Việt-Pháp trao đổi kinh nghiệm xây dựng pháp luật

Đoàn Viện Nghiên cứu lập pháp Quốc hội đã thăm và làm việc tại Pháp nhằm trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu và xây dựng pháp luật.
Từ ngày 21 đến 27/9, đoàn Viện Nghiên cứu lập pháp Quốc hội do Viện trưởng Đinh Xuân Thảo, đại biểu Quốc hội khóa 12, dẫn đầu, đã thăm và làm việc tại Pháp nhằm tìm hiểu và trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu và xây dựng pháp luật của nước này.

Đoàn đã tới thăm Hạ viện và Thượng viện Pháp, gặp gỡ và trao đổi kinh nghiệm với chuyên gia và cán bộ quản lý của các Vụ kiểm tra và nghiên cứu pháp luật, Vụ pháp luật kinh tế, Vụ pháp luật chung và hệ thống thư viện. Đoàn cũng có buổi làm việc với nhóm nghị sĩ Hữu nghị Pháp-Việt và thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp.

Trong các buổi làm việc, hai bên đã trao đổi về cơ cấu tổ chức của các cơ quan nghiên cứu hỗ trợ cho các nghị sĩ Pháp, phương thức hoạt động của các cơ quan này, cũng như hình thức nghiên cứu các chuyên đề phục vụ hoạt động của lưỡng viện.

Phía Việt Nam đánh giá cao qui trình làm luật, đơn giản nhưng đầy đủ, công tác nghiên cứu chuyên nghiệp, có bài bản và độc lập. Đặc biệt, việc áp dụng công nghệ tin học đa phương tiện hiện đại vào việc xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu, cùng khối lượng đồ sộ các tài liệu lưu trữ tại hệ thống thư viện của Thượng viện và Hạ viện Pháp đã gây ấn tượng mạnh đối với những vị khách Việt Nam.

Đoàn Việt Nam cho rằng kinh nghiệm của Pháp trong các lĩnh vực này đáng được tham khảo, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang chủ trương xây dựng Quốc hội điện tử.

Các nghị sĩ và cán bộ công chức Pháp đánh giá cao sự hợp tác Pháp-Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, trong đó có hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Pháp, bày tỏ mong muốn sẵn sàng hợp tác và giúp Việt Nam trong việc hoàn thiện 3 chức năng cơ bản của Quốc hội là lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Được thành lập cách đây 1 năm, Viện Nghiên cứu lập pháp có nhiệm vụ nghiên cứu những vấn đề liên quan đến tổ chức và hoạt động của Quốc hội, cung cấp những luận cứ khoa học phục vụ việc xây dựng phương hướng đổi mới cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động của Quốc hội trong từng thời kỳ và mỗi nhiệm kỳ cụ thể. Ngoài ra, Viện còn có nhiệm vụ cung cấp, phổ biến các kết quả nghiên cứu góp phần phục vụ, hỗ trợ hoạt động của Quốc hội.

Tuy mới đi vào hoạt động, Viện đã và đang triển khai các chương trình hợp tác quốc tế với các cơ quan lập pháp của các nước Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp và sắp tới là Australia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục