tại cuộc sống con người và cộng đồng. Giá trị gắn bó với cuộc sống cá nhân và cộng đồng người. Giá trị thuộc về cá nhân là: đạo đức, thẩm mỹ, việc làm, quyền con người, thu nhập...

Giá trị thuộc về cộng đồng quốc gia dân tộc là độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, là bản sắc dân tộc, thuần phong mỹ tục.. Các giá trị nhân loại là hoà bình, hợp tác, khoan dung, dân chủ... Đó chính là hệ giá trị chi phối con người, cộng đồng xã hội và nhân loại trong quá trình phát triển.

Tại hội thảo, các tham luận đi sâu làm sáng tỏ những vấn đề cơ bản và quan trọng về giá trị và hệ giá trị; những nhân tố ảnh hưởng đến sự lựa chọn giá trị trong bối cảnh hội nhập; xu hướng biến động của những giá trị; những yêu cầu, phương pháp, nội dung giáo dục giá trị trong giai đoạn hiện.

Các nhà khoa học nêu rõ trong bối cảnh hiện nay, những giá trị cá nhân, giá trị gia đình, cộng đồng xã hội; đạo đức, lối sống, lý tưởng, trách nhiệm xã hội, quan hệ người với người đang diễn biến phức tạp, đặc biệt, một bộ phận thế hệ trẻ ngày nay đang có biểu hiện "lệch chuẩn."

Đó là những thách thức to lớn đối với sự phát triển xã hội mang tính bền vững, không chỉ đối với Việt Nam. Điều đó cho thấy sự cần thiết phải xây dựng hệ chuẩn mực giá trị quốc gia-dân tộc Việt Nam, thực hiện quá trình giáo dục giá trị cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, nhằm thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Các đại biểu nhấn mạnh thực tiễn đang đặt ra những vấn đề cấp bách trong việc xác định yêu cầu của giáo dục giá trị. Xây dựng hệ giá trị văn hoá và con người trong bối cảnh hội nhập không chỉ là một vấn đề lớn đối với Việt Nam mà còn đối với cả thế giới nhằm gìn giữ, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và hướng tới hội nhập thành công.

Một trong những yếu tố làm nên thành công trong quá trình phát triển, hội nhập là công tác giáo dục giá trị. Bởi thông qua giáo dục giá trị, những giá trị tốt đẹp được hình thành, củng cố và phát triển, trở thành một bộ phận quan trọng của nhân cách, tâm hồn, phẩm giá con người, từ đó góp phần tạo thành giá trị nhân cách, giá trị con người- giá trị cao nhất của tất cả các giá trị.

Hơn lúc nào hết, cần phải nhìn nhận lại một cách khoa học xu hướng biến đổi của hệ giá trị hiện tại; khẳng định giá trị Việt Nam, kế thừa và phát huy giá trị truyền thống của dân tộc, đồng thời phải tiến hành giáo dục, truyền bá giá trị chân chính, để các giá trị này thấm đến mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ, để chuẩn bị cho họ đi vào cuộc sống tương lai trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.

Hiện nay, nhiều quốc gia coi việc giáo dục thế hệ trẻ về các giá trị trị lao động, trí tuệ, tài năng, trách nhiệm, giáo dục giá trị truyền thống, giá trị nhân văn, giá trị cá nhân, giá trị cộng đồng... là những yêu cầu có tính chất nền tảng của nền giáo dục.

Đề cập về giá trị truyền thống và giáo dục truyền thống cho cho học sinh sinh viên, thạc sỹ Hoàng Thị Mỹ Quỳnh thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng trong bối cảnh hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, nước ta đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức. Nguy cơ mai một của giá trị truyền thống trong cộng đồng, đặc biệt là sự thờ ơ với truyền thống của tầng lớp học sinh, sinh viên là vấn đề nổi cộm.

Xu hướng xâm lấn của các giá trị ngoại lai và những cám dỗ của nền kinh tế thị trường đã dần làm cho tầng lớp học sinh, sinh viên ngày càng xa cách với giá trị truyền thống của dân tộc. Do đó, giáo dục giá trị truyền thống cho học sinh, sinh viên hiện nay là công việc khách quan và cần thiết.

Thạc sỹ Hoàng Thị Mỹ Quỳnh kiến nghị giáo dục kiến thức cho học sinh, sinh viên đòi hỏi phải song hành với giáo dục giá trị truyền thống; cần quan tâm xây dựng đời sống văn hoá tinh thần, củng cố lòng tự hào dân dộc trong lĩnh vực văn hoá, chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa.

Theo tiến sỹ Trần Hải Minh của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, trong hệ thống các giá trị cấu thành giá trị văn hoá và con người Việt Nam, chủ nghĩa yêu nước là giá trị đứng đầu và chi phối các giá trị khác. Được hun đúc từ lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc, chủ nghĩa yêu nước đã trở thành động lực tinh thần to lớn giúp nhân dân ta chiến thắng mọi cuộc xâm lăng của kẻ thù, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và bản sắc văn hoá dân tộc.

Trong bối cảnh hiện nay, việc kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống, đặc biệt là truyền thống yêu nước ngày càng trở nên cấp bách đối với cách mạng Việt Nam. Vì vậy, cần có giải pháp nhằm kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.


Phát huy vai trò của truyền thông đại chúng trong giáo dục giá trị

Giáo dục giá trị được thực hiện thông qua nhiều biện pháp, hình thức công cụ khác nhau, trong đó, báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng đang trở thành công cụ quan trọng với phương thức đặc thù giáo dục giá trị, đặc biệt là với công chúng trẻ.

Tại hội thảo, các nhà khoa học đã chia sẻ những ý kiến sâu sắc về tác động của truyền thông đến sự hình thành và phát triển hệ giá trị, nhấn mạnh vai trò của truyền thông trong giáo dục giá trị.

Phó giáo sư, tiến sỹ Đỗ Thị Thu Hằng cho rằng báo chí là một trong những con đường giáo dục giá trị rất sinh động và có diện bao phủ rộng đến các nhóm công chúng. Báo chí tác động đến con người nói chung và giới trẻ nói riêng hàng ngày, hàng giờ, mọi nơi làm cho công chúng báo chí "thấm dần" và dần hình thành tất cả các giá trị trong hệ giá trị.

Phương thức đặc thù trong giáo dục giá trị cho giới trẻ của báo chí là thông qua việc thông tin, phân tích, bình luận về sự kiện, vấn đề liên quan trực tiếp đến nhu cầu và thị hiếu của thanh thiếu niên, đồng cảm và tăng cường hay làm dịu những cảm xúc của người trẻ, hòa cùng và tiếp thêm khát vọng, thông qua dư luận xã hội, để từ đó đưa từng giá trị vào trong ý thức lịch sử-văn hóa của họ, trong thế giới quan, lý tưởng, niềm tin.

Các nhà khoa học cho rằng ở Việt Nam, trong những năm qua, truyền thông đại chúng đã thể hiện vai trò quan trọng trong việc giáo dục giá trị. Truyền thông đại chúng góp phần định hướng quá trình xây dựng và lựa chọn các giá trị; góp phần xây dựng, hoạch định đường lối, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước về văn hóa; đấu tranh chống lại các luận điệu, âm mưu, hành động chống phá Đảng và Nhà nước, đấu tranh chống đồng hoá và phá hoại các giá trị văn hóa, đặc biệt là các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Mam. Truyền thông đại chúng tham gia quảng bá hình ảnh và các giá trị của Việt Nam ra thế giới.

Tại hội thảo, các đại biểu cùng chia sẻ kinh nghiệm trong giáo dục giá trị của các quốc gia trên thế giới và đối thoại về vấn đề giáo dục hệ giá trị ở phạm vi toàn cầu. Trên cơ sở đó, nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục giá trị trong bối cảnh hội nhập hiện nay đã được đề xuất và trao đổi tại Diễn đàn này, góp phần xây dựng hệ giá trị toàn cầu vì nền hoà bình, hợp tác và phát triển giữa các quốc gia, dân tộc.

Các thông tin được chia sẻ tại Diễn đàn hội thảo quốc tế này sẽ góp phần tạo ra những chuyển biến quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục giá trị, góp phần tích cực vào sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo, đặc biệt là giáo dục đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới.

Đây chính là những giá trị chung, không chỉ dân tộc Việt Nam mà các quốc gia dân tộc trên thế giới đang hướng tới xây dựng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục