Vinh danh 100 mô hình Cánh đồng vàng Việt Nam năm 2015

Qua 5 năm phát triển, mô hình cánh đồng lớn đã chứng minh phù hợp với sản xuất nông nghiệp một cách khoa học, bền vững không chỉ với cây lúa mà còn với rau màu, hoa quả và các cây công nghiệp khác.
Vinh danh 100 mô hình Cánh đồng vàng Việt Nam năm 2015 ảnh 1Một góc cánh đồng lớn tại huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

Ngày 12/12, tại thành phố Cần Thơ, Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại thành phố Cần Thơ tổ chức chương trình vinh danh 100 mô hình cánh đồng vàng năm 2015.

Đây là hoạt động nhằm hưởng ứng phong trào xây dựng cánh đồng lớn và triển khai thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản.

Chương trình còn là dịp để tôn vinh các mô hình cánh đồng lớn, các tổ chức, cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành nông nghiệp nước nhà trong thời kỳ hội nhập.

Ông Hồ Xuân Hùng - Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, cho biết mô hình cánh đồng lớn ra đời cách đây 5 năm tại Đồng bằng sông Cửu Long và bắt đầu từ cây lúa với tên gọi cánh đồng mẫu lớn.

Qua 5 năm phát triển, mô hình cánh đồng lớn đã chứng minh phù hợp với sản xuất nông nghiệp một cách khoa học, bền vững. Các cánh đồng lớn đã được nghiên cứu kỹ càng và đang được nhân rộng tại nhiều địa phương trên cả nước, không chỉ với cây lúa mà còn được thực hiện trên rau màu, hoa quả và các loại cây công nghiệp khác.

Mô hình 100 cánh đồng vàng tiêu biểu năm 2015 được lựa chọn để vinh danh lần đầu tiên tại Cần Thơ là sự lựa chọn kỳ công trong tám tháng của Ban Tổ chức từ 533 mô hình đề cử của hơn 50 tỉnh, thành trong cả nước. Đây là những mô hình cánh đồng có quy mô, năng suất, chất lượng, hiệu quả và giá trị tiêu biểu cho thành tựu phát triển nông nghiệp và nông thôn Việt Nam.

Các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp kiểu mới trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế cần được biểu dương để trở thành những tấm gương điển hình trong phát triển sản xuất nông nghiệp ngày càng hiệu quả và nhân rộng.

Lễ tôn vinh lần này là nguồn động viên khích lệ các mô hình sản xuất áp dụng khoa học kỹ thuật và đẩy mạnh hơn nữa tính liên kết, hợp tác để phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao giá trị cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp.

Ông Đinh Xuân Thu, Chủ trang trại thôn 10, xã Nam N’jang, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông, cho hay để có thành công, người nông dân phải có kiến thức khoa học kỹ thuật căn bản kết hợp với kinh nghiệm sản xuất, gắn bó chặt chẽ với đồng ruộng, miệt mài lao động và không ngừng học hỏi những kiến thức mới.

Trong giai đoạn hội nhập quốc tế, sản phẩm cũng phải đạt chất lượng và tiêu chuẩn quốc tế để giải quyết vấn đề rào cản kỹ thuật; đồng thời đáp ứng nhu cầu thị trường, giá cả và hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững về môi trường, sinh thái, an sinh xã hội.

Là người được vinh danh lần này, ông Thu tự hào khi thấy Nhà nước đã quan tâm đến nông dân, những người "một nắng hai sương."

Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã trao biểu tượng và bằng khen 40 cá nhân và 60 tập thể của các đơn vị, địa phương trên địa bàn cả nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục