Việt-Nga: Quan hệ kinh tế thấp, dẫn đến mất cân bằng thông tin

Phóng viên TTXVN đã có cuộc trò chuyện với giáo sư Vladimir Kolotov, trưởng khoa lịch sử các nước Viễn Đông, Giám đốc Viện Hồ Chí Minh về quan hệ Việt Nam​-Liên bang Nga hiện nay.
Việt-Nga: Quan hệ kinh tế thấp, dẫn đến mất cân bằng thông tin ảnh 1(Nguồn: Vietnam+)

Việt Nam và Liên bang Nga là đối tác chiến lược toàn diện và quan trọng hơn là tình hữu nghị lâu đời, thủy chung.

Trước thềm chuyến thăm chính thức cấp nhà nước của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới Nga, phóng viên TTXVN thường trú tại Liên bang Nga đã có cuộc trò chuyện với giáo sư Vladimir Kolotov, trưởng khoa lịch sử các nước Viễn Đông, Giám đốc Viện Hồ Chí Minh thuộc trường Đại học quốc gia Saint-Petersburg về ý nghĩa của chuyến thăm này.

- Xin chào ​giáo sư, ông đánh giá ra sao về thực trạng quan hệ Việt Nam​-Liên bang Nga hiện nay, liệu đã đáp ứng được tiềm năng và nguyện vọng của hai nước hay chưa?

Giáo sư V.Kolotov: Một câu hỏi thú vị. Theo tôi, quan hệ Việt​-Nga hiện nay chưa hề đáp ứng được tiềm năng mà cả hai nước có. Một mặt, hai nước có quan hệ chính trị tốt đẹp, không có vấn đề hay mâu thuẫn gì, cùng có quan điểm tương đồng về tình hình quốc tế​, song quan hệ kinh tế lại chưa mấy thành công.

Chỉ một ví dụ để so sánh, Việt Nam và Mỹ khôi phục lại quan hệ ngoại giao từ năm 1995, song cho đến nay đã kịp đưa kim ngạch thương mại lên gần 50 tỷ USD. Vậy mà với Nga chỉ có 4 tỷ USD.

Thực trạng này hoàn toàn không bình thường, ngay cả các nước mà Việt Nam có tranh chấp địa chính trị, lãnh thổ mà thương mại song phương cũng đạt tới 60 tỷ USD.

Con số 4 tỷ USD với Nga là mức quá thấp. Nó kéo theo xu hướng tiếng Nga đang rời khỏi Việt Nam, số người Việt Nam biết tiếng Nga đã giảm mạnh trong những năm qua, các sản phẩm sách báo tiếng Nga cũng dần biến mất. Và hậu quả là ảnh hưởng của Nga tại Việt Nam đã giảm xuống.

Tôi muốn báo động về việc này, vì nó làm nảy sinh tình huống một chiều trong không gian thông tin.

Thông tin từ quốc tế vào Việt Nam qua nguồn các phương tiện thông tin đại chúng phương Tây đã không giúp người đọc có được cảm thụ đúng đắn về những xu hướng đang diễn ra trên thế giới.

Có nghĩa là, mức quan hệ kinh tế thấp dẫn đến mất cân bằng thông tin và tác động tiêu cực đến quan hệ chính trị là điều không thể tránh. Để vượt lên được tình trạng này cần phải nỗ lực trong nhiều lĩnh vực, trước hết là phổ biến những thông tin xác thực và khách quan về tình hình phát triển tại cả hai nước và trên thế giới nói chung.

Phải lấy đó làm nền tảng cho mối quan hệ giữa hai nước chúng ta, và trên nền tảng đó xây dựng được một “ngôi nhà” mang lại lợi ích cho các chủ thể kinh tế.

Hiện tại ở Nga có rất ít người được biết rằng Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ như thế nào trong những năm qua, trong đó có những thành tựu vô cùng lớn về kinh tế. Nước Nga ít biết về điều đó, và do đó ít doanh nghiệp Nga xem Việt Nam như một đối tác tiềm năng đáng tin cậy. Thật đáng tiếc!

[Cuộc thi viết "Kỷ niệm sâu sắc về nước Nga và tình hữu nghị Việt-Nga”]

- Vậy theo giáo sư, chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang sẽ có tác động gì để cải thiện tình hình này?

Giáo sư V.Kolotov: Tất nhiên là chuyến thăm là sự kiện trọng đại trong quan hệ Nga-Việt. Song tôi là người lạc quan thận trọng. Để chính sách xoay chiều sang phía Đông của Nga đạt hiệu quả, Nga cần phải huy động các nhà phương Đông học vào các dự án.

Ngành phương Đông học của Nga phát triển rất mạnh với các trung tâm lớn tại Moskva, Sainkt-Petersburg, Vladivostok.

Tại nhiều khu vực của Nga hiện nay đang tích cực nghiên cứu các nước phương Đông, đào tạo các chuyên gia hiểu biết về ngôn ngữ, văn hóa. Chắc chắn ai cũng biết là nếu châu Âu vào châu Á mà không có một vốn kiến thức về truyền thống, tập tục, ngôn ngữ, thì khó có thể có cơ hội thành công.

Đáng buồn là hiện nay các ý kiến chuyên gia phương Đông học chưa được đề cao trong các dự án, cho nên ngay cả các dự án lớn của Gazprom, Rosatom cũng không được triển khai thành công.

Và như vậy tôi đặt những kỳ vọng lớn vào chuyến thăm quan trọng này, hy vọng lãnh đạo đất nước, các bộ ngành tháp tùng sẽ tìm được những biện pháp để lấp những chỗ hổng trong quan hệ Nga-Việt, đưa quan hệ đó đạt được những mục tiêu tham vọng của mình.


- Xin cảm ơn giáo sư vì cuộc phỏng vấn này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục