Vietnam Idol - "Cú hích" cho truyền hình thực tế

Truyền hình thực tế Việt 2010 đã có một năm "thay da đổi thịt" và tạo được sức hút là các chương trình mua bản quyền nước ngoài.

Năm 2010 được đánh giá là năm khởi sắc của nhiều chương trình truyền hình thực tế Việt Nam. Trong đó, tạo được sức hút với công chúng phải kể đến các chương trình mua bản quyền nước ngoài.

Một số cái tên dành được nhiều sự quan tâm, theo dõi của khán giả thời gian qua như: Bước nhảy hoàn vũ, Vietnam Next Top Model, Một phút có trong sự thật và điển hình mới đây nhất là “cơn bão” Vietnam Idol vừa mới càn quét qua truyền hình trong nước.

Những chương trình này thực sự đã góp phần "thay da đổi thịt" cho bộ mặt gameshow Việt năm 2010.

Từ thực tế đến nhân văn

Trong bốn chương trình kể trên có tới ba chương trình lần đầu ra mắt (trừ Vietnam Idol sau hai mùa nhạt nhòa nay bùng lên thành hiện tượng), nhưng đã chứng tỏ được sức hút của mình. Bởi, nhà sản xuất biết tôn trọng thực tế đôi khi có phần kịch tính, cũng vì họ hiểu người xem đã quá ngán ngẩm với những thứ “dàn cảnh” trong trường quay.

Cũng vì nắm bắt được tâm lý đó mà "Người mẫu Việt Nam – Vietnam’s Next Top Model" quyết đổi gió cho không khí truyền hình thực tế. Từ khi lên sóng (cuối 9/2010), chương trình đã không giấu diếm những cảnh cãi nhau giữa các thí sinh khiến nước mắt tuôn rơi ngay trước máy quay.

Cảnh thí sinh Thu Hiền (vừa bị loại khỏi cuộc thi tuần vừa rồi) “bật” lại giám khảo vì cô này cho rằng mình bị nhận xét thiếu thỏa đáng cũng được “phơi bày”. Đây là chương trình dành được nhiều thiện cảm của người xem, nhất là những ai yêu thích sàn diễn thời trang.

Như chị Thanh Loan nhà ở khu đô thị Việt Hưng chia sẻ: “Các chương trình truyền hình thực tế đã có một năm khá sôi động. Tôi không bỏ qua tập Vietnam’s Next Top Model nào cả. Mỗi tập lại thấy các thí sinh phải trải qua những thử thách không ngờ tới, như việc người mẫu phải diễn và chụp hình trong nhà băng âm 10 độ C mà chỉ được mặc mỗi chiếc váy mỏng manh. Điều đó khiến tôi rất ấn tượng với chương trình.”

Trước đó, khán giả lại tỏ ra thích thú với "Bước nhảy hoàn vũ." Bởi, họ không chỉ thấy các “sao” phải mướt mồ hôi thi đấu, rồi cũng bị giám khảo khen, chê mà còn được chứng kiến Ban giám khảo cãi nhau kịch liệt.

Còn "Vietnam Idol" thì chọn cách lồng ghép vào những cảnh lùm xùm ở phía hậu trường khi phát tán đoạn ghi âm chửi bậy của Đức Anh cũng như khai thác lí lịch lạ lẫm của các thí sinh… Chính vì đã trở nên “gần gũi” hơn với khán giả nên những chương trình như thế này rất được lòng khán giả.

Tận mắt chứng kiến màn “bật” lại giám khảo của các thí sinh trên truyền hình mà nhà sản xuất không hề cắt đi khi phát sóng anh Lê Bình, nhân viên Viettel cho rằng, các chương trình “thực sự hot vì những chuyện ngoài lề!" Chính vì được xem những cảnh… chân thật như vậy nên anh bảo “đã bắt đầu thấy thích xem các cuộc thi trên truyền hình hơn.”

Truyền hình thực tế không chỉ hút khán giả nhờ yếu tố chân thật và đậm tính tương tác mà có chương trình đã thực sự chạm được tới trái tim người xem nhờ tính nhân văn sâu sắc. Đó là những thước phim không lời chạy dài với bao trăn trở về nhân tình thế thái, với những góc khuất của xã hội... Nó chân thực hơn cả sự thực!

“Một phút có trong sự thật” ra mắt khán giả từ cuối tháng 7/2010 là một chương trình như thế. Tuy nó không tạo thành làn sóng mạnh mẽ mang tính bề nổi như ba chương trình trên nhưng được đánh giá cao nhờ thông điệp nhân văn, hướng con người tới giá trị chân-thiện-mỹ.

Có thể nói, đây là chương trình truyền hình thực tế đặc biệt nhất từ trước tới nay vì thời lượng phát sóng cực ngắn (60 giây), không có lời bình. Mỗi phút là một câu chuyện chỉ bằng hình ảnh và âm thanh về những mặt trái của xã hội như đói nghèo, giáo dục, bạo hành, thất nghiệp… một cách chân thực.

Thế nên, mỗi nhân vật xuất hiện trong chương trình đã là mỗi cuộc đời, là con người thực trong xã hội. Họ chẳng cần phải “sắm vai”. Họ chỉ có thể “diễn” bằng ánh mắt, dáng điệu và những tự sự của chính mình mà thôi.

Điểm “+” cho truyền thông

Thời gian gần đây truyền thông đã tỏ rõ sức mạnh khi góp phần làm “bùng nổ” sự quan tâm của công chúng với các chương trình truyền hình thực tế. Và, không thể phủ nhận rằng đời sống văn hóa, văn nghệ trong nước đang sôi động hơn nhờ có truyền thông… nhúng tay. Bên cạnh đó là sức hút từ những “lùm xùm” nội bộ khiến nhiều khán giả phải nổi máu tò mò, nghiêng ngó.

Bảo Bình nhà ở Lạc Long Quân chia sẻ quan điểm: “Em thấy đúng là các cuộc thi đang tiếp cận công chúng gần hơn nhưng không phải vì tổ chức tốt hơn mà vì Ban tổ chức đã hiểu được sức mạnh của truyền thông và tận dụng nó một cách linh hoạt, uyển chuyển.”

“Như trường hợp Uyên Linh có hát hay thật nhưng hay đến mức tung hô như Diva thì thật quá nực cười. Nói chung là truyền thông đã làm tốt việc đánh vào tâm lí "đám đông" của người Việt. Rõ ràng bây giờ người ta làm kinh doanh thì việc phải dùng 'chiêu' là đương nhiên.

Em cũng đang làm kinh doanh nên em hiểu. Tuy nhiên, cái đích sâu xa mà chúng ta hướng tới là nâng cao trình độ thẩm mỹ, nâng cao khả năng cảm thụ âm nhạc, nhận thức cho khán giả thì còn hơi hạn chế,” cô khán giả từng thi vào trường Âm nhạc quốc gia nhận xét.

Còn như chị Mai Phương, nhân viên công ty Hàng hải Đông Đô thì cho rằng: “Các chương trình ấy 'hot' vì những chuyện ngoài lề. VietNam Next Top Model thì ấn tượng có lẽ không nằm ở các thí sinh mà lại nằm ở giám khảo kiêm MC Hà Anh, từ các bài báo lên án cô này kiêu và quá cứng nhắc rồi đến vụ thứ hai là cãi Ban giám khảo của thí sinh Thu Hiền.

Cuộc thi nào cũng ầm ào vì những thông tin kiểu thí sinh cãi giám khảo, hết Sao Mai Điểm hẹn đến Vietnam Next Top Model rồi cả Vietnam Idol cũng thế. Nói chung là hơi lạm dụng và truyền thông thái quá, kiểu như tạo scandal để câu view ấy.”

Phó trưởng ban VTV6 Đài Truyền hình Việt Nam Đặng Diễm Quỳnh thì lý giải về sự quan tâm của truyền thông dành cho các chương trình truyền hình thực tế dạo gần đây: “Sự bất ngờ thậm chí những điểm ngoặt không suôn sẻ ở nó cũng nhiều hơn và vì thế báo chí, diễn đàn nhắc đến nó thường xuyên hơn là lẽ dễ hiểu.”

Khi nhắc lại “hiện tượng” Idol 2010, Nhà báo Diễm Quỳnh tỏ ra lạc quan bởi: “Sau những gì đã xảy ra với Idol, khán giả sẽ quan tâm hơn đến từng chương trình trực tiếp vì nó chứa đựng quá nhiều bất ngờ và kịch tính.”

Như vậy, hẳn sự thành công của các chương trình thực tế này sẽ khiến nhiều chương trình mới ra đời, thúc đẩy sự phát triển của truyền hình giải trí trong năm 2011 và đồng thời cũng tạo thêm nhiều áp lực hơn cho các nhà sản xuất.

Và dẫu sao, các nhà sản xuất cũng đang có động lực vì đã khơi gợi được hứng thú cũng như sự quan tâm của khán giả. Nó cho thấy gameshow Việt Nam, từng được ví như món đồ hộp nguội ngắt dễ ngán do dàn dựng cứng nhắc theo kịch bản trong studio, nay đã thành một món ăn tươi mát, hấp dẫn công chúng bằng hương vị riêng, dẫu rằng vẫn còn đó nhiều trăn trở về chất lượng./.

ChiLê (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục